Tòa án quận Bảo An, thành phố Thâm Quyến đã ra phán quyết: Công ty công nghệ gốm sứ Ngọc Ngõa, Thâm Quyến chưa được phép đã sử dụng tên tuổi, hình ảnh của Mạc Ngôn vào mục đích tuyên truyền thương mại, tạo nên thực tế Mạc Ngôn là hình ảnh đại diện quảng cáo, xâm phạm quyền tên tuổi và hình ảnh của Mạc Ngôn nên phải chịu trách nhiệm pháp luật.
Theo đó, Công ty Ngọc Ngõa phải chấm dứt ngay hành vi xâm phạm tên tuổi và hình ảnh của Mạc Ngôn, xóa bỏ những hành động xâm quyền; đăng lời xin lỗi trên Quang Minh Nhật báo; bồi thường 2 triệu NDT tổn thất tài sản và 100 ngàn tổn hại tinh thần cho Mạc Ngôn.
Nhà văn Mạc Ngôn, người vừa thắng vụ kiện xâm phạm bản quyền tên tuổi và hình ảnh có mức bồi thường cao kỷ lục trong lịch sử Trung Quốc.
|
Vụ kiện tụng bất đắc dĩ
Vừa mới qua Tết Kỷ Hợi ít ngày, nhà văn Mạc Ngôn cực chẳng đã phải đâm đơn kiện Công ty cổ phần công nghệ Ngọc Ngõa (gọi tắt là Ngọc Ngõa) ở Thâm Quyến ra tòa. Luật sư Lưu Nhữ Trung của Văn phòng luật Thái Hòa Thái (Bắc Kinh), người đại diện quyền lợi của nhà văn cho phóng viên tờ “Phương Viên” biết: “Đây là vụ kiện đầu tiên của Mạc Ngôn sau khi đoạt giải Nobel văn học, vì quả thực ông không thể chịu đựng được nữa!”.
Từ tháng 12 năm 2018, trên mạng xuất hiện nhiều quảng cáo với Mạc Ngôn là người đại diện, cùng ảnh chụp và video.
Trong đoạn phim tuyên truyền của công ty gốm sứ Ngọc Ngõa dài 7 phút 20 giây trên trang web của mạng Tencent, tên của nhà văn Mạc Ngôn được nhiều lần nhắc tới cùng với ảnh ông, ảnh tác phẩm thư pháp của ông, kèm lời bình có nội dung: “Nhà văn Mạc Ngôn sau khi sử dụng nồi sứ dưỡng sinh của công ty công nghệ Ngọc Ngõa trong gia đình đã đánh giá rất cao sản phẩm của Ngọc Ngõa và mời Đổng Chấn Lôi, người sáng lập công ty đến thăm nhà, đề từ tặng, xưng hô là Chiến hữu, đàm đạo văn chương, trao đổi về gốm sứ. Cuối cùng, Mạc Ngôn nói: dùng nồi sứ dưỡng sinh Ngọc Ngõa để nấu nướng, hương vị món ăn khác hẳn, dưỡng sinh khỏe mạnh, các loại nồi kim loại gây ung thư giờ ông bỏ hết không dùng nữa, ông mong công ty bán sản phẩm ra khắp thế giới để tạo phúc cho nhân loại mạnh khỏe!”.
Bức ảnh Mạc Ngôn chụp chung với Đổng Chấn Lôi bị Công ty Ngọc Ngõa sử dụng để quảng cáo trục lợi
|
Tìm kiếm trên mạng Baidu có thể thấy ngay videoclip này; Ngọc Ngõa xếp nó ở vị trí trang trọng trong phần quảng cáo với ghi chú “Mạc Ngôn xưng hô chiến hữu với nhà doanh nghiệp, sư phụ Đổng Chấn Lôi” và đăng kèm bức ảnh hai người chụp chung.
Chiều ngày 27/2/2019, vụ án nhà văn Mạc Ngôn kiện công ty Ngọc Ngõa tranh chấp nhân cách đã được tòa án quận Bảo An, Thâm Quyến đưa ra xét xử. Đổng Chấn Lôi, ông chủ Ngọc Ngõa không có mặt. Người này vốn không quen biết Mạc Ngôn, sở dĩ có ảnh chụp chung và chữ của Mạc Ngôn đề từ là một âm mưu có tính toán từ trước...
Làm ơn nên oán, Mạc Ngôn mắc bẫy lừa đảo
Do quan hệ nhiều nên Mạc Ngôn quen biết với một anh chàng nhân viên văn thư của khu phố nơi ông cư trú. Năm ngoái, một hôm anh ta nói có việc muốn nhờ Mạc Ngôn giúp: có ông chủ công ty gốm sứ tên là Đổng Chấn Lôi khảng khái đứng ra chi trả phí bảo hiểm cho vợ anh ta, không biết lấy gì báo đáp, nên khẩn cầu Mạc Ngôn viết cho Đổng Chấn Lôi một bức thư pháp vì Lôi nói rất hâm mộ nhà văn.
Động lòng trắc ẩn, với suy nghĩ lấy giúp người làm vui nên Mạc Ngôn miễn cưỡng đồng ý. Nghe anh ta nói Đổng Chấn Lôi là người kinh doanh đồ sứ nên ông đã chép bài thơ nổi tiếng đời Minh “Vịnh Cảnh Đức Trấn Ngột Nhiên Đình” có liên quan đến đồ gốm sứ rồi đưa cho anh này chuyển đến tặng Đổng Chấn Lôi. Cho đến lúc đó Mạc Ngôn vẫn chưa gặp mặt Đổng Chấn Lôi.
Tác phẩm thư pháp của Mạc Ngôn viết tặng Đổng Chấn Lôi
|
Nào ngờ, mấy ngày sau, anh chàng văn thư này lại vật nài xin Mạc Ngôn cho phép Đổng Chấn Lôi đến nhà bái kiến, xin ông ký tên vào một cuốn sách. Chỉ trong mấy phút, Lôi đã nhiệt tình xin nhà văn cho chụp ảnh chung và đưa ra một cuốn sách đã chuẩn bị sẵn để Mạc Ngôn ký tặng. Do hai người đều từng đã đi lính nên Mạc Ngôn viết “Tặng Đổng Chấn Lôi chiến hữu”. Cuộc gặp mặt giữa họ kết thúc ở đó.
Mạc Ngôn không thể ngờ, hành vi tốt bụng của mình lại bị người khác lợi dụng để kiếm lợi khủng.
Sau khi đoạt giải Nobel văn học, tên tuổi Mạc Ngôn nổi như cồn, các tác phẩm thư pháp của ông cũng được bán rất đắt; rất nhiều sản phẩm quốc tế danh tiếng và công ty, khách sạn nổi tiếng đã mời ông làm đại diện hình ảnh, nhưng ông đều từ chối; thế mà nay tên tuổi ông lại bị gắn với Ngọc Ngõa - một công ty đồ sứ “tép riu” chưa mấy ai biết tới.
Luật sư Lưu Nhữ Trung nói với phóng viên “Phương Nguyên”: “Bản quyền tên tuổi và hình ảnh của Mạc Ngôn tiên sinh có giá trị thương mại rất lớn do mức độ nổi tiếng và uy tín trong xã hội của ông. Mạc Ngôn chưa từng ủy quyền cho Ngọc Ngõa sử dụng tên tuổi và hình ảnh của ông. Công ty này khi chưa được ủy quyền đã tùy tiện sử dụng tên tuổi, hình ảnh và tác phẩm thư pháp của Mạc Ngôn vào việc quảng cáo, tuyên truyền cho công ty và truyền bá rộng rãi trên mạng công cộng, đánh lừa mọi người để mưu cầu lợi ích kinh tế. Hành vi này đã xâm phạm nghiêm trọng bản quyền tên tuổi và hình ảnh của Mạc Ngôn tiên sinh”.
Mạc Ngôn ký tặng sách cho Đổng Chấn Lôi
|
Điều khiến Mạc Ngôn đau khổ nhất là những thông tin về nhiều người do cả tin vào những lời quảng cáo gắn với tên tuổi và hình ảnh của ông mà đầu tư góp vốn vào Ngọc Ngõa, kết quả bị thiệt hại nghiêm trọng. Một người kinh doanh đồ sứ ở Cửu Giang, Giang Tây tìm đến tận nhà Mạc Ngôn phản ánh do tin tưởng lời của Mạc Ngôn nên đã bỏ ra số tiền mấy trăm ngàn tệ mua các sản phẩm sứ dưỡng sinh của Ngọc Ngõa về để bán, sau đó mới biết bị lừa, chả bán được chiếc nào...
Rồi có ông chủ hãng sản xuất nồi kim loại tìm đến trách móc Mạc Ngôn: “Sao ông lại nói sản phẩm nồi kim loại của chúng tôi gây ung thư, thế là giết chúng tôi rồi!”...
Không những thế, Công ty Ngọc Ngõa còn bịa chuyện họ được một tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc tặng Bằng tôn vinh, chỉ định sản phẩm Ngọc Ngõa làm “sản phẩm đặc dụng của các quan chức Liên hợp quốc”, qua điều tra thì đây chỉ là một tổ chức phi pháp ở trong nước. Hành vi xâm quyền của Ngọc Ngõa đã khiến tên tuổi Mạc Ngôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, uy tín của ông trong xã hội bị giảm sút.
Công lý đứng về phía Mạc Ngôn
Luật sư Lưu Nhữ Trung cho biết, các hành vi của Ngọc Ngõa đã cấu thành tội xâm quyền, thân chủ của ông (Mạc Ngôn) yêu cầu phải chấm dứt ngay các hành vi xâm quyền và đòi bồi thường 6 triệu NDT cho việc tổn thất kinh tế và 100 ngàn NDT cho việc tổn hại tinh thần; tổng cộng số tiền ông đòi bồi thường là 6,1 triệu NDT (21,35 tỷ VND).
Chiều 30/5, sau hơn 3 tháng tố tụng, phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Bảo An, thành phố Thâm Quyến đã ra phán quyết buộc Công ty công nghệ gốm sứ Ngọc Ngõa phải lập tức đình chỉ mọi hành vi xâm phạm bản quyền tên tuổi,hình ảnh của Mạc Ngôn, xóa bỏ mọi thông tin xâm phạm bản quyền liên quan đến vụ án, đăng Thư xin lỗi trên Quang Minh Nhật báo, xin lỗi và xóa bỏ mọi ảnh hưởng; bồi thường cho nhà văn Mạc Ngôn 2 triệu NDT thiệt hại tài sản và 100 ngàn NDT tổn thất tinh thần, tổng cộng 2,1 triệu NDT (7 tỷ 350 triệu VND).
Một buổi tuyên truyền quảng cáo sản phẩm của Công ty Ngọc Ngõa có sử dụng hình ảnh, tên tuổi Mạc Ngôn
|
Luật sư Lưu Nhữ Trung cho biết: “Theo tôi được biết, 2 triệu NDT là số tiền bồi thường cao kỷ lục của một vụ án tranh chấp về bản quyền tên tuổi và hình ảnh của một cá nhân (ở Trung Quốc). Điều này cho thấy thái độ nghiêm khắc trừng phạt hành vi xâm quyền của cơ quan pháp luật”.
Sau khi kết quả vụ án được công bố, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ nhà văn Mạc Ngôn.
Nhà văn Mạc Ngôn, tên thật là Quản Mô Nghiệp sinh năm 1955 quê huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, Giáo sư kiêm chức các trường Đại học Sư phạm Sơn Đông, Đại học Sán Đầu và Đại học Sơn Đông, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Công nghệ Thanh Đảo, hiện là Giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Bắt đầu sáng tác từ 1985, năm 2011, tiểu thuyết “Ếch” của ông giành giải thương văn học Mao Thuẫn lần thứ 8 của Trung Quốc; năm 2012 ông được trao giải Nobel văn học, trở thành nhà văn mang quốc tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đầu tiên được nhận giải thưởng Nobel. Mạc Ngôn đã cho in 10 tiểu thuyết dài, 20 tiểu thuyết vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút... tổng cộng trên 200 tác phẩm. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông: “Phong nhũ phì đồn” (Vú to mông nở, xuất bản ở Việt Nam dưới tên Báu vật của đời), “Bức tường biết hát”, “Bò”, “Sống chết mệt mỏi”, “Ma chiến hữu”, “Ếch”, “Gia tộc ăn cỏ”, “Đàn hương hình”, “Tửu quốc”, “Gia tộc Cao lương đỏ” (đã được Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành bộ phim Cao Lương đỏ, đoạt giải Vàng tại Liên hoan phim Cannes, Pháp năm 1994)./. |