Chip của 9 công ty phương Tây được tìm thấy trong tên lửa do Nga phóng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Mặc dù Mỹ và các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt và phong tỏa nghiêm ngặt việc xuất khẩu công nghệ cao đối với Nga và Triều Tiên, nhưng thực tế diễn ra không như ý muốn của họ.

Mảnh vỡ tên lửa được cho là KN-24 của Triều Tiên bị Ukraine bắn hạ (Ảnh: Sina).
Mảnh vỡ tên lửa được cho là KN-24 của Triều Tiên bị Ukraine bắn hạ (Ảnh: Sina).

Theo Bloomberg ngày 23/10, các nhân viên nghiên cứu Ukraine đã phát hiện ra các con chip do phương Tây sản xuất trong tên lửa Triều Tiên được Nga sử dụng. Bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Nga và Triều Tiên, các linh kiện trong đó bao gồm bộ vi điều khiển là sản phẩm của ít nhất 9 công ty phương Tây đã được tìm thấy trong mảnh vỡ của tên lửa đạn đạo. Phát hiện này đã làm nổi bật điểm yếu của Mỹ trong việc thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Vào cuối năm ngoái, Nga đã bổ sung tên lửa của Triều Tiên vào kho vũ khí của mình, Ủy ban chống tham nhũng độc lập của Ukraine (NAKO) cho biết trong một báo cáo vừa công bố: Bộ vi điều khiển, chất bán dẫn và các linh kiện khác của ít nhất 9 nhà sản xuất phương Tây sản xuất đã được tìm thấy trong tên lửa đạn đạo KN-23/24 của Triều Tiên do Nga phóng. Tổ chức phi chính phủ này cho biết quả tên lửa này đã bị bắn hạ vào ngày 7/9 tại khu vực Poltava ở miền Trung Ukraine.

Các nhân viên điều tra cho biết hầu hết các thành phần trong tên lửa được NAKO phân tích đều do các công ty Analog Devices (ADI) và Broadcom của Mỹ sản xuất, trong khi một số linh kiện khác được sản xuất bởi NXP Semiconductors của Hà Lan, TRACO Electronic AG của Thụy Sĩ và XP Power của Vương quốc Anh.

KN-24.jpg
Tên lửa KN-24 do quân đội Triều Tiên phóng thử (Ảnh: Yonhap).

Mặc dù tất cả những linh kiện thiết bị này đều phải chịu sự kiểm soát xuất khẩu, nhưng nhiều bộ phận được tìm thấy thể hiện chúng mới được sản xuất vào năm ngoái, cho thấy rằng bất chấp các lệnh trừng phạt trong nhiều năm qua, nhiều linh kiện vẫn được đưa lậu vào Triều Tiên và cuối cùng là Nga.

Đáp lại thông tin này, cả Analog Devices, Broadcom và NXP Semiconductors đều cho biết họ không bán bất kỳ linh kiện nào cho Triều Tiên và họ đang hợp tác với chính phủ để tìm cách cải thiện việc tuân thủ nhằm ngăn chặn sản phẩm của họ bị chuyển hướng bất hợp pháp. Broadcom cho biết những linh kiện như vậy thường bị làm giả. Trong khi XP Power và TRACO Power đã không phản hồi kịp thời các yêu cầu bình luận.

KN-23.jpg
Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa KN-23 được cho là một phiên bản của Iskander của Nga (Ảnh: Sohu).

Ông Vladyslav Vlasyuk, chuyên viên ủy ban về chính sách trừng phạt của tổng thống Ukraine, cho biết hôm 22/10 nói rằng sự hiện diện của các thiết bị vi điện tử phương Tây là "tin xấu" vì Triều Tiên đã bị trừng phạt từ rất lâu nay. “Sự hợp tác khoa học và công nghiệp đang gia tăng giữa Triều Tiên, Nga, Iran đang được tăng cường, đồng thời họ cũng đang trao đổi kỹ sư và công nghệ”.

Điều đáng chú ý là Trung tâm Nghiên cứu Vũ khí Xung đột (Conflict Armament Research, CAR) cũng đã phân tích mảnh vỡ của tên lửa đạn đạo KN-23 của Triều Tiên được cho là do Nga phóng trong cuộc tấn công vào Kharkov hồi đầu tháng 1 và phát hiện ra rằng nó chứa tới 290 linh kiện điện tử do nước ngoài sản xuất. Hầu hết các linh kiện đều có nguồn gốc từ Mỹ và Đức.

Theo Sina