Đã hơn 4 năm kể từ khi dự án xuất hiện, những gì có thể thấy ở dự án “khủng” cả về quy mô cùng số tiền đầu tư này đến nay vẫn chỉ là một bãi đất trống. Nhưng dự án có vẻ bắt đầu được nhen nhóm trở lại khi thông tin về Tổ hợp dự án Tháp Dầu khí Việt Nam tại phường Mễ Trì do Petro Vietnam rồi đến Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX ) làm chủ đầu tư trước đây đã có nhà đầu tư mới thay thế.
Trong tháng 07/2015 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Tp Hà Nội được giao đất không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức chỉ định để triển khai dự án "Công viên giải trí, trường học và Tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A" tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Đồng thời xem xét đề xuất của CTCP Đầu tư Mai Linh, quyết định việc chuyển đổi chủ đầu tư đảm bảo hiệu quả quỹ đất.
Dự án tỷ đô ra đời như thế nào?
Quay trở lại câu chuyện về sự ra đời của dự án hoành tráng tỷ đô, vào năm 2010, khi thị trường bất động sản đang bắt đầu nổi sóng, giới đầu tư liên tiếp đón nhận thông tin về những dự án chọc trời với sự tranh đua về kỷ lục chiều cao. Nổi bật nhất trong số đó là Tổ hợp dự án Tháp Dầu khí Việt Nam - PVN Tower do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam - PVN) làm chủ đầu tư. Cùng với đó là sự xuất hiện của Tập đoàn Đại Dương – OeanGroup ( OGC ) trong vai trò góp vốn xây dựng dự án.
Ngày 07/05/2010, OGC và PVX đã tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác đầu tư xây dựng dự án Tòa nhà PVN Tower 102 tầng – hạng mục quan trọng nhất trong khuôn khổ dự án Tổ hợp, với trị giá hơn 1 tỷ USD, mục tiêu cùng nhau hợp tác đầu tư xây dựng tòa nhà PVN Tower.
Chỉ sau đó hơn 3 tháng, đến ngày 30/08, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và UBND Huyện Từ Liêm đã phối hợp tổ chức công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 của khu tổ hợp dự án Tháp Dầu khí Việt Nam.
Theo quy hoạch này, PVN Tower sẽ có quy mô 102 tầng, chiều cao dự kiến là 528m, dự kiến xây dựng trên khu đất có quy mô 6.5 ha, mang tầm vóc trở thành dự án Tòa tháp cao nhất Việt Nam và thuộc hàng nhất nhì Châu Á tại thời điểm bấy giờ.
Tuy nhiên, giấc mộng về dự án tỷ đô đã không được triển khai như kỳ vọng.
Chỉ chưa đầy 1 năm kể từ khi dự án ra đời, vào tháng 03/2011, PVX đã công bố kế hoạch điều chỉnh dự án PVN Tower, với quy mô được điều chỉnh từ 102 tầng xuống còn 79 tầng, vốn đầu tư theo đó cũng giảm từ hơn 1 tỷ USD xuống còn 600 triệu USD. Việc điều chỉnh này với lý do là đảm bảo hiệu quả đầu tư và giảm bớt chi phí của dự án.
Gần 1 năm sau, ngay trước thời điểm dự án dự kiến được khởi công thì Petro Vietnam bất ngờ tuyên bố rút khỏi dự án PVN Tower theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm từng bước đưa tập đoàn ra khỏi lĩnh vực đầu tư bất động sản. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án sẽ được chuyển giao cho PVX tiếp tục hoàn thiện. Đồng thời Petro Vietnam cũng quyết định không lấy tên của tập đoàn trong dự án này và yêu cầu đổi Tháp Dầu khí (PVN Tower) sang tên khác.
Thực tế, việc chuyển giao này chỉ mang bản chất “mẹ-con” khi PVN nắm cổ phần chi phối tại PVX. Tuy nhiên, tình cảnh của PVX cũng không “khấm khá” hơn. Lỗ sau thuế năm 2012 sau kiểm toán của PVX ghi nhận lên tới 1,368 tỷ đồng, cao hơn so với con số trước kiểm toán là 1,221 tỷ đồng. Thậm chí, PVN phải bơm vốn liên tục cho PVX, nâng tỷ lệ sở hữu lên 54.55% với tổng số vốn 2,181 tỷ đồng vào cuối 2012.
Sau sự kiện này, thông tin về dự án từng được coi là hoành tráng nhất Việt Nam cũng dần mất hút, tại địa điểm này vẫn là bãi đất trống đến nay.
Thông tin về dự án từng được coi là hoành tráng nhất Việt Nam cũng dần mất hút, tại địa điểm này vẫn là bãi đất trống đến nay.
Đầu tư Mai Linh là ai?
Được thành lập ngày 25/09/2006 bởi một số người Việt từ châu Âu trở về với những hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đến nay CTCP Đầu tư Mai Linh đã trở thành công ty bất động sản được biết đến chính tại thị trường Hà Nội với quy mô vốn điều lệ đạt 600 tỷ đồng.
Dự án ghi dấu ấn của Đầu tư Mai Linh là Golden Palace Mễ Trì tại Hà Nội với 3 tòa tháp cao 30 tầng và 4 tầng hầm, với tổng số trên 1,000 căn hộ cao cấp. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành và đi vào bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, xoay quanh dự án này là những “lùm xùm” giữa chủ đầu tư và người mua nhà đến nay vẫn chưa có hồi kết. Đáng chú ý là những bức xúc của người mua nhà cho rằng Đầu tư Mai Linh - Chủ đầu tư Dự án Golden Palace xử ép gây thua thiệt lớn và những vấn đề liên quan đến điều chỉnh tiền đặt cọc từ 25 triệu đồng lên 200 triệu đồng, đưa thêm nhiều quy định bắt buộc khách hàng mua nhà xây thô phải thực hiện khi hoàn thiện nội thất của căn hộ.
Bên cạnh đó, Đầu tư Mai Linh cũng được biết tới với hàng loạt dự án đình đám khác như: Khu nhà ở cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công An tại lô đất 1.1 ha tại khu đô thị Bắc Cổ Nhuế-Chèm, Từ Liêm, Hà Nội, quy mô gần 600 căn hộ chung cư với tổng vốn đầu tư 1,000 tỷ đồng; tham gia đầu tư Khu dân cư phía Nam tại lô đất 37 ha thuộc Khu đa chức năng dọc Đại lộ Đông Tây, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 13,000 tỷ đồng.
Hình ảnh bà Nguyễn Thị Minh Hồng trong buổi ra mắt dự án Golden Palace và ông Trần Đăng Khoa.
Theo những thông tin ít ỏi có thể tìm thấy được, ông chủ của công ty này là ông Trần Đăng Khoa và 2 cổ đông cá nhân khác trở về từ Cộng hòa Séc. Điều hành Đầu tư Mai Linh là vợ ông Khoa – bà Nguyễn Thị Minh Hồng. Được biết, ông Khoa còn là Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh – một trong những “thế lực mới” trên thị trường BĐS với hàng loạt dự án đình đám tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Hầu hết các dự án được Đại Quang Minh triển khai là theo hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng), công ty bỏ vốn ra đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông, các công trình tiện ích của KĐT mới Thủ Thiêm đổi lấy quyền khai thác nhiều dự án khu đô thị, nhà ở, thương mại trong Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, Đầu tư Mai Linh chỉ là một trong số chuỗi những công ty mà ông Trần Đăng Khoa và vợ ông là bà Nguyễn Thị Minh Hồng sở hữu, ngoài ra, còn có CTCP BĐS Hồng Ngân với vốn điều lệ gần 1,300 tỷ đồng, CTCP Thương mại Quốc tế và Tư vấn Đầu tư INVECON vốn điều lệ 300 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Thương mại Hà Nội Xanh (sàn BĐS Hà Nội Xanh) với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, CTCP Kiến trúc Kitaka với vốn điều lệ 8 tỷ đồng…
Trong đó, BĐS Hồng Ngân đã được chuyển nhượng lại cho CTCP Đầu tư và phát triển Đô thị Sài Đồng ( SDI ) thuộc Vingroup với giá gần 1,300 tỷ đồng, đi cùng với đó là quyền thực hiện các dự án Khu Công viên-Hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam Nghĩa trang Mai Dịch, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Huyện Từ Liêm với diện tích 17.7ha với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng; Khu chức năng đô thị Thành phố Xanh, Thị trấn Cầu Diễn, Huyện Từ Liêm, Hà Nội nằm trên diện tích 17.6ha với tổng vốn đầu tư 7,900 tỷ đồng.
Theo Vietstock