Chiến hạm, máy bay ném bom chiến lược Mỹ hội quân trên Biển Đông

VietTimes-- Ngày 9/6, Trung Quốc lớn tiếng phản đối và cho biết nước này theo dõi sát các hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông, sau khi hai máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ phối hợp tập trận với khu trục hạm trên Biển Đông.
Hai máy bay B-1B Lancer bay lượn trên bầu trời Wyoming
Hai máy bay B-1B Lancer bay lượn trên bầu trời Wyoming

Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã tuyên bố trên trang web của mình rằng hai máy bay ném bom B-1B Lancer của không quân Mỹ đã tiến hành nhiệm vụ bay huấn luyện kéo dài 10 giờ trên Biển Đông từ đảo Guam vào ngày 8/6, cùng với tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Sterett của hải quân Mỹ.

Hoạt động diễn tập này nằm trong chương trình “Sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom” do Bộ chỉ huy Thái Bình Dương tổ chức. Mục đích của chương trình này nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến của hải quân và không quân, phát triển các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình phối hợp chung.

Chuyến bay của hai máy bay ném bom chiến lược B-1B diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động của hải quân và không quân trong khu vực chiến lược ở Biển Đông, điều máy bay ném bom và máy bay chiến đấu thực hiện cái gọi là “tuần tra chiến đấu” mà Bắc Kinh gọi là các “hoạt động thông thường”.

Trước cuộc tập trận này, vào cuối tháng 5 một tàu chiến Mỹ đã tiến hành "diễn tập" trong phạm vi 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông, khiến Bắc Kinh nổi giận.

Trong những năm qua, quân đội Mỹ đã tiến hành các tuần tra tự do hàng hải để Trung Quốc thấy nước này không có quyền có lãnh hải ở những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền một cách đơn phương và phi pháp.

Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng đe dọa: “Trung Quốc luôn duy trì cảnh giác và theo dõi hiệu quả các hoạt động quân sự của một nước có liên quan trên Biển Đông", hàm ý ám chỉ đó chính là Mỹ. "Quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, hòa bình và ổn định khu vực", Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp với gần như toàn bộ Biển Đông, vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới với 5 nghìn tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua mỗi năm.

Mỹ đã chỉ trích việc xây dựng đảo trái phép và lắp đặt các thiết bị quân sự của Trung Quốc trên các đảo đá chiếm đóng phi pháp thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Mỹ lo ngại rằng những thiết bị này có thể sử dụng để cản trở các hoạt động tự do và mở rộng tầm với chiến lược của Trung Quốc.

Thời gian gần đây, các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực đã trở nên lo lắng vì chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngừng tiến hành các hoạt động tuần tra trên Biển Đông kể từ khi nhậm chức.

Động thái mới đây của Mỹ cũng giúp các đồng minh và đối tác an tâm hơn phần nào. Cũng liên quan tới Đông Nam Á, The Diplomat vừa cho biết hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai đồng thời hai tàu tác chiến duyên hải tới Singapore vào năm 2018.