Chứng khoán 2021: Thành - bại có tại 'F0'?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Dòng tiền F0 giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng, nhưng cần cẩn trọng phản ứng tiêu cực thái quá.

Năm 2020 là thời điểm bùng nổ của dòng tiền nhà đầu tư mới hay còn gọi là nhà đầu tư “F0”. Sau quãng thời gian thị trường chứng khoán lao dốc do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, số lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước mở tài khoản giao dịch chứng khoán mới liên tục đạt kỷ lục. Các chuyên gia đều có chung quan điểm khi cho rằng chính dòng tiền từ các nhà đầu tư “F0” này đã mang lại một làn gió mới, khiến thị trường chứng khoán hồi phục rất nhanh, mạnh và vượt qua mọi dự báo trước đó.

Sự bùng nổ của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước thời gian qua được cho là từ việc lãi suất huy động liên tục giảm khiến kênh đầu tư này trở nên kém hấp dẫn hơn. Đồng thời, nhà đầu tư còn có niềm tin vào nền tảng vĩ mô được duy trì khi Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết dần đi lên sau quá trình lao dốc.

Số tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Số tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect, dòng tiền của nhà đầu tư F0 là một bộ phận của dòng tiền đầu tư thông minh chịu tác động lớn từ những thay đổi của bối cảnh vĩ mô trong nước và quốc tế, đặc biệt là rất nhạy cảm với lãi suất. Xu hướng trên sẽ được duy trì, ít nhất là trong nửa đầu năm 2021.

Ông Hinh kỳ vọng mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ duy trì ở mức thấp trong những quý tới, tiếp tục thúc đẩy một bộ phận dòng vốn nhàn rỗi trong dân cư đổ vào các kênh đầu tư tài sản, đặc biệt kênh đầu tư chứng khoán nhờ khả năng sinh lời hấp dẫn và thanh khoản cao.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận thấy việc tham gia của các nhà đầu tư F0 không những chỉ giải quyết vấn đề về quy mô mà còn muốn gia tăng chất lượng của thị trường, dễ dàng thu hút các doanh nghiệp có động lực đại chúng và niêm yết. Từ đó, khả năng thị trường chứng khoán sẽ dễ dàng trong việc nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi. Vì vậy, sự tham gia của các nhà đầu tư mới sẽ giúp thị trường có dư địa tăng trưởng trong tương lai.

Tuy nhiên, dòng tiền của F0 vẫn có những hạn chế. Với bản chất là vào nhanh những rút ra cũng nhanh nên biên độ dao dộng của thị trường trở nên lớn hơn nhiều và phụ thuộc vào yếu tố cảm xúc của con người nhiều hơn. Minh chứng rõ nhất cho sự biến động lớn này là khoảng thời gian cuối tháng 1/2021, các chỉ số chứng khoán liên tục trải qua những phiên tăng, giảm trên 2% đan xen nhau với thanh khoản rất cao. Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư đã gặp thiệt hại sau một vài đợt rung lắc rất mạnh của thị trường, chuyên gia Yuanta nói.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam nhận xét, dòng vốn F0 đã được thử lửa bởi một đợt sụt giảm đầy bất ngờ cuối tháng 1 /2021 bởi sự lo ngại về làn sóng dịch thứ 3 cũng như đi kèm với hiệu ứng margin tích tụ ở mức cao. Đây có thể coi là một bài học đầu tiên cho nhóm nhà đầu tư mới này. Bên cạnh đó, ở góc độ quan sát toàn cầu thì trường hợp của Gamestop cũng là một câu chuyện thú vị và cho thấy sự “non nớt” cũng như tính bầy đàn của “F0” không phải bao giờ cũng mang lại hiệu quả đầu tư tốt. Từ góc độ này có thể thấy nhà đầu tư “F0” còn cần nhiều thời gian tích lũy kinh nghiệp và hình thành chiến lược đầu tư hợp lý .

“Nhiều F0 chưa có kinh nghiệm nên mức độ biến động của thị trường sẽ rất mạnh và rất dễ gây ra các phản ứng thái quá khi bị tác động bởi một thông tin tiêu cực. Điều này sẽ là rủi ro khi còn tiềm ẩn khó lường về dịch bệnh có thể sẽ xảy ra bất ngờ” - ông Thế Minh phân tích.

Dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mua ròng trên TTCK Việt Nam 2021?

Trái ngược với sự bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân trong nước, năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam với 18.794 tỷ đồng (bán ròng hơn 15.000 tỷ đồng trên HoSE). Tuy nhiên, so với với các nước trong khu vực Việt Nam là thị trường bị rút ròng khiêm tốn nhất, trong khi đó, Đài Loan năm 2020 bị khối ngoại rút ròng hơn 337.000 tỷ đồng (16,8 tỷ USD), thị trường Thái Lan cũng bị rút ròng hơn 186.000 tỷ đồng (8,3 tỷ USD)…

Việc dòng vốn ngoại bán ròng mạnh ở các thị trường trên được cho là mang xu hướng toàn cầu khi dòng vốn chuyển từ thị trường cận biên (Frontier market) và mới nổi (Emerging market) về thị trường phát triển (Developing market). Dòng tiền đầu tư có xu hướng rút khỏi các tài sản có độ rủi ro cao tại các thị trường cận biên và mới nổi để mua vào các tài sản có độ rủi ro thấp hơn tại các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn đưa ra quan điểm khá tích cực khi cho rằng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chuyên gia đến từ VNDirect kỳ vọng xu thế bán ròng của khối ngoại có thể đảo ngược trong năm 2021. Đầu tiên, việc tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 sẽ được triển khai đại trà từ giữa năm 2021 giúp giảm thiểu rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì trong năm, sẽ kích thích dòng tiền đầu tư quay trở lại các tài sản rủi ro cao tại các thị trường cận biên trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, triển vọng vĩ mô của Việt Nam trong năm 2021 cũng được đánh giá là khả quan. Ngoài ra, Việt Nam còn được MSCI nâng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên và có thể được các quỹ đang theo dõi thị trường mới nổi mua ròng 150 triệu USD trong năm 2021.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng việc tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại có thể giúp hoạt động xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn kể từ 2021 và thu hút FDI. Ngoài ra, mức định giá P/E của TTCK Việt Nam vẫn nằm trong top thấp nhất khu vực châu Á và Đông Nam Á.

Ông Huỳnh Minh Tuấn còn lạc quan hơn khi dự báo dự báo 2021 có thể là năm mua ròng kỷ lục của ngoại khối trong 10 năm trở lại đây. Dự báo của ông Tuấn bên cạnh những nền tảng vĩ mô có thể tươi sáng trong thời gian tới còn có việc rổ VN30 cũng đã chất lượng hơn sau khi loại ROS, SAB, giúp thu hút dòng tiền từ các quỹ chỉ số ETF, đây cũng là một kênh hút vốn thịnh hành hiện tại.

“Các thương vụ lớn năm 2020 phải dừng lại như FE Credit hay Agibank, thoái vốn lớn ở các đơn vị như Viglacera hay HUD của bộ Xây dựng sẽ được kích hoạt lại trong nửa đầu 2021. Đây chắc chắn là các món hàng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài”, chuyên gia đến từ Mirae Asset dự báo.

Theo NDH