Thông tin được nêu ra trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2023, diễn ra trong 2 ngày 14-15/12.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết Thừa Thiên Huế nhiều năm qua luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số Chuyển đổi số (DTI). Thời gian qua, tỉnh đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh và quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn dữ liệu đa lĩnh vực được công bố trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh. Qua đó, hoạt động bộ máy hành chính nhà nước được nâng cao hiệu lực; chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Với việc quản lý, khai thác có hiệu quả từ nguồn tài nguyên dữ liệu số đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chuyển đổi số (DTI) liên tục trong các năm qua đều xếp thứ hạng cao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình kỳ vọng, hoạt động của Tuần lễ sẽ giúp người dân được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; chính quyền địa phương được tiếp thu những ý kiến từ các chuyên gia để điều chỉnh những giải pháp chuyển đổi số trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để tỉnh thu hút thêm các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư dựa trên những kết quả chuyển đổi số đã đạt được.
Dữ liệu và AI giúp giải các bài toán cụ thể
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, lãnh đạo tỉnh lựa chọn chủ đề “Kiến tạo dữ liệu số - thúc đẩy liên kết vùng” - đề xuất Tiên phong. Bước đi tiên phong sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chủ tịch VINASA nhận định, Thừa Thiên Huế đã tham gia chuyển đổi số sớm, sâu và rộng từ 2018 và là tỉnh đi đầu trong cả nước. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Khoa có niềm tin, Huế sẽ vượt qua khó khăn hoàn thành mục tiêu.
Ông Khoa cho rằng, trong xây dựng dữ liệu, Thừa Thiên Huế cần dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống như Đề án 06 yêu cầu. Về liên kết vùng, việc kết nối dữ liệu vô cùng khó. Thời gian tới, Huế có thể kết nối dữ liệu với các tỉnh lân cận ở lĩnh vực giao thông, y tế để thử nghiệm.
Trong kỷ nguyên của dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, định hướng đúng đắn sẽ giúp chính quyền, doanh nghiệp và người dân Huế có những trải nghiệm mới. Hiện, công chức Huế đã có trợ lý ảo để công việc vận hành trơn tru, tiết kiệm thời gian hơn. Dữ liệu và AI sẽ giúp giải các bài toán cụ thể ở Huế.
Thời gian tới, "Thừa Thiên Huế cần tiếp tục hoàn thiện chiến lược dữ liệu, liên kết vùng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác điều hành, quản lý, phục vụ người dân" - Tổng Giám đốc FPT nói.
Xu hướng khai thác dữ liệu số ứng dụng tại Huế
Tại tọa đàm của Tuần lễ chuyển đổi số Huế, ông Phan Thanh Sơn - Phó Chủ tịch điều hành - Giám đốc phát triển kinh doanh của Công ty Hệ thống Thông tin FPT chia sẻ quan điểm rằng, chuyển đổi số đang trong một giai đoạn mới với những xu hướng, thách thức và cơ hội mới mà AI là một công nghệ, xu hướng đóng vai trò quan trọng giúp chuyển hóa từ dữ liệu thành giá trị cho mọi thành phần trong xã hội và nền kinh tế ở tầm mức địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Ông Sơn khẳng định, AI không những phải giải các bài toán trước đây của chuyển đổi số, mà còn phải giải bài toán cho Chuyển đổi xanh trong bức tranh chung Chuyển đổi kép. Cơ hội của AI là có thể giải hai bài toán trong một kiến trúc, hạ tầng, nền tảng dữ liệu và ứng dụng thống nhất thay vì phải giải hai lần. Các xu hướng gần đây như GenAI đang tạo ra niềm tin cũng như các ứng dụng thiết thực AI vào cuộc sống, nền kinh tế và hoạt động xã hội./.