BOT Cai Lậy (tên đầy đủ: Dự án đầu tư Xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987 + 560 đến Km 2014 + 000 Tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT) chỉ là một trong ít nhất ba dự án PPP mà Bắc Ái đã tham gia, với tư cách chủ đầu tư. Và thực ra theo phân loại, với tổng mức đầu tư chưa đến 1.398,18 tỷ đồng, BOT Cai Lậy chỉ là dự án PPP nhóm B.
Bắc Ái thành lập ngày 25/11/2004, có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động thiết kế chuyên dụng, đăng ký trụ sở tại số 215, đường Mê Linh, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc – đây cũng là địa chỉ mà cổ đông lớn nhất của Bắc Ái, ông Lê Tiến Thắng đăng ký hộ khẩu thường trú.
Theo Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 10/07/2017, vốn điều lệ của Bắc Ái là 900 tỷ đồng, được chi phối chủ yếu (82%) bởi ông Lê Tiến Thắng (SN 1977), bên cạnh các cổ đông sáng lập khác: Lê Văn Duẩn (5%); Lê Thanh Bình (10%); Nguyễn Phú Hiệp (3%).
Đại cổ đông Lê Tiến Thắng từng có thời gian đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Bắc Ái. Tuy nhiên, gần đây, trọng trách này đã được chuyển sang cho ông Nguyễn Tiến An (SN 1992). Ông An có hộ khẩu thường trú tại xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc – đồng hương của cổ đông Lê Văn Duẩn.Ít người biết rằng, ngoài dự án BOT Cai Lậy, Bắc Ái còn tham gia đầu tư một dự án BOT khác, cũng nằm trên tuyến quốc lộ 1 huyết mạch. Cụ thể là dự án “Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km 1125 - Km 1153, tỉnh Bình Định” (dự án BOT Hoài Nhơn), một dự án BOT nhóm A.
Dự án này có tổng mức đầu tư lên là 1.785,25 tỷ đồng (chưa quyết toán), trong đó, vốn tư nhân là 1.644,50 tỷ đồng, vốn đầu tư nhà nước là 140,75 tỷ đồng; Khởi công ngày 31/10/2013; Thời gian vận hành, khai thác là 22 năm 2 tháng. Chủ đầu tư của dự án là liên danh 4 nhà đầu tư. Trong đó Bắc Ái góp 69 tỷ đồng (29%); Tổng công ty Thành An - Công ty TNHH MTV góp 74 tỷ đồng (31%); Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Long Trung Sơn góp 48 tỷ đồng (20%); Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex – PVC (PVV) góp 48 tỷ đồng (20%).
Bên cạnh hai dự án BOT, Bắc Ái còn tham gia liên danh chủ đầu tư của một dự án BT “khủng”, cũng tại Quốc lộ 1. Đó là dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Quốc lộ 1).
Dự án được Ủy ban nhân dân Tp. HCM phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng BT vào cuối tháng 11/2015, theo Quyết định số 6318/QĐ-UBND.
Theo quyết định này, nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Nhà đầu tư Công ty cổ phần tư vấn đầu tư HNS Việt Nam (HNS) – Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú – Invest (HNX: VPI) – Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Xây dựng Bắc Ái (Bắc Ái). Tổng mức đầu tư của dự án là 1.134.687 triệu đồng; Giá trúng thầu là 1.176.206 triệu đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Địa điểm xây dựng tại quận Thủ Đức, với diện tích sử dụng đất khoảng 280.664m2. Thời gian xây dựng là từ năm 2015 đến năm 2017.
Tất nhiên, với mô típ quen thuộc là “đổi đất lấy hạ tầng”, Bắc Ái và liên danh nhà đầu tư của mình cũng sẽ nhận được sự trả công xứng đáng cho cho việc đầu tư dự án Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa theo hình thức BT. Thanh toán bằng quỹ đất là một giải pháp hợp lý.
Nhận đối ứng hàng loạt dự án BĐS từ 2,7 km đường BT?
Theo tìm hiểu của VietTimes, tròn một năm sau ngày được phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư, ngày 25/11/2016, UBND Tp. HCM và Liên danh Nhà đầu tư HNS – VPI – Bắc Ái đã chính thức ký kết hợp đồng BT về việc đầu tư xây dựng Dự án đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh).
Trước đó hai ngày, ngày 23/11/2016, pháp nhân dự án chính thức được thành lập. Đó là CTCP Văn Phú Bắc Ái (VPBA). VPBA đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 129, phường 3, Q. Bình Thạnh, Tp. HCM; Vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó vốn góp của VPI là 90 tỷ đồng (chiếm 60%), Bắc Ái là 52,5 tỷ đồng (chiếm 35%), HNS là 7,5 tỷ đồng (chiếm 5%). Cơ cấu sở hữu tại VPBA sẽ phản ánh phần nào vai trò, nghĩa vụ và quyền lợi của Bắc Ái, VPI và HNS trong liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Song được biết, VPBA đang đóng vai trò là chủ đầu tư/doanh nghiệp dự án của tất cả các dự án bất động sản mà CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (HNX: VPI) tham gia đầu tư trên địa bàn Tp. HCM.
Đó là 6 dự án: Dự án số 129 Đinh Tiên Hoàng; Dự án số 132 Đào Duy Từ; Dự án số 582 Kinh Dương Vương; Dự án số 234 Lý Tự Trọng; Dự án số 12 Kỳ Đồng; Dự án số 42 Trương Định.
Theo giới thiệu của VPI, dự án số 129 Đinh Tiên Hoàng có diện tích đất 7.200 m2, tọa lạc mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng, giữa hai ngã ba Vũ Tùng - Đinh Tiên Hoàng và ngã ba Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu, trên trục đường kết nối với trung tâm Quận 1, có lợi thế về giao thông và thương mại. Với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.089 tỷ đồng, dự án gồm 20 tầng cao và 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn là 84.325 m2, với 473 căn hộ.
Dự án số 132 Đào Duy Từ có diện tích đất 10.618 m2, tọa lạc tại góc ngã ba, tiếp giáp 2 mặt tiền đường Đào Duy Từ và Ngô Quyền, cạnh sân vận động Thống Nhất. Với tổng mức đầu tư dự kiến là 362 tỷ đồng, dự án gồm 25 tầng cao và 2 tầng hầm, tổng diện tích sàn 98.747 m2, với 647 căn hộ.
Dự án số 582 Kinh Dương Vương có diện tích đất 11.463 m2, nằm trên trục đường Kinh Dương Vương, là trục đường 2 chiều với lưu lượng giao thông lớn, gần Bến xe Miền Tây rất thuận lợi để kết nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Với tổng mức đầu tư dự kiến 161 tỷ đồng, dự án gồm 25 tầng cao và 2 tầng hầm, tổng diện tích sàn 106.606 m2, với 699 căn hộ.
Dự án số 234 Lý Tự Trọng có diện tích đất 642 m2, nằm trên vị trí đắc địa tại trung tâm Quận 1, tiếp giáp mặt đường Lý Tự Trọng, gần ngã ba Lê Anh Xuân và chỉ cách chợ Bến Thành 1 km. Với tổng mức đầu tư dự kiến 98 tỷ đồng, dự án gồm 10 tầng cao và 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn là 4.187 m2, tổng số căn hộ là 30 căn.
Dự án số 12 Kỳ Đồng có diện tích đất 940 m2, có vị trí đắc địa tại trung tâm Quận 3. Với tổng mức đầu tư dự kiến 122,472 tỷ đồng, dự án cao 12 tầng.
Dự án số 42 Trương Định có diện tích đất 807 m2, có vị trí mặt tiền đường Trương Định nằm trên đoạn đường giao thông 1 chiều. Nằm tại tuyến đường có nhiều cơ quan hành chính, văn phòng, trường học, biệt thự cũ, thích hợp xây dựng văn phòng làm việc. Với tổng mức đầu tư dự kiến 42,58 tỷ đồng, dự án cao tối đa 20m (6 – 8 tầng).
Lưu ý rằng, dù hầu hết các dự án đều được miêu tả là “dự kiến hoàn thành vào năm 2019” (duy nhất dự án 129 Đinh Tiên Hoàng dự kiến hoàn thành vào năm 2020) nhưng hiện trạng thực hiện của cả 6 dự án của VPBA đều là “đang chờ thực hiện thủ tục lập quy hoạch 1/500”.
Nhà đầu tư của cả 6 dự án, theo như thuyết minh của VPI, đều là “Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest và các nhà đầu tư khác trong liên danh”.
Vậy “liên danh” trên là liên danh nào? Có phải là là liên danh đã tham gia đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa? Và trong 6 dự án bất động sản nêu trên, đâu dự án đối ứng mà UBND Tp. HCM đã “thanh toán bằng quỹ đất” cho liên danh VPI – Bắc Ái – HNS, để đổi lại 2,7 km đường?...
Nên nhớ rằng HNS, VPI, Bắc Ái đều là các doanh nghiệp đất Bắc./.
Như một biện pháp bảo đảm, CTCP Văn Phú Bắc Ái đã thế chấp quyền tài sản, quyền đòi nợ từ Hợp đồng BT ký với UBND Tp. HCM, theo Hợp đồng thế chấp quyền tài sản số 280/HĐTCQTS/VCB-IVB-VPBA/17 ngày 18/05/2017.