Chiến hạm Gepard Việt Nam bị Trung Quốc “săm soi” kỹ

Trung Quốc chú ý theo dõi, đánh giá kinh nghiệm sử dụng vũ khí hải quân của Nga ở Syria, đang theo dõi việc đóng các tàu tương tự lớp Gepard 3.9 cho Hải quân Việt Nam tại các xưởng đóng tàu Nga và tên lửa 3М14, tìm cách lấy cắp công nghệ, mua sắm, sao chép tên lửa này.
Chiến hạm lớp Gepard phóng tên lửa 3M14T Kalibr
Chiến hạm lớp Gepard phóng tên lửa 3M14T Kalibr

Theo các chuyên gia Trung Quốc, lực lượng không quân-vũ trụ Nga (VKS) triển khai ở căn cứ không quân Hmeimim đang thực hiện các cuộc không kích chính xác vào các mục tiêu và các đơn vị của IS và Jebhat al-Nusra, nhưng trong bối cảnh căng thẳng quan hệ với Mỹ, quân đội Nga chủ yếu sử dụng các máy bay hiện đại, cụ thể là: tiêm kích-bom Su-34 (6 chiếc) và tiêm kích Su-35  (6 chiếc). Được biết, tất cả các cường kích Su-25 đã bị rút về Nga mặc dù chính các máy bay này gánh vác phần lớn hoạt động chiến đấu.

Cần lưu ý rằng, trong trường hợp nổ ra xung đột giữa Mỹ và Nga về quyền thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Syria, các địch thủ chính của các phi công Nga sẽ là các phi công không quân trên hạm của Hải quân Mỹ vốn có ý định triển khai thường xuyên ở vùng biển Địa Trung Hải một hoặc hai cụm tàu sân bay chiến đấu của Hạm đội 6. Hiện nay, cụm tàu sân bay chiến đấu số 9 Dwight D. Eisenhower đang được phái đến Đông Địa Trung Hải để thay thế cụm tàu sân bay chiến đấu số 8 Hary S. Trumman.

Theo “Kế hoạch tối ưu hóa các hành động đáp trả của các lực lượng Hải quân Mỹ” (có hiệu lực từ ngày 15/1/2014), cụm tàu sân bay chiến đấu số 9 sẽ thực hiện tuần tra chiến đấu tại vùng biển trên trong 7 tháng tiếp theo (có thể kéo dài hơn).

Các nhà phân tích cho rằng, sự hiện diện của binh đoàn Hải quân Mỹ sẵn sàng chiến đấu ở ngay sát hải phận Syria là dấu hiệu cho thấy, Lầu Năm góc thực sự có kế hoạch can thiệp vào tiến trình sự kiện trên mặt trận Syria. Trong bối cảnh các cụm tàu sân bay chiến đấu của Hải quân Mỹ đẩy mạnh hoạt động ở Địa Trung Hải, ban lãnh đạo chính trị-quân sự Nga sẽ phải tăng cường mạnh mẽ lực lượng tàu chiến của mình đang hộ tống các tàu vận tải hàng quân sự sang Syria, cũng như bảo đảm bảo vệ biên giới biển của Syria.

Cần lưu ý rằng, các chuyên gia Trung Quốc đã phân tích các tính năng và kinh nghiệm sử dụng tàu nổi của Hải quân Nga đã và đang tham gia chiến dịch quân sự ở Syria, cụ thể là: các tàu hộ vệ lớp Projekt 11661K và các tàu tên lửa nhỏ Projekt 21631, cũng như các tàu tuần dương tên lửa lớp Moskva.

Các chuyên gia vũ khí Trung Quốc đánh giá cao các phẩm chất kỹ-chiến thuật của tàu hộ vệ lớp Projekt 11661K và đang chú ý theo dõi việc đóng các tàu tương tự lớp Gepard 3.9 cho Hải quân Việt Nam tại các xưởng đóng tàu Nga. Các tàu này có cơ cấu vũ khí cân đối, có khả năng tiêu diệt cả mục tiêu trên biển (tàu nổi, tàu ngầm), lẫn mục tiêu mặt đất bằng các tên lửa hành trình 3М14 Kalibr. Các chuyên gia Trung Quốc không che giấu sự quan tâm của mình đối với loại tên lửa này và có lẽ sẽ rất nỗ lực nhằm lấy cho được tài liệu kỹ thuật hoặc ký hợp đồng với công nghiệp quốc phòng Nga để mua một lượng nhỏ tên lửa 3М14 ở các biến thể khác nhau.

Chiến hạm Gepard Đinh Tiên Hoàng của hải quân Việt Nam
Chiến hạm Gepard Đinh Tiên Hoàng của hải quân Việt Nam

Theo các chuyên gia Viện nghiên cứu chiến thuật hải quân thuộc Viện hàn lâm khoa học quân sự Trung quốc, tàu hộ vệ tên lửa Projekt 11661K với cự ly hành trình 5.000 hải lý và khả năng tuần tra ở tốc độ 10 hải lý/h trong một thời gian dài sẽ là phương án lý tưởng cho Hải quân Nga một khi tổ chức triển khai trú đóng thường xuyên một lực lượng tàu tiến công tại trạm bảo đảm vật chất-kỹ thuật ở Tartus, Syria.

Được biết, ngoài các tàu hiện đại của Hải quân Nga, ở ven bờ biển Syria còn có các tàu tuần dương lớp Projekt 1164 Atlant luân phiên trực chiến. Các tàu này được thiết kế từ những năm 1970 và đến nay vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ được giao ở các khu vực khác nhau trên đại dương thế giới. Đáng lưu ý là các tàu tuần dương lớp Projekt 1164 Atlant sau khi tiến hành hiện đại hóa và trang bị lại sẽ có thể đối chọi với các tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục lớp Arleigh Burke vốn đang cấu thành nền tảng các binh đoàn tàu của Hải quân Mỹ trên đại dương thế giới.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, chính việc hệ thống phòng không trên tàu tuần dương Moskva có tầm hoạt động không đủ lớn nên khi trong khi tàu này đang trực chiến mà máy bay ném bom Su-24 của Nga bị bắn rơi, đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu của sự kiện bi thảm này.

Các chuyên gia công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong 20 năm nay đã chú ý theo dõi quá trình khai thác các tàu của Nga và Mỹ, và có tính đến không chỉ các vấn đề khó khăn mà cả các triển vọng phát triển trang bị tàu mặt nước của hải quân. Kết quả là, theo báo chí Trung Quốc, sắp tới tại các xưởng đỏng tàu của nước này sẽ bắt đầu đóng loạt tàu tuần dương thế hệ mới lớp Type  055 mà giới lãnh đạo chính trị-quân sự Trung Quốc cần có để kiềm chế Mỹ ở Biển Đông, cũng như ở Cận Đông và Bắc Phi.

Tàu tuần dương lớp Type 055 có các tính năng kỹ-chiến thuật như sau:

Chiều dài 175 m, chiều rộng 21 m, mớn nước 6,5 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn/đầy đủ 9.000/11.500 tấn, tốc độ chạy tiết kiệm 20 hải lý/h, tốc độ tối đa 32 hải lý/h, cự ly hành trình với tốc độ tiết kiệm 5.000 hải lý, tầm hoạt động độc lập 10.000 hải lý. Thủy thủ đoàn 280 người.

Tổng công suất của 4 động cơ turbine khí QC-280  là 112. 000 mã lực. Sơ đồ động cơ áp dụng theo kiểu 2 trục 2 chân vịt ghép nối với các động cơ điện công suất lớn.

Vũ khí tiến công của tàu gồm: 1 pháo tự động một nòng 130 mm, 2 hệ thống phóng tên lửa vạn năng, mỗi hệ thống chứa 48 thanh dẫn hướng phóng thẳng đứng (bố trí ở mũi và giữa tàu) cho phép phóng các loại tên lửa:

- tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa HHQ-9, HHQ-16;
- tên lửa-ngư lôi CJ-5;
- tên lửa hành trình tầm xa hạm đối bờ CJ-10;
- tên lửa chống hạm siêu âm YJ-18.

Có lẽ tàu sẽ được trang bị các tên lửa chống tên lửa để bảo đảm phòng thủ tên lửa cho cụm tàu sân bay xung kích của hải quân Trung Quốc. Để bảo đảm phòng không tầm gần, trên tàu sẽ lắp các hệ thống pháo phòng không 30 mm, 11 nòng Type 1130, ở đuôi tàu sẽ lắp các hệ thống tên lửa phòng không HHQ-10. Ở giữa phần thượng tầng của tàu, cũng sẽ lắp 4 ụ pháo phòng không 6 nòng, cỡ nhỏ để tự vệ ở tầm gần.

Cần nhớ rằng, tàu này sẽ được trang bị thêm 2 cụm x 3 ống phóng lôi  533 mm để tác chiến chống tàu ngầm. Được biết hệ thống thiết bị vô tuyến điện tử bao gồm đủ bộ các trạm radar băng X và S, cũng như hệ thống tác chiến điện tử, cho phép tàu tác chiến hiệu quả với lực lượng đối phương.

Tóm lại, có thể dự đoán rằng, giới lãnh đạo chính trị-quân sự Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng hải quân đại dương đủ sức bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia và công dân Trung Quốc ở bất cứ đâu trên trái đất. Rõ ràng là các chiến lược gia Mỹ cũng sẽ tính đến các xu hướng đóng tàu quân sự hiện nay của Trung Quốc và tìm cách đưa ra một chiến thuật hành động cho phép sau năm 2020 có thể đồng thời duy trì 5-6 cụm tàu sân bay chiến đấu ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Theo VND