Theo đó, ngày 19/01/2018, ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Sacombank đã có văn bản gửi UBCKNN và HoSE báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu STB.
Ý định giao dịch này trước đó đã được ông Minh thông báo vào ngày 11/12/2017. Khi đó, Chủ tịch Sacombank thông báo rằng, với mục đích đầu tư cá nhân, ông sẽ thực hiện mua vào 1 triệu cổ phiếu STB trong giai đoạn từ 21/12/2017 đến 19/01/2018, thông qua phương thức giao dịch và/hoặc khớp lệnh trên sàn.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất, ông Minh đã không mua bất kỳ một cổ phiếu STB nào theo kế hoạch và trong thời gian đăng ký. Lý do được Chủ tịch Sacombank đưa ra là “điều kiện thị trường không phù hợp”.
Xét trên diễn biến của cổ phiếu STB thời gian qua, nhiều khả năng “điều kiện thị trường không phù hợp” mà ông Minh nói ở đây là thị giá cổ phiếu STB đang cao hơn mức giá mà ông kỳ vọng. Hay nói cách khác, Chủ tịch Sacombank có thể đang đánh giá rằng cổ phiếu của ngân hàng đang khá “đắt” (?), và vì thế mà ông đành tạm dừng kế hoạch mua vào.
Thực tế, STB đã tăng mạnh từ mức 12.600 đồng/cổ phiếu (mở cửa phiên 21/12/2017) lên 15.450 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 19/01/2018) trong khoảng thời gian ông Minh đăng ký mua vào.
Với 1 triệu cổ phiếu đã đăng ký, thì so với mức giá hình dung ban đầu, có thể ông Minh sẽ chịu đắt vài tỷ đồng, nếu giao dịch.
Động lực của ông Minh trong việc gom cổ phiếu STB
Về mặt lý thuyết, ông Dương Công Minh có nhiều động lực để gom thêm cổ phiếu STB. Ông Minh bắt đầu trở thành Chủ tịch STB tại Đại hội đồng cổ đông “hai năm gộp một” của ngân hàng này vào tháng 6/2017.
Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Sacombank, ông Minh đã đưa ra nhiều quyết sách quyết đoán giúp ngân hàng tìm lại hào quang xưa.
Thậm chí, trong một động thái ít người ngờ tới, ông Minh và các cộng sự còn muốn đổi mã chứng khoán từ STB thành SCM và chuyển niêm yết từ HoSE ra HNX. Song ý định này đã bị đại hội đồng cổ đông Sacombank phủ quyết. Tất nhiên, nếu ông Minh và nhóm của ông có đủ số cổ phần chi phối, kết quả đã khác.
Cần thiết phải nói rằng ông Minh đã hy sinh nhiều điều để đến với Sacombank và để có vị trí Chủ tịch HĐQT!
Vị doanh nhân gốc Bắc Ninh đã chấp nhận từ bỏ chức vị tương đương tại LienVietPostBank – một ngân hàng được cho là đang lên. Không những thế, cá nhân ông, những người có liên quan và Tập đoàn Him Lam đã phải thoái toàn bộ vốn, từ bỏ quyền sở hữu với ngân hàng mà họ đã dày công gây dựng, gắn bó sâu sắc và giữ chi phối lớn – chỉ để đáp ứng điều kiện ứng cử tại Sacombank. Dù cho Him Lam từng có quan hệ tín dụng, hợp tác nhiều năm với Sacombank thì ở cương vị quản trị, Sacombank vẫn là một nhà băng gần mới với ông Minh, ông sẽ mất rất nhiều thời gian công sức để tạo dựng ảnh hưởng.
Mới đây nhất, cũng để đáp ứng Luật các TCTD sửa đổi, ông Minh còn từ nhiệm mọi chức vụ tại Him Lam và các công ty thành viên để giữ lại chức vụ Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Chủ tịch Dương Công Minh không chỉ một lần khẳng định sự toàn tâm toàn ý với Sacombank, thậm chí là sẵn sàng đặt cược sự nghiệp vào nhà băng này.
“Tôi sẽ mua thêm cổ phiếu Sacombank theo quy định cho phép. Thật lòng tôi đặt niềm tin ở Sacombank. Tham dự và phát biểu trong lễ kỷ niệm 26 năm thành lập Sacombank mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ: “Chúng ta không thay đổi được quá khứ, nhưng hiện tại và tương lai chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn cho bản thân từng ngân hàng, trong đó có Sacombank”. Thống đốc tin ở chúng tôi và chúng tôi phải cố gắng, phải tin ở mình”, ông nói trong cuộc trò chuyện mới đây với một nhà báo kỳ cựu trong giới báo chí ngân hàng.
Nhất tâm, khát khao và đánh cược vào Sacombank như vậy. Nhưng trên thực tế, quy mô sở hữu của ông Minh và nhóm những người có liên quan tới ông tại Sacombank vẫn còn khá hạn chế. Không thể gom thêm 1 triệu cổ phiếu STB, quy mô sở hữu của cá nhân ông Minh tại ngân hàng vẫn chỉ dừng lại ở con số 62,6 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu 3,47%. Tính thêm cả phần của những người có liên quan (gồm cả tổ chức và cá nhân) – thì như chính lời bộc bạch của ông Dương Công Minh – tổng quy mô sở hữu mới chỉ vào khoảng 7,5% cổ phần Sacombank.
Khách quan mà nói, nếu mức độ chi phối của nhóm ông Minh tại STB thực sự chỉ dừng lại ở tỷ lệ đó, tiếng nói và những quyết sách của ông Chủ tịch Sacombank sẽ phải chờ đợi nhiều vào ý chí của những nhóm cổ đông khác. Điều này phần nào được thể hiện qua việc đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM, kết quả biểu quyết sau này cho thấy, đề xuất của ông Minh chỉ nhận được 16,2% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông gửi trả lời bỏ phiếu “Tán thành”, trong khi có đến 83,4% bỏ phiếu “Không tán thành”.
Nên biết rằng, quy mô sở hữu thực sự của nhóm nắm quyền tại các ngân hàng TMCP Việt Nam bấy lâu nay nhiều khi còn vượt rất xa giới hạn 20% quy định tại Luật các TCTD. Câu chuyện về nhóm Trầm Bê tại Sacombank, hay Hà Văn Thắm tại OceanBank là những ví dụ.
Rõ ràng là nhóm ông Dương Công Minh có nhiều lý do để gom thêm cổ phiếu STB. Tất nhiên, mức độ sở hữu phải đảm bảo các giới hạn về tỷ lệ sở hữu mà pháp luật quy định.
Trái ngược với động thái mua gom của ông Dương Công Minh thì Eximbank - một trong các cổ đông lớn nhất của STB – lại liên tiếp thực hiện thoái vốn. Eximbank phải thoái bớt vốn tại Sacombank để đáp ứng quy định về sở hữu chéo tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Theo báo cáo, kể từ ngày 05/01/2018, Eximbank đã chính thức không còn là cổ đông lớn của Sacombank. Bởi sau khi bán hơn 9 triệu cổ phiếu STB trong phiên đó, nhà băng này chỉ còn sở hữu chưa đến 88,5 triệu cổ phần STB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 4,91%.
Lưu ý rằng, chỉ cách đó ít tuần, cụ thể là cập nhật tại ngày 28/11/2017, Eximbank vẫn còn sở hữu hơn 165,2 triệu cổ phiếu STB, tương ứng tỷ lệ 9,16%.
Eximbank bắt đầu tham gia sở hữu Sacombank từ đầu năm 2012, khi nhận chuyển nhượng toàn bộ 9,73% cổ phần STB từ Ngân hàng ANZ – cổ đông chiến lược của Sacombank. Theo chia sẻ của Chủ tịch Eximbank Lê Hùng Dũng, ANZ đã chủ động liên hệ với Eximbank từ giữa năm 2011 để chào bán 9,73% cổ phần Sacombank với giá 1.6 (16.000 đồng/cổ phiếu), cao hơn thị giá cổ phiếu STB khi đó trên thị trường là khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu. Song HĐQT Eximbank phân tích rằng, Sacombank là ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu; nếu mua, tại thời điểm đó giá cao hơn giá thị trường, nhưng 1-2 năm sau, khi thị trường chứng khoán phục hồi, chắc chắn Eximbank sẽ có lãi, thậm chí lãi lớn sau khi trừ các chi phí. Chưa kể đến việc trở thành cổ đông lớn của một ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu như Sacombank, vị thế của Eximbank trên thị trường tài chính Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể.
Đến đầu năm 2012, thương vụ chính thức nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Eximbank thay thể ANZ trở thành cổ đông lớn của Sacombank. Cũng trong năm này, Sacombank chứng kiến cuộc “đổi ngôi” lịch sử giữa nhóm ông Đặng Văn Thành và nhóm ông Trầm Bê, mà trong đó lá phiếu của cổ đông lớn Eximbank có vai trò quyết định.
Khi ấy, bên cạnh lượng lớn cổ phần STB mà Eximbank trực tiếp sở hữu thì một pháp nhân khác do Eximbank tham gia thành lập (cùng CTCP bất động sản Exim, CTCP đầu tư và phát triển Sài Gòn (SDI)), là CTCP Đầu tư Sài Gòn E Xim cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng, khi bất ngờ xuất hiện trong tư cách cổ đông lớn của Sacombank, với quy mô sở hữu hơn 50 triệu cổ phiếu STB. Pháp nhân này sau đổi tên thành CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ phố Nam Sài Gòn do ông Dương Minh Khá – Tổng Giám đốc – làm đại diện./.