Choáng vì máy bay Nga ở Syria, Indonesia, UAE quyết mua bằng được Su-35?

Tại triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Dubai Airshow 2015, Indonesia đã quyết định chọn mua chiến đấu cơ tiên tiến Su-35 của Nga.
Indonesia quyết định mua chiến đấu cơ tiên tiến nhất Su-35 của Nga.
Indonesia quyết định mua chiến đấu cơ tiên tiến nhất Su-35 của Nga.

Indonesia quyết định mua chiến đấu cơ tiên tiến nhất Su-35 của Nga. Theo trang Lenta (Nga), thông tin trên được đưa ra tại triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Dubai Airshow bởi Viktor Kladov - trưởng phòng hợp tác quốc tế của Tập đoàn quốc gia Rostekh (Nga).

Theo lời ông Kladov, Jakarta không chỉ có ý muốn mua máy bay mà còn thành lập trên lãnh thổ Indonesia những trung tâm dịch vụ giúp chuyển giao công nghệ lắp ráp máy bay sau đó. Ông Kladov cho biết vấn đề này đang được cả hai bên thảo luận.

Vào ngày 8-11 người đứng đầu Rostekh - ông Sergei Chemezov tuyên bố tại diễn đàn Dubai Airshow rằng Moscow cũng đang tiến hành đàm phán với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về việc cung cấp các chiến đấu cơ Su-35. 

Các cuộc đối thoại giữa Indonesia và Nga về việc cung cấp các chiến đấu cơ Su tiên tiến nhất đã kéo dài 15 năm. Những người đại diện Jakarta cân nhắc lựa chọn giữa hai loại chiến đấu cơ Su-35 và Su-30MKI. 

Lựa chọn cuối cùng được đưa ra là Su-35 bởi vì những máy bay này sở hữu trang thiết bị được chế tạo cho các chiến đấu cơ thế hệ thứ năm.

Triển lãm Dubai Airshow 2015 (diễn đàn về hàng không vũ trụ lớn nhất Trung Đông, châu Á và châu Phi) diễn ra từ ngày 8 đến 12-11. Được trưng bày tại sự kiện này là các sản phẩm trong lĩnh vực quân sự và thương mại, hàng không dân dụng, công nghệ vũ trụ và sản xuất máy bay không người lái.

 Tham gia vào sự kiện này có đại diện các quốc gia Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Su-35 là chiến đấu cơ đa dụng thế hệ 4++. Đây là loại máy bay cuối cùng được chế tạo dựa trên nền tảng hệ thống bay T-10S. Đây là nền tảng của các chiến đấu cơ nhóm Su-27/Su-30 và các biến thể của chúng. 

Đây được coi là loại chiến đấu cơ mới với tính chất khí động học của Su-27 và hệ thống trang thiết bị điện tử của chiến đấu cơ thế hệ thứ năm. Theo kế hoạch hiện hành của chương trình quốc gia, đến năm 2020 lực lượng hàng không - vũ trụ Nga sẽ nhận được 96 máy bay Su-35S.

Cùng lúc, Nga và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán về việc Nga sẽ cung cấp cho UAE hàng chục tiêm kích hiện đại Su-35 để giúp Không quân UAE trở thành “bá chủ” trong khu vực.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ Nga “Rostex” Sergey Chermezov, trong khuôn khổ triển lãm hàng không quốc tế Dubai Airshow-2015, Nga và UAE đã tiến hành các cuộc đàm phán về việc Nga sẽ cung cấp các máy bay tiêm kích mới nhất Su-35 cho Không quân UAE.

Theo đó, nếu như  hợp đồng này được thực hiện thì Nga sẽ cung cấp cho UAE hàng chục tiêm kích Su-35. Đây sẽ trở thành sự  kiện có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước.

“Đối với UAE, trong bối cảnh tình hình khu vực Trung Đông luôn phức tạp và cần phải bảo vệ lãnh hải, Su-35 sẽ là phương án tối ưu để có thể giành ưu thế trước những máy bay tương tự của phương Tây ở khu vực này.

Điều này sẽ cho phép Không quân UAE giành vị trí thống trị so với không quân các nước trong vùng Vịnh Persic”- ông Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm phân tích thương mại vũ khí quốc tế (TSAMTO) nhận định.

Theo Igor Korotchenko, hợp đồng mua bán tiêm kích Su-35 sẽ cho phép UAE “đạt được cấp độ không thể với tới” so với không quân các nước khác trong khu vực vì Su-35 được trang bị hàng loạt vũ khí có điều khiển, có khả năng giải quyết bất cứ nhiệm vụ nào, cả về tác chiến trên không cũng như tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên mặt đất.

“UAE là nước giàu có và điều này cho phép UAE có thể mua sắm bất cứ loại vũ khí nào. Vấn đề ở đây phụ thuộc vào quyết định của giới lãnh đạo UAE. Theo hợp đồng này, Nga có thể sẽ cung cấp cho Không quân UAE ít nhất là hàng chục Su-35”- Igor Korotchenko cho biết.

Igor Korotchenko cho rằng việc UAE quan tâm đến việc mua các máy bay tiêm kích của Nga cho thấy sự chủ động, độc lập của nước này. Theo Igor Korotchenko, “Đây là quyết định độc lập của một quốc gia có chủ quyền và thực sự quan tâm đến việc củng cố khả năng phòng thủ quốc gia của mình”. 

Theo PLTP, Infonet