Tham vọng lớn và đầu tư chiến lược
Bước vào thập kỷ 1990, sau hơn một thập kỷ cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc đã khởi sắc mạnh mẽ, thương mại thặng dư, ngân sách khấm khá nhưng tình cảnh đại học khi đó không mấy sáng sủa.
Đại học Trung Quốc tụt hậu xa, lạc điệu với thế giới, ngay cả các đại học tốt nhất Trung Quốc vẫn tồn tại khoảng cách lớn so với thế giới.
Khi đó, đầu tư cho giáo dục đại học hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu, môi trường làm việc sơ cứng, lương thấp.
Lương tháng của Phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh chỉ là 150 nhân dân tệ vào năm 1988, khiến nhiều tài năng đã rời đi và ra nước ngoài. Hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) vốn bị đình trệ trong cách mạng văn hóa dù được khôi phục lại nhưng diễn ra chậm chạp, quá trình hội nhập với cộng đồng học thuật quốc tế cũng rất chậm chạp.
Trung Quốc đã triển khai một loạt đại dự án khởi đầu từ năm 1995 với nguồn tài chính rất lớn nhằm đưa giáo dục đại học Trung Quốc vươn tầm đẳng cấp thế giới.
Cụ thể, chính quyền trung ương đã đầu tư 2,7 tỉ USD cho 112 trường đại học được lựa chọn tham gia Dự án 211, đầu tư 7,97 USD cho 39 trường thuộc Dự án 985, đầu tư 14,14 tỉ USD cho 137 trường thuộc Dự án “Song nhất” trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, trong đó 42 trường được lựa chọn để phát triển trở thành đại học hạng nhất thế giới, 95 trường đại học tập trung vào việc phát triển các ngành học cốt lõi trở thành các ngành học hạng nhất thế giới.
Khoản đầu tư chính quyền trung ương dành cho ba dự án này từ năm 1995 đến năm 2020 lên tới gần 25 tỉ USD. Nếu tính cả phần kinh phí đối ứng của chính quyền địa phương cho các trường đại học trong 3 dự án thuộc phạm vi quyền hạn thì số tiền vượt quá 42 tỉ USD, đây là khoản đầu tư vào giáo dục đại học lớn nhất thế giới.
Được đầu tư lớn, các đại học được lựa chọn tham gia trong ba dự án đã tái cơ cấu, triển khai các sáng kiến và chương trình liên quan đến gần như mọi khía cạnh của trường, nhất là về lĩnh vực nhân sự, R&D và quốc tế hóa để vươn tầm đẳng cấp thế giới.
Nhiều trường đã thành công rực rỡ, tạo nên bước “đại nhảy vọt” về số lượng bài báo quốc tế, số lượng bằng sáng chế, số lượng các giải thưởng khoa học uy tín, trong các bảng xếp hạng toàn cầu...
Cải cách nhân sự mạnh mẽ để thu hút nhân tài toàn cầu
Các trường đại học Trung Quốc hiểu rất rõ đội ngũ giảng viên là nhân tố quyết định cho thành công của một trường đại học. Bởi vậy, các trường đều có chiến lược, chương trình thu hút và phát triển đội ngũ giảng viên xuất sắc phù hợp với từng giai đoạn phát triển để trở thành trường đại học đẳng cấp thế giới.
Các trường đại học Trung Quốc đã cải cách nhân sự mạnh mẽ để thu hút, giữ chân nhân tài hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, ưu tiên tuyển dụng các học giả và nhà nghiên cứu nổi tiếng, thường nhắm vào đội ngũ nhân tài Hoa kiều thành danh ở nước ngoài.
Với nguồn lực tài chính dồi dào, họ trả lương hậu hĩnh để nhân tài Hoa kiều thành danh ở nước ngoài trở về có nhà ở, xe hơi, trường học tốt cho con cái, khiến việc trở về Trung Quốc làm việc không còn là một sự hy sinh.
Điển hình một Trưởng khoa Luật ở một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đã được trả một mức lương khó tin lên tới 625.000 USD một năm.
Các công cụ quản trị kiểu doanh nghiệp, như phần thưởng tài chính thưởng trực tiếp cho các bài báo quốc tế, hệ thống đánh giá định lượng, sự thăng tiến, mức lương căn cứ vào kết quả công việc, các khóa học giảng dạy, số lượng các khoản tài trợ nghiên cứu và công bố quốc tế,... được áp dụng để thúc đẩy gia tăng năng suất.
Cụ thể, Đại học Bắc Kinh sau khi được lựa chọn vào Dự án 985 đã đưa ra kế hoạch cải cách nhân sự bạo tay nhằm thanh lọc cán bộ yếu kém để thay mới bằng nhân sự mới tài năng, gắn với chế độ lương thưởng, thăng chức của giảng viên với năng suất, kết quả công việc.
Theo kế hoạch cải cách, khoảng 1/3 giảng viên trợ giảng và 1/4 phó giáo sư không đạt chuẩn sẽ bị thay thế bằng những nhân sự tài giỏi, nhất là từ các trường đại học nước ngoài.
Với nhiều ưu đãi hấp dẫn nên các vị trí tuyển dụng của Đại học Bắc Kinh thu hút rất nhiều ứng viên chất lượng. Chẳng hạn, năm 1999, có đến 50 ứng viên ứng tuyển cho 9 vị trí mà trường tuyển dụng, hầu hết đều là những trí thức người Trung Quốc đang định cư ở nước ngoài, bao gồm cả 6 trí thức đã đạt được giải thưởng uy tín của Mỹ là giải thưởng do Tổng thống Mỹ trao cho những nhà khoa học và kỹ sư trẻ tài năng.
Đại học Thanh Hoa đưa ra những vị trí mở dành cho các trí thức nước ngoài, kể cả vị trí chủ nhiệm khoa.
Đặc biệt, từ năm 2005, Đại học Thanh Hoa đã thực hiện quy định dành tới 55% chỉ tiêu giáo sư chính thức cho các giảng viên ngoài Đại học Thanh Hoa, chỉ dành 45% cho giảng viên trong trường. Điều này mang lại hiệu quả rất lớn, chất lượng đội ngũ giáo sư chính thức của Đại học Thanh Hoa gia tăng nhanh chóng...
Đột phá vào R&D tạo bệ phóng cho thăng hạng
R&D là tiêu chí có trọng số lớn ở hầu hết các bảng xếp hạng đại học thế giới, bởi vậy, đây chính là điểm được các trường đại học Trung Quốc lựa chọn để đột phá tạo bệ phóng cho thăng hạng.
Với nguồn tài chính dồi dào, các trường đầu tư mạnh tay vào xây dựng những phòng Lab mới với những thiết bị kỹ thuật tối tân, đầu tư quy mô lớn vào nghiên cứu tiên tiến và công nghệ mới, xây dựng các trung tâm nghiên cứu liên ngành, và hợp tác với những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới...
Với hoạt động R&D thì cơ sở vật chất hiện đại là chưa đủ, nhân tài mới là yếu tố quyết định, bởi vậy, Trung Quốc thu hút nhân tài R&D hàng đầu trên phạm vi toàn cầu, họ “mua” nhân tài toàn cầu để tăng nhanh số lượng bài báo quốc tế và cải thiện thành tích, nâng cao năng lực R&D.
Năm 2005, Dự án 111 được triển khai nhằm đưa khoảng 1.000 chuyên gia nước ngoài từ 100 trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu trên toàn thế giới đến 100 trung tâm đổi mới trên khắp Trung Quốc.
Năm 2008, Trung Quốc triển khai các chương trình như "Ngàn nhân tài" để mời gọi các nhà khoa học và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. Điều này giúp các trường đại học xây dựng đội ngũ nghiên cứu chất lượng cao, tiếp cận với tri thức tiên tiến và mở rộng mạng lưới nghiên cứu quốc tế, tạo ra môi trường học thuật hấp dẫn và sáng tạo.
Các trường đại học Trung Quốc tích hợp hợp tác với các ngành công nghiệp để thúc đẩy tiến bộ công nghệ và phát triển kinh tế cũng được chú trọng đẩy mạnh, thiết lập quan hệ hợp tác mật thiết với các tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, Tencent, Alibaba,...
Sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn không chỉ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ, biến các nghiên cứu lý thuyết thành các sản phẩm thực tế, giúp các trường vừa tạo ra những sáng kiến đột phá, vừa giải quyết các bài toán thực tiễn của nền kinh tế.
Đầu tư mạnh mẽ vào R&D đã giúp các đại học Trung Quốc vươn lên trở thành những cái tên nổi bật trên bản đồ giáo dục toàn cầu, không chỉ nâng cao chất lượng học thuật mà còn tạo ra những công trình khoa học đột phá, góp phần giải quyết thách thức toàn cầu; có nhiều bài báo quốc tế, nhiều sáng chế nhanh chóng thăng hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế, đồng thời mang lại nhiều giá trị cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội của đất nước.
Điển hình là Đại học Thanh Hoa nhờ đầu tư mạnh tay vào R&D giúp gia tăng số lượng và chất lượng các công trình nghiên cứu, qua đó nâng cao uy tín và vị thế học thuật trên thế giới, góp phần đưa các trường này vào top các đại học hàng đầu toàn cầu, chỉ số "nguồn lực nghiên cứu" chiếm hơn 30% tổng số điểm của bảng xếp hạng, xếp hạng nhất trong một số lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật hóa học, khoa học máy tính, sinh thái học và khoa học vật liệu, còn giành được 9 giải thưởng khoa học quốc gia lớn, vượt qua tất cả các tổ chức giáo dục đại học khác tại Trung Quốc.
Quốc tế hóa sâu rộng, kết nối trí tuệ toàn cầu
Quốc tế hóa sâu rộng và kết nối trí tuệ toàn cầu được xem là chìa khóa giúp các đại học Trung Quốc học hỏi từ các đại học đẳng cấp thế giới, đồng thời giúp họ nâng cao uy tín, tăng cường sự hiện diện và công nhận toàn cầu.
Các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc không chỉ xây dựng mạng lưới quốc tế mạnh mẽ mà còn tận dụng hiệu quả các mối quan hệ này để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, tạo ra ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng học thuật toàn cầu.
Điển hình như Đại học Thanh Hoa có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đại học hàng đầu thế giới như như MIT, Harvard, và Đại học Oxford để triển khai các dự án nghiên cứu lớn về trí tuệ nhân tạo, khoa học môi trường và kỹ thuật. Họ cũng tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên, giúp sinh viên của mình có cơ hội học tập và nghiên cứu tại các đại học hàng đầu trên thế giới.
Điểm đáng chú ý là để tăng cường tính chất quốc tế hóa, Trung Quốc quốc tế hóa hai chiều mạnh mẽ, nỗ lực thu hút sinh viên nước ngoài đến Trung Quốc học tập, hơn nữa, đó không chỉ là những khóa học ngắn hạn về ngôn ngữ, văn hóa cho người nước ngoài mà ngày càng có nhiều trường đại học đào tạo sinh viên nước ngoài cả trong những ngành học khác và cấp bằng chính quy.
Nhiều trường đang có những tiến bộ vượt bậc trong việc thu hút sinh viên quốc tế. Hàng năm, các trường đại học Trung Quốc đón nhận trên dưới 500.000 du học sinh đến học tập.
Các đại học Trung Quốc không chỉ đón nhận những làn sóng tri thức mới mà còn lan tỏa ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Cụ thể, được đầu tư lớn từ các dự án, Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cơ cấu lại thành cơ sở đào tạo đa ngành, quốc tế hóa sâu rộng. Năm 2018, trường thu hút mới 278 nhân sự cấp cao, gồm cả những người đoạt giải Nobel và chuyên gia kỹ thuật. Năm 2019, mở cơ sở ở Budapest, Hungary, hợp tác với trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, Vương Quốc Anh, hợp tác với trường Y Harvard, Mỹ…
Tóm lại, tham vọng lớn nhưng vì “nhà nghèo, con đông” nên Trung Quốc đầu tư có chiến lược, lựa chọn kỹ lưỡng một số nhóm nhỏ đại học tốt nhất, triển vọng để dồn lực đầu tư tới ngưỡng tạo đà, động lực mạnh mẽ cho các đại học này phát triển bứt tốc, nhanh chóng vươn tầm đẳng cấp thế giới.
Với nguồn lực tài chính dồi dào, các đại học được lựa chọn biến mục tiêu đầy tham vọng của nhà nước thành các nhiệm vụ cụ thể, tiến hành cải cách bạo tay để cải thiện cả phần cứng và phần mềm. Họ đầu tư mạnh tay nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, cải cách nhân sự mạnh mẽ để thu hút nhân tài toàn cầu, đột phá vào R&D tạo bệ phóng cho thăng hạng, quốc tế hóa sâu rộng, kết nối trí tuệ toàn cầu,...
Nhờ đó, các trường đại học này nhanh chóng có được đội ngũ giáo sư và phòng Lab đẳng cấp thế giới, chương trình giảng dạy tiên tiến, cộng đồng sinh viên quốc tế đa dạng, mạng lưới đối tác quốc tế rộng lớn.