Tương tự nhiều thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới đặc biệt là khu vực châu Á, TTCK Việt Nam phiên 9/3 đã giảm mạnh ngay từ đầu và giảm thêm trong phiên chiều. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/3, chỉ số VN-Index giảm 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm.
Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất của TTCK Việt Nam trong vòng 19 năm qua, lớn hơn cả sự kiện Biển Đông năm 2014 với mức giảm 5,87% của chỉ số VN-Index (ngày 8/5/2014).
Chia sẻ với báo giới về diễn biến phiên ngày 9/3, ông Trần Văn Dũng (Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN) cho biết diễn biến của thị trường Việt Nam là cùng chung với diễn biến của TTCK thế giới.
“Việc thị trường giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch 09/3 là khó tránh khỏi, bởi phiên này trùng với “điểm rơi của nhiều tin xấu hội tụ xuất hiện cùng lúc”. TTCK được ví là hàn thử biểu của nền kinh tế, nên khi có nhiều thông tin bất lợi tới nền kinh tế toàn cầu hay có sự cố bất thường (ở đây là dịch bệnh) thì sẽ phản ứng ngay tức thì” - ông Dũng cho biết.
Theo vị Chủ tịch UBCKNN, dòng thông tin tiêu cực chủ đạo vẫn là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Số ca nhiễm nCoV tại Hà Nội gia tăng rồi nhiều tỉnh thành khác cũng ghi nhận ca nhiễm mới, đã tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư, làm xuất hiện tình trạng bán tháo.
Bên cạnh đó, tin xấu khác là giá dầu thế giới giảm mạnh, có thời điểm giảm đến 30%, chạm mức đáy đầu năm 2016 ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần.
Cùng với đó, sáng 9/3, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu kinh tế năm 2019 xấu hơn dự báo, làm gia tăng lo ngại toàn cầu rơi vào suy thoái.
Trước đó, không đợi đến cuộc họp thường kỳ tháng 3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất khẩn cấp. 65% giới đầu tư cũng nhận định Fed sẽ tiếp tục hạ trong cuộc họp tiếp theo ngày 17/3. Nếu nhận định này đúng, đây sẽ là mức cắt giảm lịch sử trong nhiều năm và điều này dấy lên lo ngại về mức độ suy giảm của kinh tế Mỹ.
Các thông tin nêu trên lập tức tác động mang tính cộng hưởng tới tâm lý giới toàn cầu. Là quốc gia có độ mở kinh tế lớn, tác động từ những thông tin trên với thị trường Việt Nam là khó tránh.
Xét về xu hướng đầu tư, dòng tiền đang có khuynh hướng dịch chuyển sang các loại tài sản an toàn như trái phiếu và vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống mức thấp nhất mọi thời đại, trong khi giá vàng chạm đỉnh mới, cao nhất trong 7 năm.
Điểm đáng quan tâm là thanh khoản của thị trường phiên 9/3 đã tăng khá mạnh, đạt gần 6.500 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, nhưng giá trị bán ròng trong phiên không quá lớn, khoảng 230 tỷ đồng.
“Điều này chứng tỏ vẫn có dòng tiền mua vào bắt đáy các cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt” - ông Dũng nói.
Vững tin vào nội lực của nền kinh tế
Trong thời gian trước mắt, dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường và có tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và TTCK quốc tế nói riêng.
Các nước lớn, nhất là các nước bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách để đối phó với tác động của dịch và kích thích tăng trưởng kinh tế. Liều lượng và tác động của các chính sách đã và sẽ được đưa ra trong thời gian tới ở các nước là khác nhau.
“Việc Việt Nam có thêm các ca nhiễm Covid-19 mới là điều bất lợi cho nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, nhưng với quyết tâm lớn của Chính phủ, người dân, cộng với khả năng, kinh nghiệm của Việt Nam, dịch bệnh này sẽ sớm được kiểm soát” - vị Chủ tịch UBCKNN bày tỏ.
Phân tích trên tương quan toàn cầu, dòng tiền đầu tư khi gặp biến cố có thể tạm thời co cụm, nhưng khi mọi việc đã ổn trở lại, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những nơi an toàn và có khả năng sinh lời cao.
Việt Nam có nền tảng vĩ mô tốt, có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do cũng như xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài,...
Bên cạnh đó, những tổn thương của doanh nghiệp trong đại dịch lần này là khó tránh khỏi, tuy nhiên, trong trung hạn, gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa của Chính phủ chắc chắn sẽ phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp sớm vực lại sức sản xuất kinh doanh.
“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết” - ông Dũng nói.
Về các giải pháp hỗ trợ thị trường, ông Trần Văn Dũng cho biết UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành TTCK theo quan điểm: “Tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”.
Cùng với đó, UBCKNN và các đơn vị sẽ tăng cường theo dõi giám sát các diễn biến của thị trường để kịp thời đưa thông tin chính thống, minh bạch cho thị trường; trấn an tâm lý nhà đầu tư; xử lý nghiêm những hành vi thao túng, trục lợi do dịch bệnh hoặc tung tin đồn thất thiệt để trục lợi.
Trong phạm vi thẩm quyền, UBCKNN sẽ báo cáo Bộ Tài chính một số giải pháp góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành chứng khoán và cho nhà đầu tư, trong đó có giải pháp cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán và nới lỏng một số quy định về giao dịch ký quỹ áp dụng cho giai đoạn trước mắt.
Trong cuộc họp tổ chức ngày 4/3/2020 tại UBCKNN có 1 trường hợp đi trên chuyến bay VN0054 đã đến dự họp về đánh giá tình hình TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, đến trưa ngày 9/3/2020, qua xét nghiệm lần 1, trường hợp này đã cho kết quả âm tính và đã được chuyển sang phòng theo dõi dành cho bện nhân âm tính tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Đối với các cán bộ của UBCKNN tham dự cuộc họp, UBCKNN cũng đã chỉ đạo cho nghỉ làm và cách ly tại nhà. Các thành viên tham dự họp cũng đều được thông báo để chủ động cách ly và theo dõi, nâng cao sức khỏe. |