Chiến hạm Gepard Việt Nam sẽ có “bảo bối” săn ngầm trên Biển Đông

VietTimes -- Ngày 26.05.2016, tại nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.Gorky đã diễn ra nghi lễ trọng thể hạ thủy tàu Gepard-3.9 thứ  4 Nga đóng cho Việt Nam. Đây là cặp hộ tống hạm thứ 2 lớp Gepard của Việt Nam, được nhận định là sẽ tăng cường khả năng chống ngầm với vũ khí mới.
Chiến hạm Gepard Việt Nam sẽ có “bảo bối” săn ngầm trên Biển Đông

Không có nhiều thông tin cho biết, Gepard 3.9 sẽ tăng cường khả năng chống ngầm như thế nào, bằng loại vũ khí trang bị gì và ưu thế của loại vũ khí này. Nhưng cách đây không lâu, công ty GPNN Region giới thiệu một hệ thống vũ khí chống ngầm và chống ngư lôi tiên tiến nhất hiện nay, có khả năng nhanh chóng phát hiện và vô hiệu hóa các tàu ngầm hiện đại, kể cả tàu ngầm nổi tiếng nhất Hố đen Kilo dự án 636.3 của Hải quân Nga.

Chống ngầm và chống ngư lôi là hai hoạt động tác chiến có tầm quan trọng vô cùng lớn trong bất cứ lực lượng hải quân nào trên thế giới, trong đó nhiệm vụ chống ngầm luôn liên quan đến chống ngư lôi, do vũ khí tấn công chủ chốt của tàu ngầm chính là ngư lôi.

Mặc dù hiện nay có xu hướng phát triển mạnh tên lửa chống tàu, nhưng ngư lôi vẫn giữ vị trí vô cùng quan trọng trong biên chế vũ khí trang bị của hầu hết các chiến hạm trên toàn thế giới. Đồng thời ngư lôi là vũ khí chủ chốt của tất cả các loại tàu ngầm, trong đó đặc biệt là tàu ngầm diesel – điện.

Ngư lôi hiện đại có thêm nhiều tính năng kỹ chiến thuật khác nhau, tạo thành nguy cơ đáng sợ đối với chiến hạm nổi và tàu ngầm. Để phát triển khả năng chống ngầm và tự bảo vệ trước các đòn tấn công của tàu ngầm đối phương, cần phải có những giải pháp đặc biệt. Trong thời gian gần đây, lực lượng hải quân Nga tiếp nhận vào biên chế một tổ hợp vũ khí có tên gọi là Paket – NK, được thiết kể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chiến hạm trước tàu ngầm đối phương và ngư lôi.

Cùng với yêu cầu gia tăng khả năng chống ngầm, có nhiều khả năng tổ hợp vũ khí thông minh chống ngầm và chống ngư lôi này có thể được biên chế cho 2 chiến hạm Gepard 3.9 của Việt Nam do đã có quyết định cho phép xuất khẩu.

Tổ hợp vũ khí chống ngầm và chống ngư lôi Paket – NK được phát triển từ thời Liên xô. Vào những năm 90-x đã có những mô hình thử nghiệm đầu tiên, đến năm 1998 bắt đầu có những thử nghiệm có kết quả, tổ hợp đã có thể đánh chặn được ngư lôi huấn luyện.

Theo một số thông tin sơ bộ, dự án “Paket – E/NK” là kết quả nghiên cứu của hai tập đoàn nghiên cứu phát triển, các nhà quân sự đã lựa chọn phương án của Công ty CP nghiên cứu và chế tạo vũ khí có điều khiển GNPP Pegion phối hợp với Viên nghiên cứu NII Morteplotekhniki. Ngày nay GNPP thuộc tập đoàn chế tạo Tên lửa chiến thuật Nga.

Dự án Paket – E/NK được thiết kế nhằm hai mục đích then chốt. Yêu cầu kỹ chiến thuật đặt ra là thiết kế chế tạo một hệ thống có thể thực hiện được hai nhiệm vụ then chốt, tăng cường khả năng chống ngầm của các chiến hạm đồng thời bảo vệ được hạm tầu trước các đòn tấn công bằng ngư lôi của đối phương. Như vậy, trong biên chế của Tổ hợp, ngoài ống phóng đạn và trang thiết bị, trong hệ thống Paket – E/NK còn có thêm ngư lôi động cơ nhiệt MTT và ngư lôi chống ngư lôi M-15. Tổ hợp ngư lôi chống ngầm chống ngư lôi này có thể thực hiện hàng loạt nhiệm vụ trên biển.

Do nhiều lý do khác nhau tổ hợp Paket –E/NK chìm vào bí mật một thời gian dài. Chỉ đến năm 2010 mới có thông tin tổ hợp được nhận vào biên chế vũ khí trang bị của Hải quân Nga và được lắp đặt trên nhưng chiến hạm mới nhất, đồng thời các thông số về tính năng kỹ chiến thuật của Paket – E/NK được công bố cho khách nước ngoài.

Cấu trúc hệ thống của tổ hợp


Theo những thông số tính năng kỹ chiến thuật của nhà sản xuất, tổ hợp Paket – E/NK lắp đặt trên chiến hạm nổi có những bộ khí tài chủ chốt là: Bộ thiết bị phóng ngư lôi, tổ hợp hệ thống điều khiển và đài sonar chỉ thị mục tiêu Paket - AE.

Tất cả hệ thống trang thiết bị này đảm bảo phát hiện các mục tiêu dưới nước kịp thời, từ tàu ngầm đến ngư lôi, cung cấp tọa độ chỉ thị mục tiêu và ra quyết định phóng đạn tiêu diệt. Thành phần của tổ hợp có thể được thay đổi theo yêu cầu của khách hàng.

Đài sonar "Paket - AE" do công ty "Aquamarine" (Saint-Petersburg) chế tạo nhằm mục đích tìm kiếm và phát hiện mục tiêu dưới nước. Đây được coi là thành phần không thể thay thế của tổ hợp  "Paket- E/NK".  Tích hợp nhiều trang thiết bị đặc biệt, đài sonar Paket – AE có thể tìm kiếm và phát hiện được các mục tiêu dưới nước như tàu ngầm và ngư lôi. Hệ thống tự động độc lập xác định chủng loại mục tiêu và cung cấp tọa độ mục tiêu cho hệ thống tự dẫn của ngư lôi chống ngầm và ngư lôi chống ngư lôi.

Đài sonar Paket - AE

Có hai phương án đài sonar, khác biệt nhau bởi số lượng và thiết kế anten. Phiên bản radar hình trụ có khối lượng 352 kg, đảm bảo góc quan sát đạt đến 270°. Nếu sử dụng hai anten mặt phẳng, khối lượng của đài sonar giảm xuống còn 127 kg, nhưng góc quan sát chỉ còn đến 90°.

Theo một số thông tin, để sử dụng tổ hợp Paket – E/NK, chiến hạm có thể sử dụng đài sonar theo thiết kế của tàu cũng như các trang thiết bị phụ trợ cho hệ thống chống ngầm thân tàu hoặc sử dụng các trang thiết bị được biên chế theo tổ hợp, điều này cho phép khách hàng có thể mua tổ hợp hoàn toàn độc lập và lắp đặt cho các chiến hạm bản địa. Trong cả hai trường hợp hệ thống điều hành tác chiến đều xử lý tín hiệu thu được từ sonar và cung cấp thông tin cho ngư lôi chống ngầm hoặc ngư lôi chống ngư lôi.

Phóng ngư lôi chống ngầm МТТ và ngư lôi chống ngư lôi М-15 được thực hiện bằng tổ hợp giá phóng ngư lôi đa năng SM -588 với các ống phóng ngư lôi đường kính 324 mm. Phụ thuộc vào loại chiến hạm và các yếu tố khác, giá phóng ngư lôi có thể có 1, 2, 4 hoặc 8 ống phóng container chứa ngư lôi. Các ống phóng ngư lôi được lắp đặt cứng trên mặt phẳng nằm ngang và có thể điều khiển trên góc phóng phóng giới hạn. Ống phóng ngư lôi thẳng đứng không được thiết kế.

Phóng ngư lôi chống ngầm hoặc ngư lôi chống ngư lôi khỏi ống phóng được thực hiện bởi áp lực của liều phóng bột. Trước khi phóng ngư lôi cần phải mở cửa phóng trên tàu, trắc thủ quay giá phóng về hướng mục tiêu, khi có lệnh phóng, liều phóng bột bốc cháy tạo áp lực đẩy ngư lôi ra khỏi ống container. Ngư lôi rơi xuống nước và bắt đầu hoạt động, tự tìm kiếm mục tiêu.

Ngư lôi chống ngầm và ngư lôi chống ngư lôi Paket – E/NK có thể sử dụng trong mọi điều kiện thủy văn môi trường và biển động đến cấp 5. Tốc độ gió không vượt quá 20 m/s. Khi phóng đạn chiến hạm có thể chạy với vận tốc đến 20 hải lý/giờ. Không sử dụng ngư lôi trong điều kiện độ sâu của biển nhỏ hơn 40 m. 

Ngư lôi chống ngầm МТТ

Tổ hợp Paket – E/NK có khả năng chống được ngư lôi đồng thời tấn công các tầu ngầm đối phương. Chiến đấu với tàu ngầm, Paket - E/NK sử dụng ngư lôi nhiệt cỡ nhỏ  MTT, hay còn gọi là “Malyshka”. Loại ngư lôi này đặc biệt chế tạo cho tổ hợp Paket – E/NK và đã được đưa vào biên chế trong lực lượng hải quân Liên bang Nga.

Quá trình phát triển ngư lôi cỡ nhỏ được bắt đầu từ đầu thế kỷ 21, kết quả đạt được là chế tạo thành công một ngư lôi tiên tiến có chiều dài 3,2 m, cỡ đạn 324 mm. Khối lượng của ngư lôi MTT là 390 kg, trong đó có 60 kg thuốc nổ mạnh. Mặc dù kích thước ngư lôi khá nhỏ, nhưng có cấu trúc tương tự như các ngư lôi khác. Phần đầu là thiết bị tìm kiếm mục tiêu và dẫn đạn, phía sau là khoang chiến đấu, khoang trung tâm chứa nhiên liệu và phần đuôi là động cơ.

Ngư lôi động cơ nhiệt МТТ được lắp đặt hệ thống tự dẫn sonar, được phát triển bởi công ty GNPP Region. Hệ thống này cho phép phát hiện các tàu ngầm của đối phương trên khoảng cách đến 2,5 km. Tầm xa phát hiện mục tiêu cực đại ở độ sâu đến 200 m.

Trong tình huống độ sâu lớn hơn, tầm xa phát hiện mục tiêu giảm xuống còn 1200 m. Hệ thống sonar dẫn đường tích hợp với hệ thống dẫn đường quán tính. Điều đó cho phép ngư lôi có thể được phóng từ khoảng cách xa. Ngư lôi cơ động bằng hệ dẫn đường quán tính đến khu vực mục tiêu, tại đây đầu tự dẫn sonar sẽ dẫn đạn tấn công mục tiêu phát hiện được.

Phần đuôi của ngư lôi là động cơ nhiệt piston trục dọc sử dụng loại nhiên liệu đơn nhất pronit. Động cơ được kết nối với trục chân vịt, phía đuôi là chân vịt và vành bảo vệ. Phía ngoài của vỏ ngư lôi có các cánh điều khiển theo độ sâu vào hướng di chuyển của ngư lôi.

Ngư lôi Malyshka có khả năng lặn xuống đến độ sâu 600 m và hoạt động ở hai chế độ, khác nhau về tốc độ bơi và một số các thông số khác. Tốc độ cực đại của ngư lôi đến 50 hải lý/h ở chế độ 1, chế độ 2 tốc độ cực đại là 30 hải lý/h. Tầm bắn xa nhất là 20 km.

Điểm thú vị là khối lượng và kích thước nhỏ cho phép ngư lôi MTT có thể được trang bị cho tàu nổi, tàu ngầm và máy bay săn ngầm. Trên chiến hạm nổi, ngư lôi được phóng bằng giá phóng SM-588. Ngư lôi cũng có thể được lắp vào đầu đạn của tên lửa chống ngầm chiến hạm nổi và tàu ngầm. Các máy bay được trang bị loại ngư lôi này có giá treo đặc chủng và các trang thiết bị săn ngầm khác.

Ngư lôi có thể đã được đưa vào biên chế trong Hải quân Nga trong tổ hợp chống ngầm và được giới thiệu với khách hàng nước ngoài, nhưng không có thông tin về khách hàng quan tâm.

Ngư lôi chống ngư lôi М-15

Ngư lôi М-15 là loại ngư lôi đặc chủng, được thiết kế để đánh chặn ngư lôi đối phương. Chính vì vậy trong thiết kế nói chung có những đặc điểm riêng biệt về tính năng kỹ chiến thuật. Nhưng khác với MTT, ngư lôi M-15 có tầm tấn công ngắn hơn.

Ngư lôi М-15 theo kích thước bên ngoài hoàn toàn không khác МТТ. Có chiều dài khoảng 3,2 m, cỡ đạn – 324 mm. Khối lượng phóng gần 400 kg. Nhưng có những điểm khác biệt bên ngoài theo tính năng sử dụng. Ngư lôi M-15 phần đầu là khoang thiết bị, sau đó là khoang chiến đấu, phần đuôi là động cơ. Phía đuôi cũng được lắp các cánh điều hướng khi cơ động.

Cả hai ngư lôi МТТ và М-15 đều được trang bị hệ thống dẫn đường sonar chủ động và thụ động. Riêng hệ thống dẫn đường M-15 có khoảng cách tìm kiếm mục tiêu hiệu quả đến 400 m.

Để có thể tăng tốc độ nhanh nhất và khả năng tấn công nhanh, ngư lôi М-15 được trang bị động cơ phản lực, trong khoang của động có liều phóng hydro phản ứng nhiên liệu rắn. Khi ngư lôi M-15 rơi xuống nước, bắt đầu quá trình cháy nhiên liệu và tạo thành lực đẩy, ngư lôi phóng đi với tốc độ cao.

Theo thông tin sơ bộ, M-15 có thể di chuyển với tốc độ đến 50 hải lý/h nhưng tầm xa hoạt động không vượt quá 1400 m. Phạm vi tác chiến hiệu quả khoảng từ 100 đến 800 m. Cấu trúc ngư lôi cho phép có thể hoạt động ở độ sâu đến 800 m. Để có thể đánh chặn hiệu quả ngư lôi đối phương, trong khoang chiến đấu có 80 kg thuốc nổ mạnh.

Phương pháp sử dụng ngư lôi М-15 cũng không khác ngư lôi МТТ trên chiến hạm nổi. Khi phát hiện ngư lôi đối phương, hệ thống điều khiển Paket – E/NK nạp thông tin mục tiêu vào đầu đạn tự dẫn, trắc thủ ngư lôi quay giá phóng về phía hướng mục tiêu và phóng đạn. Liều phóng trong container bốc cháy tạo áp lực đẩy ngư lôi phóng ra ngoài. Khi rơi xuống nước, ngư lôi khởi động động cơ và tự tìm mục tiêu tiêu diệt.

Biên chế trang bị

Tổ hợp Paket – E/NK có thể sử dụng trên hầu hết tất cả các chiến hạm nổi mà thiết kế của nó cho phép đặt giá phóng và các trang thiết bị đi cùng.

Từ năm 2010 tổ hợp Paket – E/NK được biên chế vào lực lượng Hải quân Nga và được lắp đặt trên các lớp tàu khác nhau. Ví dụ như các hộ tống hạm dự án 20380 và 20385 đã được lắp hai tổ hợp trên mỗi tàu, mỗi tổ hợp 4 ống phóng. Khu trục hạm hạng nhẹ dự án 22350 được lắp 2 giá phóng mỗi giá 6 ống phóng ngư lôi.

Vào tháng 2.2016, báo The Diplomat đăng các bức không ảnh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng phi pháp một căn cứ sân bay trực thăng chống ngầm trên đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, điều đó cho thấy Trung Quốc quyết tâm triển khai một hệ thống chống ngầm mở rộng trên các đảo mà PLA chiếm đoạt phi pháp. Việc triển khai một hệ thống chống ngầm rộng khắp đi kèm với việc triển khai lực lượng tàu ngầm tấn công diesel – điên trên vùng nước tranh chấp và đe dọa lực lượng hải quân của các nước khác trong khu vực.

Sau cặp Gepard 3.9 thứ nhất, Việt Nam muốn có những tàu hộ vệ tên lửa tăng cường khả năng chống ngầm và phòng không. Theo báo Nga,  tàu Gepard 3.9 tiếp theo sẽ được trang bị các ngư lôi chống ngầm mới và hệ thống trinh sát, tìm kiếm, điều khiển hỏa lực mới. Đây có thể là tổ hợp chống ngầm chống ngư lôi Paket – E/NK.

Video giới thiệu tổ hợp ngư lôi chống ngầm và ngư lôi chống ngư lôi Paket-E/NK

Tháng 6.2014, hộ tống hạm tên lửa Steregushchiy dự án 20380 tham gia diễn tập, thực hiện nhiệm vụ chống ngầm với một tàu ngầm Kilo mới nhất lớp 636.3. Thủy thủ đoàn Steregushchiy đã phát hiện được tàu ngầm “Hố đen” và sử dụng ngư lôi diễn tập của tổ hợp Paket – E/NK tiêu diệt thành công mục tiêu.

Trong những lần diễn tập khác, các chiến hạm của Nga đã sử dụng tổ hợp Paket – E/NK đánh chặn thành công nhiều cuộc tấn công bằng ngư lôi diễn tập. Tháng 10.2015, Hộ tống hạm tên lửa Boikyi dự án 20380 trong quá trình diễn tập sử dụng ngư lôi chống ngư lôi М-15 đánh chặn thành công cuộc tấn công ngư lôi bắn loạt của kẻ thù giả định.

Tiềm năng của hệ thống Paket – E/NK rất lớn, có thể thay thế hầu hết các loại ngư lôi chống ngầm có điều khiển hiện nay và đổi mới hoàn toàn các loại khinh hạm, tàu tấn công nhanh tên lửa, tăng cường khả năng tác chiến và khả năng chống ngầm của các hạm tàu này. Hơn thể nữa, tổ hợp Paket – E/NK có thể được trang bị cho các xuồng cao tốc chống ngầm hoặc trực thăng chống ngầm mang ngư lôi do khối lượng nhẹ của nó.

Nếu Việt Nam có được hệ thống chống ngầm – chống ngư lôi Paket –E/NK trên các phương tiện khác nhau. Điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn chiến trường chống ngầm của Việt Nam trên toàn bộ biển Đông, có thể ngăn chặn hiệu quả được cả lực lượng tàu ngầm lớn như của Trung Quốc.

TTB