Chứng khoán tuần qua: Khối ngoại mua ròng 1.150 tỉ đồng trên HOSE

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sau 4 tuần bán ròng liên tiếp, khối ngoại đã mua ròng trở lại với giá trị 1.153,6 tỉ đồng trên HOSE. Đáng chú ý, họ quay lại mua ròng cả 3 mã cổ phiếu "họ Vingroup" là VHM, VIC và VRE.

VN-Index có tuần thứ ba liên tiếp duy trì xu hướng tăng với thanh khoản duy trì trên mức trung bình. Kết tuần giao dịch từ 17-21/7, VN-Index tăng 17,5 điểm (+1,5%) lên 1.185,9 điểm.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 17.936 tỉ đồng, giảm 2,1% so với tuần trước, nhưng tăng 6,9% so với trung bình 5 tuần và tăng 43% so với trung bình 20 tuần trước.

Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều tuần bán ròng liên tiếp đã mua ròng trở lại với giá trị 1.153,6 tỉ đồng trên HOSE.

vt-giao-dich-khoi-ngoai-hose-vnindex.PNG

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, khối ngoại mua ròng 893 tỉ đồng, tập trung vào các mã VHM (+249,5 tỉ đồng), VNM (+234 tỉ đồng), HPG (+213 tỉ đồng), SSI (+154,4 tỉ đồng), VIC (+123,4 tỉ đồng), VRE (+99,3 tỉ đồng).

Ở hướng ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh các mã cổ phiếu ngân hàng như MSB (-269,2 tỉ đồng), CTG (-129,4 tỉ đồng), TPB (-97 tỉ đồng), STB (-90,9 tỉ đồng). Trong đó, STB được bán ròng mạnh trong 4 tuần qua và CTG được bán ròng tuần thứ hai liên tiếp.

Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng tổng cộng 1.592 tỉ đồng cổ phiếu STB sau khi mua ròng 8.789 tỉ đồng trong 2 năm trước đó và bán ròng 1.077 tỉ đồng CTG sau khi mua ròng 3.013 tỉ đồng trong năm 2022.

Nhà đầu tư cá nhân trong tuần vừa qua bán ròng 1.743 tỉ đồng trên HOSE, nhiều nhất là VHM (-339,8 tỉ đồng), HPG (-326,9 tỉ đồng), VNM (-292,7 tỉ đồng), SSI (-218,4 tỉ đồng), VPB (-183,9 tỉ đồng).

Trong khi đó, cá nhân mua ròng khớp lệnh mạnh nhất MSB (+252,6 tỉ đồng), BCG (+252,1 tỉ đồng), TCB (+151,6 tỉ đồng), POW (+134,9 tỉ đồng), MWG (+120,9 tỉ đồng).

Cổ phiếu bất động sản dậy sóng

Hôm 19/7, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Việc đưa hệ thống này vào vận hành được kỳ vọng sẽ góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư; góp phần thúc đẩy thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp phát triển bền vững hơn.

Diễn biến này đã tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu bất động sản - vốn là nhóm có tỷ lệ phát hành trái phiếu cao, với nhiều mã tăng giá tốt với thanh khoản gia tăng mạnh như NDN (+21,57%), HDC (+16,49%), CEO (+13,21%), DIG (+10,71%), PDR (+10,05%).

Các cổ phiếu ngân hàng đa số cũng có diễn biến tích cực trong tuần qua, nhiều mã tăng giá khá tốt kèm thanh khoản cải thiện như VBP (+7,54%), SHB (+5,11%), HDB (+4,66%), MSB (+4,33%).

Thị trường đang trong giai đoạn đón nhận các thông tin về kết quả kinh doanh quý 2/2023 nên mức độ phân hóa khá mạnh.

Nhiều mã trong từng nhóm ngành có kết quả kinh doanh tích cực đều có giao dịch đột biến trong tuần qua như nhóm khu công nghiệp SZC (+13,33%), SNZ (+9,60%); chứng khoán với VIX (+12,00%), BSI (+3,55%), BVS (+3,08%); vật liệu xây dựng DHA (+6,86%), BMP (+6,11%), NNC (+4,23%)./.