Chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Chiến hạm của Mỹ lần đầu tiên di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam dưới thời Tổng thống Biden, trong chiến dịch mà Hải quân Mỹ gọi là tự do hàng hải hôm 5/2.
Tàu khu trục USS McCain của Mỹ (Ảnh: US Navy)
Tàu khu trục USS McCain của Mỹ (Ảnh: US Navy)

Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ nói rằng tàu khu trục USS John S. McCain “thực thi quyền tự do hàng hải ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Phía Trung Quốc đã lên án động thái trên, thêm rằng họ đã triển khai các đơn vị không quân và hải quân đi theo và cảnh báo tàu của Mỹ. Biển Đông từ lâu đã là điểm nóng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh các vấn đề khác như thương chiến, lệnh cấm vận của Mỹ, Hong Kong và Đài Loan.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke này một ngày trước đó cũng tiến hành "di chuyển theo thường lệ qua eo biển Đài Loan theo luật pháp quốc tế", theo thông báo của Hạm đội 7 hải quân Mỹ. Quân đội Trung Quốc sau đó cáo buộc Mỹ "gây căng thẳng" ở Eo biển Đài Loan.

Tháng trước, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Mỹ cũng đi vào khu vực Biển Đông để thực hiện các chiến lược định kỳ của Hải quân.

Mỹ gần đây điều tàu tới Biển Đông thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải thường xuyên hơn, nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại khu vực.

Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái ra thông cáo cho biết "những yêu sách hàng hải bành trướng và bất hợp pháp tại Biển Đông đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế cho các quốc gia liên quan".

Theo Reuters