Văn Công Hùng
Văn Công Hùng

Nhà thơ

Chữ danh kia cũng có ba bảy đường...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bây giờ, nếu có chạy theo danh thì cũng... không đáng ngạc nhiên lắm. Ngạc nhiên chăng, là đó đây có người chạy bằng mọi cách, chạy tới mức siêu chạy, bất chấp nhân phẩm, danh dự, lòng tự trọng...

Đã mang tiếng ở trong trời đất

phải có danh gì với núi sông"...

Cách đây mấy trăm năm cụ Nguyễn Công Trứ đã tuyên ngôn thế.

Và con cháu ông, bây giờ, nếu có chạy theo danh thì cũng... không đáng ngạc nhiên lắm. Ngạc nhiên chăng, là đó đây có người chạy bằng mọi cách, chạy tới mức siêu chạy, bất chấp nhân phẩm, danh dự, lòng tự trọng...

Về quê họp họ mới thấy, hơn nhau tí danh nó quan trọng thế nào? Họ kia đã có tiến sĩ, họ ta mới thạc sĩ, dẫu tới 3 thạc sĩ, nhưng vẫn thua một tiến sĩ. Phải có tiến sĩ. Họ kia 2 tướng rồi, họ ta mới tá, trong 5 năm tới phải có tướng.

Bạn tôi về quê, một tỉnh phía Bắc, kể với tôi sau khi được dự một cuộc họp họ rồi trở lại Sài Gòn làm việc. Anh là một trong những "dự kiến nhân sự" cho cái học vị tiến sĩ kia. Thở dài, anh bảo, thì anh cũng đang làm tiến sĩ, nó là nhu cầu của anh, một cán bộ giảng dạy đại học, nhưng khi bị "trao trách nhiệm" với dòng họ như thế, thấy nó cứ sao sao.

Thế nên nó mới có cái nơi lừng danh và chết danh với cái tên "lò ấp tiến sĩ", và mới đây nhất, lòi ra vụ đại học Đông Đô, với ít nhất hơn năm chục vị đã dùng bằng ngoại ngữ giả ở đây để làm tiến sĩ, và có tiết lộ thêm rằng đây là những người... có uy tín!

Danh thường đi kèm lợi. Danh tiến sĩ sẽ đi kèm với những chỗ làm việc "phù hợp" với học vị, rồi có những việc chỉ tiến sĩ mới được làm, như hướng dẫn luận văn, ngồi hội đồng... thu nhập từ đấy so với lương thì cũng... rất ra gì. Chưa kể, ở ta, người ta cứ hay đề bạt người có bằng cấp, nên có tí tiến sĩ rất dễ được đề bạt, trong khi chính ra, tiến sĩ là phải nghiên cứu khoa học. Cũng ở ta, khi giới thiệu các chức danh lãnh đạo rất hay phải kèm học hàm học vị. Lỡ quên là... ngay ngáy lo.

Thế nên cũng ở ta, người ta mới chạy bằng cấp, chứng chỉ kinh hoàng đến thế. Hay nói cách khác, bằng cấp, chứng chỉ nó hành con người đến nhễu nhão ra.

Nhưng lại có loại chỉ có danh mà chả có lợi, hay là lợi rất ít, như trong giới Văn học Nghệ thuật.

Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025) bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 11 thành viên. Ảnh: Kỳ Sơn
Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025) bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 11 thành viên. Ảnh: Kỳ Sơn

Hàng năm trung bình hội nhà văn kết nạp chừng 25 tới 30 hội viên mới trong khoảng từ 500 tới 700 hồ sơ xin vào hội. Nhưng 2 năm vừa qua, con số được kết nạp là trên năm chục, dẫn đến có dư luận cho rằng... tháo khoán cuối mùa.

Thực ra, con số năm bảy chục người được kết nạp với gần ngàn đơn như thế cũng chả thấm tháp gì. Nhưng bản thân người viết thì thấy ngạc nhiên, là có những cái tên xứng đáng thì lại ở ngoài, có những người được xướng tên nhưng tìm đỏ mắt cũng chả thấy tác phẩm đâu?

Chuyện không chỉ ở giới nhà văn, nhưng có vẻ như giới này hay có những "so sánh ngoài luồng" như thế. Đến mức có người ví, Hà Nội giờ có... 5 mùa. 4 mùa Xuân hạ thu đông thì ai cũng biết rồi, đương nhiên rồi, nhưng giờ có thêm mùa thứ 5, mùa... kết nạp hội viên. Mùa này, nghe đồn có những cuộc chạy buồn cười lắm, phi thường lắm và cũng khác thường lắm.

Để thấy, cái danh nhà văn nó kinh khủng, nó long lanh hấp dẫn đến như thế nào.

Người ta kể, tức là giai thoại thôi, chứ chắc chả đúng đâu, rằng có nhà văn kia được kết nạp bèn phóng cái thẻ hội viên to như... cái chiếu, rồi đề nghị cả làng đi rước. Lý lẽ rất đơn giản: Ngày xưa làng rước ông nghè ông cống được, thì giờ phải rước nhà văn. Nhà văn lại chả hơn ông nghè ông cống ngày xưa ư? Nhưng vì là... đời sống mới, nên khỏi võng lọng rước ông nhà văn, mà chỉ rước cái thẻ thôi. Rước về đình làng, rồi sau đấy về nhà thờ họ làm lễ.

Rồi lại cũng kể, rằng nhà văn nọ thì làm lễ... hôn thẻ. Cái hôm thẻ được gửi về, anh làm mấy mâm cỗ "bá cáo" ông bà tổ tiên, trịnh trọng bày thẻ lên bàn thờ thắp hương, rồi sau đó, bạn bè văn chương, bà con trong nhà, lần lượt hôn thẻ. Nghe nói nước mắt nước mũi rồi rượu, rồi thức ăn... nó dính vào thẻ ướt nhèm nên hôm sau ông nhà văn lại tức tốc ra Hà Nội xin... cấp thẻ mới.

Giới biểu diễn thì có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân nghệ sĩ ưu tú. Mỗi năm xét cũng đủ chuyện ì xèo. Rồi khi giới thiệu cũng thế, lỡ mà MC quên cái danh hiệu ấy thì chết, cứ là xin lỗi mỏi miệng.

Tôi nhận ra, chỉ có nghệ nhân dân gian là ít ì xèo. Bản thân các nghệ nhân họ lầm lũi làm việc của mình, đến khi người có trách nhiệm thấy họ xứng đáng thì bèn làm hồ sơ cho họ, rồi mọi thủ tục phải làm cho họ. Rồi mang danh hiệu về trao. Họ ngơ ngác nhận chả hiểu cái danh hiệu ấy có làm họ... no thêm không?

Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố đối với các bị can tại Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: S.T
Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố đối với các bị can tại Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: S.T

Tôi quen nhiều nghệ nhân Tây Nguyên như thế. Họ còn không biết họ là... nghệ nhân được phong danh hiệu, bởi cũng chả có gì khác hơn. À có khác, là đa phần khi họ được công nhận, được trao danh hiệu thì đa phần là họ... đã già lắm rồi.

Ngay việc thi học sinh giỏi, rồi trường chuyên lớp chọn, bên cạnh mặt được (vì được nên nó tồn tại tới ngày nay) thì cũng có nhiều chuyện bên lề khó nói. Sự cạnh tranh giữa lành mạnh và phi lành mạnh khiến nhiều khi như nuôi gà nòi, như nhồi nhét kiến thức. Nó còn là cuộc đua... giàu nghèo. Bởi phải giàu mới có thể mời các thầy cô giỏi ở Hà Nội và các trung tâm lớn về dạy, mới có đưa cả đoàn học sinh đi... tầm sư học đạo ở những nơi ngoài địa phương mình. Rồi còn nhiều chuyện nữa mà... chỉ người trong nhà mới hiểu.

Anh bạn quê một tỉnh miền Trung lại kể, thành phố tỉnh lỵ bé tí nhưng thứ 7 chủ nhật các quán ăn sáng, cà phê chật ô tô. Thì ra, hơn nhau cái... ô tô chứ chả phải tấm áo manh quần như ngày xưa nữa. Dấn lên mua, vay cả tiền ngân hàng mua. Cả tuần chả đi đâu, đợi thứ 7 chủ nhật thì... đánh xe đi uống cà phê. Tất nhiên chuyện này là tiện thể kể thêm chứ cái chuyện mua xe cá nhân nó là quyền của mỗi người, nó là phạm trù cá nhân, tùy thuộc năng lực... ví. Nhưng nó cũng là bộ mặt. Nên các bác sĩ giỏi có phòng mạch riêng, làm ở các bệnh viện lớn, các thầy cô giáo dạy kèm nhiều học sinh, dạy các trường xịn, như trường chuyên chẳng hạn, là phải có ô tô. Và người mua sau dứt khoát là giá tiền phải hơn người mua trước, vài chục triệu cũng được, nhưng phải hơn...

Người Huế bảo, có chi mô nơ. Vâng, có chi mô nơ. Nhưng ngẫm ra, chữ danh kia cũng có ba bảy đường danh... Cụ Nguyễn Công Trứ, mấy trăm năm vẫn lừng lững uy danh...