Nhu cầu tuyển dụng lớn, sinh viên CNTT vẫn khó xin việc
"Báo cáo thị trường CNTT Việt Nam năm 2023" do TopDev vừa công bố cho thấy, dù lương, tiền thưởng trong ngành CNTT tiếp tục tăng lên, ngành này vẫn chưa hút đủ nhân lực. Thị trường hiện vẫn thiếu hụt 150.000 - 200.000 lập trình viên, kỹ sư hằng năm.
Hiện nay, số lượng lập trình viên của Việt Nam chỉ đạt khoảng 530.000 người. Về xu hướng, số sinh viên CNTT nhập học mỗi năm khoảng 50.000 - 57.000 người.
Trong hơn 57.000 kỹ sư công nghệ bước vào thị trường lao động mỗi năm, chỉ khoảng 30% nhân sự đáp ứng những kỹ năng và chuyên môn, yêu cầu thực tế của doanh nghiệp đặt ra. 70% còn lại cần được bố trí đào tạo thêm tại doanh nghiệp trong 3-6 tháng để làm quen với công việc và môi trường làm việc.
Theo đánh giá, lao động Việt Nam có khả năng tiếp thu nhanh về lý thuyết, nhưng còn hạn chế về kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, số liệu năm 2023 lại phản ánh hầu hết các doanh nghiệp đều thu hẹp kế hoạch tuyển dụng với số lượng vị trí tuyển dụng mới giảm đáng kể. Gần 90% công ty có kế hoạch tuyển ít hơn 50 lập trình viên trong năm nay. Trong khi con số này của năm 2022 chỉ là 75%.
Cùng với nhu cầu tuyển dụng giảm, ngân sách tuyển dụng cho năm 2023 cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, khi chỉ có 6% công ty cho biết họ tăng ngân sách tuyển dụng, 15% giữ nguyên số lượng và gần 80% công ty quyết định giảm.
Thị trường việc làm trở nên cạnh tranh hơn khi số lượng vị trí công việc sẵn có giảm đi, trong khi số lượng người tìm việc có khả năng tăng lên.
Về phía ứng viên, thống kê cho thấy họ đang gặp trở ngại về việc thiếu chuyên môn cao, khó đáp ứng được các kỹ năng mềm cần thiết, thiếu tư duy kinh doanh thực tế và gặp rào cản về ngôn ngữ.
Thực tế cho thấy, không ít sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực CNTT đã phải chấp nhận những công việc trái chuyên môn với mức lương tạm chấp nhận được, bởi lý do muốn làm việc đúng ngành đúng nghề thì phải đã từng có trải nghiệm thực tế tối thiểu 6 tháng.
Đã vậy, ngành CNTT phát triển rất nhanh nên các kiến thức được nhà trường cung cấp phần nhiều không đáp ứng được đòi hỏi thực tế của môi trường công việc. Không ít sinh viên đành chấp nhận “dấn thân” bằng cách làm việc không lương một thời gian để học hỏi, song không phải ai cũng có đủ điều kiện “dấn thân” bởi rất nhiều người còn phải “mưu sinh”.
Phải có “kỹ năng dẻo” để thích nghi
Theo TS. Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - bên cạnh các "kỹ năng cứng" và "kỹ năng mềm", thì sinh viên nói chung chứ không riêng gì CNTT, còn phải được trang bị cả “kỹ năng dẻo” để có khả năng thích nghi với hoàn cảnh thực tế.
Còn ThS. Hà Đặng Cao Tùng – nguyên Chủ nhiệm Khoa CNTT của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) - thì điều quan trọng là sinh viên CNTT phải thấy được yếu tố CNTT tiềm ẩn trong các lĩnh vực khác để khai thác “đất sống” cho mình.
Có thể nói, nhu cầu cả về phần cứng lẫn phần mềm của đông đảo sinh viên nói chung là rất lớn. Và thay vì phải ra các cửa hàng dịch vụ để được phục vụ, không ít sinh viên mong muốn được các bạn đồng trang lứa đang theo học ngành CNTT xử lý giúp và sẵn sàng trả tiền.
Thế nhưng, đây lại là thực tế mà không phải tất cả sinh viên CNTT có thể đáp ứng được bởi đòi hỏi họ phải chủ động trải nghiệm và tự giỏi hơn người. Bước đầu, họ sẽ phải chấp nhận cung cấp dịch vụ miễn phí và khi đã có được uy tín mới có thể nói chuyện tiền nong, công xá.
Nói về nhu cầu về ứng dụng CNTT trong xã hội, TS Nguyễn Nhật Quang – Chủ tịch Công ty Phần mềm Hài Hoà - nhìn nhận, có rất nhiều dư địa để CNTT có thể xâm nhập như nông nghiệp, giao thông, thể thao, y tế… vì bất kể lĩnh vực nào cũng có nhu cầu chuyển đổi số. Tuy nhiên, môi trường đào tạo CNTT lại gần như thiếu vắng những kiến thức mang tính phương pháp luận về “tầm nhìn” để sinh viên có thể nhìn thấy những dư địa đó.
Cũng cần nói thêm một thực tế là không ít bậc thầy vẫn bảo lưu quan điểm “không hàn lâm không phải là đại học” nên những kiến thức nền tảng lại bị coi thường. Bằng chứng là hồi những năm 2000 khi báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực về mã tổ hợp và mã dựng sẵn cho tiếng Việt trên môi trường máy tính và Internet, nhưng có đến phân nửa sinh viên CNTT ở những trường hàng đầu như Đại học Bách khoa Hà Nội hay Đại học Quốc gia Hà Nội lại không hay biết gì về những khái niệm này khi được hỏi đến.
Như vậy, có thể nói “kỹ năng dẻo” hay chính xác là năng lực thích nghi với hoàn cảnh thực tế đã và đang là vấn đề phải đặt ra cho sinh viên nói chung, chứ không riêng gì ngành CNTT.
Để làm được việc này, không có cách nào khác là bên cạnh những kiến thức mà nhà trường có thể trang bị thêm cho “kỹ năng dẻo”, sinh viên phải chủ động với hoàn cảnh thực tế. Nếu phải bước chân vào một lĩnh vực không đúng với chuyên môn thì phải làm sao nhìn ra yếu tố CNTT tiềm ẩn để chủ động khai thác lợi thế của mình.