Chuyên gia: Dịch bệnh ở Indonesia bị xem nhẹ quá mức, đến tháng 8 mới đạt đỉnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các chuyên gia cho rằng, tình hình dịch bệnh ở Indonesia đã bị xem nhẹ nghiêm trọng, cuối tháng 7 hoặc giữa tháng 8 mới đạt đỉnh. Nếu không kiểm soát được hiệu quả, số ca nhiễm mới có thể tới 500.000 ca/ngày.
Công nhân đóng quan tài làm việc ngày đêm bởi số ca tử vong vì COVID-19 đã đạt mức kỷ lục 539 người vào ngày 2/7 (Ảnh: Reuters).
Công nhân đóng quan tài làm việc ngày đêm bởi số ca tử vong vì COVID-19 đã đạt mức kỷ lục 539 người vào ngày 2/7 (Ảnh: Reuters).

Theo hãng tin CNA, bắt đầu từ hôm nay (3/7), Indonesia đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp kéo dài hai tuần (PPKM Darurat) đối với các đảo Java và Bali, với hy vọng giảm lưu lượng người di chuyển để giảm số ca lây nhiễm mới mỗi ngày xuống dưới 10.000 ca và giảm tỷ lệ dương tính từ 22% hiện nay xuống dưới 10%.

Indonesia có số ca lây nhiễm vượt 20.000 trường hợp/ngày lần đầu tiên vào ngày 24/6; ngày 2/7 là 25.830 ca và hôm nay (3/7) là 27.913 ca một mức cao kỷ lục mới. Trong 10 ngày qua, có 9 ngày số ca nhiễm mới vượt quá 20.000 trường hợp/ngày. 539 ca tử vong được báo cáo vào ngày 2/7, cũng là mức cao kỷ lục mới, tổng số ca tử vong đã đạt 60.027 người vào ngày 3/7. Hiện số người nhiễm COVID-19 ở Indonesia đã lên tới 2.256.851, đứng thứ 16 thế giới, thứ 3 châu Á (sau Ấn Độ và Iran) và đứng đầu Đông Nam Á.

Những người chết vì COVID-19 mới được chôn. Hiện số người chết vì COVID-19 ở Indonesia đã vượt mốc 60 ngàn (Ảnh: CNA).

Những người chết vì COVID-19 mới được chôn. Hiện số người chết vì COVID-19 ở Indonesia đã vượt mốc 60 ngàn (Ảnh: CNA).

Bác sĩ Mohammad Adib Khumaidi, người đứng đầu “Risk Mitigation Team of Indonesian Medical Association” (Nhóm giảm thiểu rủi ro của Hiệp hội Y tế Indonesia), ngày 30/6 đã chỉ ra rằng các bệnh viện ở ngoại ô thủ đô Jakarta và thành phố Tây Java như Tangerang, Bandung, Yogyakarta và Surabaya ở Đông Java đều đã quá tải.

Trả lời phỏng vấn của hãng Thông tấn CNA, ông Adib Khumaidi chỉ ra rằng 90% số giường cách ly tại các bệnh viện này đã kín chỗ, trong khi các khoa chăm sóc đặc biệt đã chật kín. Mặc dù có hệ thống quản lý nguy cơ điều tiết tài nguyên y tế, nhưng rất khó tìm được một phòng chăm sóc đặc biệt. Việc mở thêm một phòng chăm sóc đặc biệt không dễ như một phòng ở khu cách ly, nó đòi hỏi các nguồn lực như máy thở và nhân lực được đào tạo về y học chăm sóc đặc biệt.

Adib Khumaidi nói nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 cần một phòng chăm sóc đặc biệt. "Các bác sĩ phải đối mặt với vấn đề ai nên được nhận vào phòng chăm sóc đặc biệt. Đây là một lựa chọn rất khó khăn". Bệnh viện có quá nhiều bệnh nhân cần được cấp cứu nhưng không đủ năng lực y tế. "Chúng tôi đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Rất khó để quyết định ưu tiên ai được sử dụng phòng chăm sóc đặc biệt trước".

Bệnh nhân ngồi chờ giường bệnh ở bệnh viện tự mang theo bình oxy tới (Ảnh: Zaobao).

Bệnh nhân ngồi chờ giường bệnh ở bệnh viện tự mang theo bình oxy tới (Ảnh: Zaobao).

Ông Adib Khumaidi nói rằng các bệnh viện có nhu cầu cao về các loại thuốc, máy thở và bình oxy, và các nhà chức trách phải đảm bảo cung cấp kịp thời. Bệnh viện hạn chế về năng lực, cần phải cho bệnh nhân biết trong trường hợp nào họ có thể tự cách ly nhưng vẫn phải được nhân viên y tế theo dõi qua video để tránh được điều trị quá muộn nếu xảy ra chuyện.

Dịch bệnh ở Indonesia đã gia tăng nhanh chóng kể từ sau ngày lễ tôn giáo Eid al-Fitr (Ăn chay) hồi giữa tháng 5. Nhà dịch tễ học người Indonesia Dicky Budiman, giảng viên tại Trung tâm Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng thuộc Đại học Griffith, Australia, khi trả lời phỏng vấn CNA ngày 1/7 đã nói, do tỷ lệ sàng lọc của Indonesia còn thấp và khả năng theo dõi người nghi ngờ nhiễm bệnh còn thiếu nên "thông tin về dịch bệnh của chính phủ không thể phản ánh tình trạng lây nhiễm thực tế của cộng đồng".

Lưu lượng người di chuyển quá lớn trong dịp lễ tôn giáo Eid al-Fitr (Ăn chay) hồi giữa tháng 5 là một nguyên nhân gây nên làn sóng dịch hiện nay (Ảnh: AP).

Lưu lượng người di chuyển quá lớn trong dịp lễ tôn giáo Eid al-Fitr (Ăn chay) hồi giữa tháng 5 là một nguyên nhân gây nên làn sóng dịch hiện nay (Ảnh: AP).

Ông Budiman chỉ ra rằng theo nghiên cứu của ông, "hiện nay mỗi ngày có ít nhất 100.000 người được chẩn đoán nhiễm bệnh" và số ca mắc mới mỗi ngày được chính phủ công bố "chỉ bằng khoảng 15% số ca nhiễm thực tế trong cộng đồng". Qua nghiên cứu mô hình ước tính rằng nếu không có biện pháp kiểm soát dịch hiệu quả, đỉnh điểm của đợt dịch này sẽ là vào cuối tháng 7 hoặc giữa tháng 8, khi đó mỗi ngày có thể có gần 500.000 ca lây nhiễm mới.

Theo thống kê từ trang "Our World In Data" đến ngày 28 tháng 6, tỷ lệ sàng lọc trung bình của Indonesia trong 7 ngày qua là cao nhất kể từ khi có dịch, nhưng cũng chỉ 0,31 người trên một nghìn người được sàng lọc, thấp hơn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cần có ít nhất 1/1000 người được khám sàng lọc. 75% số các tỉnh của Indonesia ở dưới mức tiêu chuẩn trên. Trang web thống kê Statista của Đức chỉ ra rằng trong số 31 quốc gia có nhiều ca bệnh nhất trên thế giới, Indonesia có tỷ lệ sàng lọc thấp thứ tư kể từ dưới lên.

Ông Budiman nói rằng hầu hết dân số ở Indonesia là ở trong các cộng đồng. "Chúng tôi không thể tìm thấy những người nhiễm bệnh. Đây là vấn đề chính". Chính phủ cần phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn hệ thống y tế sụp đổ. "Hiện đã là tình trạng rất khẩn cấp. Đã đến lúc phải “lockdown" ít nhất là các đảo Java và Bali bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trên đảo Madura tình hình cũng đáng lo ngại không kém và các khu vực của Sumatra cũng cần phải đóng cửa.

TRong số 31 quốc gia có số ca bệnh nhiều nhất thế giới, tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc ở Indonesia xếp thứ 3 từ dưới lên (Ảnh: CNA).

TRong số 31 quốc gia có số ca bệnh nhiều nhất thế giới, tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc ở Indonesia xếp thứ 3 từ dưới lên (Ảnh: CNA).

Budiman đề nghị chính phủ Indonesia áp dụng chiến lược "home visit", can thiệp mạnh mẽ vào cộng đồng, khám sàng lọc miễn phí cho những bệnh nhân nghi ngờ và truy vết những người tiếp xúc để họ chữa bệnh hoặc cách ly. Nếu chính quyền địa phương không có kinh phí để khám sàng lọc miễn phí, họ cũng nên cách ly những người nghi ngờ bị bệnh, đây là một cách quan trọng để chặn đứng sự lây lan của virus.

Ông cho biết, rất nhiều người Indonesia khi mắc bệnh, họ sẽ tự điều trị theo cách mà họ đã quen ở nhà, không phải chỉ vì sợ tốn tiền đi khám mà là do văn hóa. Ngày nay, khoảng 80% đến 85% các trường hợp bị lây nhiễm là qua gia đình hoặc cộng đồng, chính quyền cần phải đi sâu vào cộng đồng và “phát hiện bệnh nhân nghi ngờ ở giai đoạn sớm” để nhanh chóng khống chế dịch.

Các biện pháp khẩn cấp được thực hiện ở Indonesia từ ngày 3/7 yêu cầu tất cả nhân viên trong các ngành không quan trọng hoặc các ngành không thiết yếu phải làm việc tại nhà; ngành cung cấp dịch vụ ăn uống bị cấm sử dụng tại chỗ và chỉ có thể mở cửa đến 8 giờ tối; các trung tâm mua sắm và siêu thị, chợ búa bị đóng cửa; lái xe vận tải đường dài phải có giấy xác nhận đã tiêm ít nhất một liều vaccine v.v. Chính sách này không hạn chế mọi người ra ngoài, cũng không cấm những người bán hàng rong và hàng vỉa hè khác kinh doanh.

Kể từ ngày 3/7, Indonesia bắt đầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp chống dịch (Ảnh: UDN).

Kể từ ngày 3/7, Indonesia bắt đầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp chống dịch (Ảnh: UDN).

Ông Budiman chỉ ra rằng nếu “lockdown”, người dân chỉ có thể ra ngoài khi có nhu cầu đi khám bệnh, mua thực phẩm hoặc vì lý do an ninh, hoặc để xét nghiệm và tiêm chủng. Theo mô hình nghiên cứu của ông, ước tính trong vòng một tháng sau khi “lockdown”, số ca mắc mới mỗi ngày có thể giảm được 80% và số ca tử vong có thể giảm 60%.

Đối với thế giới bên ngoài nghi ngờ các biện pháp khẩn cấp của chính phủ liệu có đủ để đối phó với dịch bệnh hay không, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin ngày 2/7 đã chỉ ra trong một cuộc thảo luận trực tuyến với Hiệp hội Nhà báo Nước ngoài Jakarta (JFCC) rằng, từ góc độ của y tế công cộng, việc “lockdown” sẽ nhanh chóng có hiệu quả. "Công bằng mà nói, biện pháp khẩn cấp không phải là lý tưởng nhất, nhưng ít nhất chúng tôi đã tiến thêm một bước".

Ông Budi Gunadi Sadikin cho biết, trước khi chính phủ Indonesia quyết định đưa ra biện pháp khẩn cấp, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu ông đến các cộng đồng nghèo để tìm hiểu suy nghĩ của người dân. Sống ở đó có thể có 10 người sống trong một ngôi nhà nhỏ, và hai gia đình sử dụng chung một nhà vệ sinh. Họ nói với ông: “Thưa Bộ trưởng, chúng tôi cần phải kiếm tiền để sống”. Đây là một trong những khía cạnh mà chính phủ phải xem xét.

Các bệnh viện chật kín, người bệnh phải điều trị trong lán tạm ở vỉa hè (Ảnh: CNA).

Các bệnh viện chật kín, người bệnh phải điều trị trong lán tạm ở vỉa hè (Ảnh: CNA).

Ông nói rằng những người thuộc tầng lớp trung, thượng lưu muốn chính phủ “lockdown” càng sớm càng tốt, nhưng đối với những người ở dưới đáy kim tự tháp, việc “lockdown” cũng đáng sợ như “địa ngục”.

Ông cho rằng, còn việc dự báo khi nào dịch sẽ chậm lại, câu trả lời nằm ở việc người dân có tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và đẩy nhanh việc khám sàng lọc, truy vết người tiếp xúc hay không, nếu không sẽ mất thêm nhiều thời gian hơn mới thoát khỏi tình trạng dịch bệnh.