Chủ tịch HBRE: “Điện gió là một nghề cực kỳ rủi ro. Rủi ro lớn nhất là chính sách”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Không phải thời gian xây dựng, nguồn vốn, thiên tai hay Covid-19, mà chính sách dường như mới là rủi ro khiến ông Hồ Tá Tín – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE – lo lắng nhất khi phát triển điện gió.
Chủ tịch HBRE Hồ Tá Tín tại toạ đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo" hôm 29/10/2020 (Ảnh: P.D)
Chủ tịch HBRE Hồ Tá Tín tại toạ đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo" hôm 29/10/2020 (Ảnh: P.D)

Tham luận tại toạ đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo", ông Hồ Tá Tín (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE) cho biết Việt Nam được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo (NLTT). Tuy nhiên, việc khai thác NLTT ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh mà thiên nhiên ưu đãi.

Chủ tịch Tập đoàn HBRE cho hay, nguồn “nguyên liệu” cho điện gió tại Việt Nam là khá lớn, nhưng đi kèm với rủi ro là thiên tai. Tiếp đến, nhà máy điện gió cần nhu cầu vốn lớn nhưng nguồn vốn trong nước vẫn hạn chế. Bên cạnh đó, lãi suất trong nước rất cao, trung bình khoảng 10%/năm, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chịu lãi suất 4-6%/năm.

“Tôi đã từng “gõ cửa” các ngân hàng nhưng phần lớn là khó khả thi. Các ngân hàng muốn cho vay thường phải liên kết với nhau, quá trình này mất nhiều thời gian, trong khi thời gian thi công đóng điện có giới hạn” – ông Tín chia sẻ.

Sau nguồn vốn, các nhà đầu tư cũng phải có năng lực về chuyên môn. Riêng ngành điện gió có kỹ thuật khá phức, nếu không nắm kỹ thì đầu tư rất rủi ro.

Ông Tín cho biết đại dịch Covid-19 ảnh hưởng khá nặng nề tới lĩnh vực điện gió, thậm chí có thể kéo dài tới hết năm sau. Bởi lẽ, nhiều nhà máy sản xuất thiết bị điện gió tại Trung Quốc buộc phải giảm 70-80% công suất vì Covid-19.

“Chúng ta có thế mạnh về năng lượng nhưng chưa có thế mạnh về vốn, tài chính, khoa học – kỹ thuật. Đó là lý do tại sao chúng ta phải mời các chuyên gia nước ngoài để bảo dưỡng, vận hành. Hầu như thiết bị phải nhập 100% từ nước ngoài” – ông Tín đánh giá.

Theo ông Hồ Tá Tín, làm điện gió có rất nhiều rủi ro, mà rủi ro lớn nhất là về chính sách khi “sản phẩm làm ra không được tiêu thụ, hoặc được tiêu thụ ở mức giá không hợp lý”.

Cũng theo ông Tín, muốn làm dự án điện gió buộc phải đo gió tối thiểu là 12 tháng liên tục tại khu vực dự án trước khi lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong khi làm điện mặt trời không bắt buộc phải có số liệu đo bức xạ. Do đó, thời gian xây dựng dự án điện gió cũng kéo dài hơn.

Ngoài ra, ông Tín cũng đề nghị Chính phủ cần cân nhắc sớm quyết định cho phép kéo dài cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đến hết năm 2023 đối với điện gió trên bờ và hết 2025 đối với điện gió ngoài khơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai đầu tư đưa các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch vào vận hành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng./.