Cụ thể, người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, hay xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà theo Nghị định 100 về phát triển nhà ở xã hội... sẽ được hưởng mức lãi suất là 5% một năm. Mức lãi cho vay này tăng 0,2% một năm so với năm ngoái.
Theo Nghị định 100, người mua, thuê nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên; trường hợp khách hàng vay muốn vay với thời hạn ngắn hơn có thể thỏa thuận với ngân hàng.
Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm và chỉ được bán lại, cho thuê sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trước đó, nhiều người lo ngại gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất vay 5%/năm kết thúc, người thu nhập thấp sẽ không còn cơ hội mua nhà bởi lãi suất vay ở các ngân hàng thương mại được xác định là ngoài tầm với.
Vào tháng 6 năm ngoái, Chính phủ quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng quyết định này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016