“Nếu chúng ta không kiểm soát được con số thực thì thất thoát từ thị trường này là rất lớn. Doanh thu từ các doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động kinh doanh trên thị trường khách Trung Quốc là hàng nghìn tỷ đồng, chứ không phải là con số nhỏ. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ thì số doanh thu đó sẽ như "voi chui lọt lỗ kim” để chạy về Trung Quốc” - ông Nguyễn Văn Hùng cảnh báo.
Đây là một phần cuộc phỏng vấn riêng của VietTimes với ông Nguyễn Văn Hùng về vấn đề này.
- Theo ông, với những gì đang diễn ra, đã đến lúc cần phải cảnh báo đối với tour giá rẻ, tour 0 đồng tại Đà Nẵng hay chưa?
Với tình trạng kinh doanh của thị trường khách Trung Quốc như hiện nay tại Đà Nẵng, theo quan điểm cá nhân tôi là rất nguy hiểm.
Bởi các ông chủ người Trung Quốc luôn luôn đứng sau, dựng các doanh nghiệp Việt Nam làm lá chắn để hoạt động. Phía sau đó là những hoạt động như thành lập hệ thống cửa hàng bán hàng khép kín, điều hành tour,… Và nhất là đưa lực lượng lao động trái phép vào hoạt động hướng dẫn viên tại địa phương.
Các ông chủ Trung Quốc đang đứng sau các công ty bình phong Việt Nam, và nếu tình trạng này không kiểm soát tốt thì một số chủ người Trung Quốc sẽ tập hợp thành lập một liên minh hoặc đế chế ngầm, thâu tóm thị trường khách du lịch ngay tại TP chúng ta.
- Tại gặp mặt các doanh nghiệp du lịch hôm 11/8, ông có đặt vấn đề người Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp Việt Nam để thâu tóm và lũng đoạn thị trường khách Trung Quốc tại Đà Nẵng. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này!
Không chỉ trong buổi gặp mặt của các doanh nghiệp ngày 11/8 vừa qua với Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chúng tôi mới nói, mà trong tất cả các cuộc họp với lãnh đạo TP, với lãnh đạo Sở Du lịch và lãnh đạo các Hiệp hội tôi đều đưa ra những vấn đề nổi cộm của thị trường khách Trung Quốc.
Nhưng do tình hình phức tạp và nhạy cảm của thị trường, chúng ta vẫn chưa có một chế tài để quản lý thị trường cho hợp lý.
Hiện tại thị trường khách Trung Quốc tại Đà Nẵng vẫn còn tồn tại các vấn đề như sau. Thứ nhất, các chủ tour người Trung Quốc vào Việt Nam dưới vỏ bọc đầu tư và đưa khách đến Đà Nẵng, nhưng thực chất là núp bóng các doanh nghiệp của Việt Nam, hoặc mượn pháp nhân để hoạt động chui, đưa lao động chui của họ vào hoạt động trái mục đích như: bán hàng tại các cửa hàng mà họ lập ra, làm hướng dẫn viên chui, điều hành tour chui...
Thứ hai, tất cả các chủ Trung Quốc khi vào Việt Nam, núp bóng sau các doanh nghiệp Việt Nam họ luôn luôn tự đàm phán mọi dịch vụ khách sạn, nhà hàng, cảnh điểm... với hình thức hợp tác không thuế giá trị gia tăng để tăng cạnh tranh cho chính họ.
Thứ nữa, họ luôn luôn thay đổi các doanh nghiệp bình phong, có thể một lúc lập ra nhiều doanh nghiệp, để đối phó với pháp luật Việt Nam, cũng như sự quản lý giám sát của các cơ quan chức năng.
Họ vào Đà Nẵng với hình thức thuê nhà của người dân, thuê khách sạn tư nhân hoặc chung cư để hợp thức hóa vấn đề lưu trú, và cũng đồng thời cũng là nơi làm việc điều hành tour chui của họ, nên không bị phát hiện.
- Ông cũng đã nêu vấn đề là khách Trung Quốc đến đông nhưng địa phương thu không được nhiều và đã có tình trạng trốn thuế! Cụ thể về vấn đề này là sao, thưa ông?
Như tôi nói ở trên, hợp tác như vậy với các chủ tour Trung Quốc, thì các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết không có doanh thu đầu vào, đầu ra. Nếu có con số cũng rất nhỏ so với thực tế số lượng khách quốc tế nhập cảnh vào Đà Nẵng.
Trong quan hệ này, các chủ doanh nghiệp Việt Nam chỉ đứng ra xử lý vấn đề pháp nhân, nhận lương hoặc nhận hoa hồng của chủ tour Trung Quốc. Ngoài ra còn có rất nhiều doanh nghiệp chỉ đóng dấu chương trình tour cho phía Trung Quốc để thu về 1-2 USD hoặc 10-20 nhân dân tệ/khách.
Ở đây không chỉ các doanh nghiệp nhỏ, chủ doanh nghiệp còn non trẻ, mà có cả những doanh nghiệp lớn, có uy tín hoạt động lâu năm trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng làm như vậy.
Và cứ như vậy thì số liệu doanh thu, lợi nhuận ở đâu ra mà thu thuế ?.
Khách Trung Quốc mua hàng trong cửa hàng khép kín tại Đà Nẵng
|
- Là người có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, nhất là lữ hành Trung Quốc tại Đà Nẵng. Theo ông, các doanh nghiệp khai thác tour 0 đồng lách thuế bằng cách nào? Số tiền ấy đã đi đâu và hệ lụy sẽ ra sao?
Ngoài việc núp bóng doanh nghiệp Việt Nam, các chủ đầu tư cửa hàng khép kín, các chủ tour người Trung Quốc sử dụng hình thức thanh khoản bằng các dịch vụ thanh toán của họ như: ZHIFUBAO, ALI Pay, WECHAT Pay,... và toàn bộ các hình thức thanh toán này chưa được đăng ký qua hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Vì lẽ đó mà tất cả các khoản đó sẽ chuyển trực tiếp về Trung Quốc, trong khi địa phương chúng ta không thể kiểm soát được, chứ chưa nói đến được.
Bên cạnh đó, các dịch vụ nhà hàng khách sạn và các dịch vụ hầu như họ hầu như thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt chứ không thông qua tài khoản của doanh nghiệp, nên các cơ quan chức năng như cơ quan Thuế cũng sẽ không nắm được doanh thu của họ.
Hiện tại trên địa bàn TP Đà Nẵng có khoảng 40 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên thị trường khách du lịch Trung Quốc. Báo cáo thống kê năm 2017 có khoảng 600.000 khách nhập cảnh vào Đà Nẵng du lịch, số liệu nửa đầu năm 2018 là gần 400.000 lượt khách, trong đó có cả đường hàng không và đường tàu biển.
Vậy thì doanh thu từ lữ hành của Đà Nẵng là bao nhiêu? Con số này hiện tại chỉ có cơ quan thuế mới có thể nắm được. Theo tôi được biết, đa phần các khách từ Trung Quốc vào Đà Nẵng du lịch dưới hình thức tour giá rẻ, tour 0 đồng và âm đồng.
Vì vậy các chủ tour người Trung Quốc sẽ lấy chi phí bù lỗ từ hướng dẫn viên người Trung Quốc, các cửa hàng khép kín, trốn thuế... Đồng thời, các mặt hàng của cửa hàng khép kín đều nhập từ Trung Quốc theo nhiều đường. Khách mua hàng tại đây sẽ nhận hàng trực tiếp tại Trung Quốc thông qua các đơn mua hàng.
Như vậy không khác gì họ mượn danh Việt Nam để kinh doanh, còn lại từ hàng hóa, nguồn thu từ tay này họ chuyển qua tay kia, điểm đến không thể kiểm soát để thu thuế.
Việc sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến không thông qua hệ thống Ngân hàng Việt Nam đang gây thất thu thuế cho nhà nước
|
- Để ngăn chặn tình trạng này, và trả lại môi trường du lịch lành mạnh cho Đà Nẵng, theo ông cơ quan chức năng cần làm gì?
Để chấn chỉnh lại vấn đề này của tour giá rẻ, tour 0 đồng và âm đồng, chúng ta cần có sự phối hợp của các cơ quan hữu quan để kiểm tra toàn diện về lữ hành, hướng dẫn viên, thuế...
Ví dụ: năm 2017 chúng ta đón được bao nhiêu khách nhập cảnh vào Đà Nẵng du lịch bằng đường hàng không, đường biển, tất cả các doanh nghiệp báo cáo doanh thu được bao nhiêu cho cơ quan thuế Đà Nẵng.... ?
Nếu như con số chưa tương đương với báo cáo với số liệu thì rà soát toàn bộ các doanh nghiệp đã đón và tổng hợp doanh thu công khai xem đã đúng chưa? Từ đó chúng ta sẽ thấy được TP có thất thu từ thị trường này không?
Nếu chúng ta không kiểm soát được con số thực thì thất thoát từ thị trường này là rất lớn, doanh thu từ các doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động kinh doanh trong thị trường Trung Quốc là hàng nghìn tỷ đồng chứ không phải là con số nhỏ.
Khi chúng ta không kiểm soát chặt chẽ thì những "con voi" doanh thu đó sẽ “chui lọt lỗ kim” để chạy về Trung Quốc.
- Liệu đó có là giải pháp giải quyết được những vấn đề đó hay không?
Theo tôi, giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn để hạn chế giảm bớt hệ lụy của tour 0 đồng hay âm đồng đang hoành hành trên địa bàn TP hiện nay, là việc các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ để kiểm soát thanh tra kiểm tra hạn chế các doanh nghiệp làm bình phong, bán pháp nhân cho nước ngoài hoạt động chui bằng nhiều cách.
Cụ thể như Công an Xuất nhập cảnh và Sở Du lịch cung cấp số liệu nhập cảnh cho cơ quan thuế, ngân hàng cung cấp doanh thu của doanh nghiệp cho cơ quan thuế…
Từ đó, cơ quan thuế sẽ trích xuất, kiểm soát doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên số lượng khách nhập cảnh vào Đà Nẵng có khớp không?. Nếu các doanh nghiệp không khai báo doanh thu, hay gian dối thì xử lý nghiêm khắc để truy thu chống thất thu cho TP.
Cũng chính từ đó, chúng ta sẽ kiểm soát được tình hình của các doanh nghiệp. Với cách này, chúng ta hạn chế được các ông chủ doanh nghiệp nước ngoài núp bóng. Nếu loại trừ được tình trạng núp bóng, thì cũng sẽ kiểm soát được số lượng hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động chui.
Hiện nay thì chỉ có cách duy nhất là kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp đang kinh doanh trên thị trường khách Trung Quốc, thì mới có thể cải thiện được tình hình, để tiến tới việc trong sạch hóa vấn đề kinh doanh du lịch của TP.
- Với những gì mà Giám đốc Sở Du lịch trả lời báo giới và trả lời các vấn đề tại buổi gặp mặt hôm 11/8, theo ông đã thỏa đáng hay chưa, có thể hiện vai trò trách nhiệm của một ‘tư lệnh ngành’ được xem là mũi nhọn của Đà Nẵng hay chưa?
Vấn đề này tôi xin phép không có nhận xét. Để nhận xét cho dư luận và cộng đồng doanh nghiệp du lịch.
- Trân trọng cảm ơn ông!