“Chớ vội cười! Chân lý vẫn xanh tươi …”

VietTimes -- Những cuộc hội thảo rầm rộ nhằm xem xét lại vai trò của V.I.Lênin và Hồng quân trong chiến tranh vệ quốc, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, bôi nhọ các gương anh hùng cách mạng. Khi mà hình tượng V.I.Lênin bị đánh sụp thì Đảng CS Liên Xô cũng tự đào hố chôn mình và đó cũng là lúc Gorbachev tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn đến sự tan rã của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết.
Tổng thống Liên bang Nga Boris Yeltsin (phải) và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov (Ảnh AFPGetty Images)
Tổng thống Liên bang Nga Boris Yeltsin (phải) và Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov (Ảnh AFPGetty Images)

Thảm họa địa chính trị lớn nhất Thế kỷ

Năm 1987, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên xô thời bấy giờ là ông M. Gorbachov đã khởi xướng một trào lưu tư tưởng mang tên “Suy ngẫm lại lịch sử” với tinh thần công kích Stalin, phủ nhận thắng lợi của Chiến tranh vệ quốc... Tháng 3-1988, báo Nước Nga Xô-viết đăng bức thư của Nina Andreyeva, nữ giảng viên ở Học viện Khoa học kỹ thuật Leningrad lên án trào lưu suy ngẫm lại lịch sử, chỉ rõ nó thực chất là dòng nước ngược, bôi đen Liên Xô xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô triệu tập hội nghị khẩn cấp để đánh trả cac “Thế lực chống đối cải tổ”. Ngày 5-4-1988, báo Sự Thật đăng bài phản kích Nina Andreyeva. Sau đó, các cơ quan báo chí đồng loạt phản kích. Toàn bộ lịch sử Liên Xô bị miêu tả như một mớ đen ngòm.

Nước mắt của một cựu chiến binh
Nước mắt của một cựu chiến binh

Sang năm 1989, trào lưu chuyển sang phê phán, phủ định Cách mạng Tháng Mười, Chủ nghĩa Lênin và chính Lênin, bãi bỏ môn học Chủ nghĩa Mác-Lênin trong trường học.

Những cuộc hội thảo rầm rộ nhằm xem xét lại vai trò của V.I.Lênin và Hồng quân trong chiến tranh vệ quốc, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, bôi nhọ các gương anh hùng cách mạng. Khi mà hình tượng V.I.Lênin bị đánh sụp thì Đảng cũng tự đào hố chôn mình và đó cũng là lúc Gorbachev tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn đến sự tan rã của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết.

Cựu Tổng thống Liên Xô M. Gorbachov
Cựu Tổng thống Liên Xô M. Gorbachov

“Cơn lốc” xét lại lịch sử ngày càng mạnh mẽ, lôi cuốn toàn bộ xã hội. Một số tờ báo và tạp chí “cấp tiến”, như: Họa báo, Tia lửa và Tin tức Matxcơva công khai phủ định quá khứ, phủ định lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, phủ định CNXH.

Năm 1994, nhà văn Boldarev đã nhìn lại: “Trong 6 năm, báo chí đã thực hiện được mục tiêu mà quân đội châu Âu có trang bị tinh nhuệ nhất cũng không thể thực hiện được khi xâm lược nước ta bằng lửa và kiếm vào những năm 40. Quân đội đó có thiết bị kỹ thuật hàng đầu nhưng thiếu một thứ. Đó là hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng”.

Năm 2005, trong Thông điệp liên bang hàng năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá Liên Xô tan rã là “cơn địa chấn khủng khiếp, thảm họa địa chính trị lớn nhất Thế kỷ 20".

L
Tổng thống V. Putin: “Tôi tiếp tục khẳng định sự kiện Liên Xô tan rã là thảm kịch, trước hết đối với 25 triệu người Nga bỗng chốc bị kẹt lại ở nước ngoài trái với ý nguyện của mình”.

Tổng thống Putin nhiều lần đề cập chủ đề Liên Xô tan rã, coi đó là một “thảm kịch” đối với nhân dân Nga. Tháng 10/2015, tại cuộc họp Câu lạc bộ Valdai, ông Putin một lần nữa nhấn mạnh: “Tôi tiếp tục khẳng định sự kiện Liên Xô tan rã là thảm kịch, trước hết đối với 25 triệu người Nga bỗng chốc bị kẹt lại ở nước ngoài trái với ý nguyện của mình”.

Putin nhận xét “dân tộc Nga là dân tộc phải sống phân tán ở ngoài Tổ quốc mình đông nhất trên thế giới và rõ ràng đó là một thảm kịch”.

Tháng 9/2016, trong cuộc gặp đại diện các chính đảng được bầu vào Duma quốc gia Nga khóa 7, Tổng thống Putin chia sẻ: “Nói đến sự sụp đổ Liên Xô, tôi nghĩ lẽ ra không nhất thiết phải để xảy ra điều đó; lẽ ra đã có thể tiến hành những cuộc cải cách sâu sắc, dân chủ…”

Đau xót trước sự công phá khủng khiếp của trào lưu xét lại lịch sử, năm 1991 nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ có đoạn: “… Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử/ Cào chiến công, xé cả xác anh hùng/ Ôi! Nỗi đau này là nỗi đau chung/ Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát? Lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát/ Và cả bay quân cướp nước, giết người/ Chớ vội cười! Chân lý vẫn xanh tươi …”.

Hàng trăm ngàn người biểu tình ở Quảng trường Manezh ở Moscow, gần Điện Kremlin, ngày 19/3/1991, yêu cầu Tổng thống Gorbachov từ bỏ quyền lực. (Ảnh Dominique Mollard - AP)
Hàng trăm ngàn người biểu tình ở Quảng trường Manezh ở Moscow, gần Điện Kremlin, ngày 19/3/1991, yêu cầu Tổng thống Gorbachov từ bỏ quyền lực. (Ảnh Dominique Mollard - AP)

Liệu ai còn đứng ra bảo vệ lịch sử?

Ngẫm lại trào lưu xét lại lịch sử ở Liên Xô trước đây để thấy, ở Việt Nam chúng ta đang manh nha xuất hiện trào lưu này. Nhiều kẻ mang danh là nhà khoa học, người có uy tín lên mạng công khai phủ nhận thành quả của cuộc Cách mạng tháng 8, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Càng đau xót hơn, nhiều bạn trẻ hiện nay nhìn nhận lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta là cuộc chiến “nồi da nấu thịt”, gọi chiến thắng 30/4 là “tháng tư đen”; phủ nhận sự hi sinh của hàng triệu anh hùng liệt sỹ và đồng bào cả nước nhằm giành quyền tự do cho dân tộc. Thế mới thấy hậu quả tai hại của một thế hệ trẻ ghét lịch sử, yêu văn hóa lai căng lớn như thế nào!

Buồn ở chỗ, cuộc chiến đó mới chỉ kết thúc có hơn 40 năm, vết tích của cuộc chiến vẫn còn đọng lại trên đôi mắt, cánh tay của hàng vạn thương binh trên khắp mọi miền tổ quốc này. Thử hỏi vài năm nữa đây, khi những cựu chiến binh này ra đi, liệu còn ai đứng ra bảo vệ lịch sử, chống lại đám xét lại đang hoành hành ngày càng lớn trên báo chí hiện nay!

Ngày khai tử một cường quốc

Chính thức thì 25/12/1991 là ngày Liên bang Xô-viết tan rã vì tối hôm đó Mikhail Gorbachov, trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp gây chấn động toàn thế giới, đã trút bỏ trọng trách Tổng thống, đồng thời ký Sắc lệnh chuyển giao quyền hạn Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin.

Đêm lịch sử đó, quốc kỳ Liên Xô trên nóc tòa nhà chính Điện Kremlin được hạ xuống. Và ngày hôm sau, 26/12/1991, Xô-viết Liên bang (tương đương Thượng nghị viện) của Xô-viết Tối cao Liên Xô thông qua Tuyên bố 142-H khẳng định Liên Xô chấm dứt sự tồn tại.

Nhưng lịch sử ghi nhận ngày "khai tử" Liên bang Xô-viết là ngày 8/12/1991 khi lãnh đạo ba nước cộng hòa Xô-viết là Nga, Ukraine và Belarus bí mật họp tại khu rừng Belovezh thuộc Belarus và ký Hiệp ước chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô, thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (viết tắt theo tiếng Nga là SNG).

Nga, Ukraine và Belarus là các trụ cột của Liên Xô, là nền móng của Nhà nước liên bang được thành lập từ năm 1922 theo bản Hiệp ước liên bang đầu tiên thống nhất Nga, Ukraine và vùng Ngoại Kavkaz.

Trước đó, Liên Xô đã chìm sâu trong cuộc khủng hoảng toàn diện, thể chế nhà nước liên bang chao đảo sau hơn 5 năm cải tổ (1985-1991) dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov.

Để tiếp tục duy trì một Liên bang Xô-viết đã rệu rão, M. Gorbachov chỉ đạo xây dựng một số dự thảo Hiệp ước liên bang "cải biến" và đã ấn định lễ ký kết Hiệp ước mới vào ngày 20/8/1991.

Theo bản dự thảo "cuối cùng" này, Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết sẽ chuyển hóa thành "Liên bang Cộng hòa Xô-viết có chủ quyền". Trong tiếng Nga, hai tên gọi này đều viết tắt là "CCCP" – đây cũng là cách mà M. Gorbachov muốn đánh lừa dư luận.

Thực chất, đó sẽ là một Nhà nước liên bang rất lỏng lẻo, không còn bóng dáng của Nhà nước Liên bang Xô-viết như trong Hiến pháp Liên Xô lúc đó.

Trước tình hình này, một số nhà lãnh đạo Liên Xô do Phó Tổng thống Gennady Yanaev đứng đầu đã quyết định hành động "để bảo vệ Liên bang Xô-viết".

Ngày 19/8/1991, họ lập ra Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, cô lập Gorbachov - khi đó đang nghỉ mát ở Biển Đen - nhằm chặn đứng khả năng ký kết bản Hiệp ước khai tử Liên Xô. Nhưng họ không ngờ kế hoạch của họ vấp phải sự chống trả quyết liệt của các nhà lãnh đạo nước Nga do Tổng thống Boris Yeltsin đứng đầu.

Cuộc chính biến nhanh chóng thất bại.

Ngày 22/8/1991, Gorbachov từ khu nghỉ mát trở về thủ đô nhưng từ đó vị Tổng thống này nhanh chóng mất hết quyền lực, các đòn bẩy điều hành Nhà nước liên bang Xô-viết chuyển từ Điện Kremlin sang Nhà Trắng – trung tâm quyền lực của nước Nga, mà cụ thể là vào tay Boris Yeltsin.

Một phần tư Thế kỷ trôi qua, Gorbachov kể lại: "Lúc đó đã bốc mùi nội chiến. Cực kỳ nguy hiểm. Tôi đã có một quyết định khác – tôi từ bỏ quyền lực, tôi tự nguyện ra đi để tránh đổ máu".

Một mặt thừa nhận mình "có phần trách nhiệm" về sự tan rã Nhà nước liên bang Xô-viết, cựu Tổng thống Liên Xô cũng ám chỉ Yeltsin và lực lượng của ông này khi nói rằng "có những người ở Nga chỉ đơn giản trù tính lập ra SNG để có thể duy trì Liên Xô không có M. Gorbachov; họ đã không hình dung được những hệ lụy do hành động của mình".

                                                                                              Nguyễn Đăng Phát