Chỉ có 5 nhà máy được thực hiện phá dỡ tàu cũ

Phá dỡ tàu biển cũ để thu hồi sắt thép đã diễn ra từ lâu, song đây là hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần được kiểm soát tốt. Vì thế Bộ GTVT đã xây dựng quy hoạch cho ngành này, theo đó cả nước chỉ có 5 điểm được thực hiện phá dỡ tàu cũ.
Ngành phá dỡ tàu đã qua sử dụng dù tạo ra công ăn việc làm nhưng ảnh hưởng đến môi trường là không nhỏ. Trong ảnh một số tàu cũ không còn sử dụng được neo đậu dọc sông Sài Gòn - Ảnh: Anh Quân
Ngành phá dỡ tàu đã qua sử dụng dù tạo ra công ăn việc làm nhưng ảnh hưởng đến môi trường là không nhỏ. Trong ảnh một số tàu cũ không còn sử dụng được neo đậu dọc sông Sài Gòn - Ảnh: Anh Quân

Theo bản quy hoạch mới được Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) xây dựng, dự kiến sẽ có năm nhà máy có khả năng xử lý chất thải, đảm bảo môi trường được chuyển thành các điểm phá dỡ tàu cũ.

Trong số này có bốn cơ sở tại miền Bắc và một cơ sở tại miền Trung có đủ điều kiện tham gia phá dỡ tàu cũ.

Bộ GTVT ước tính doanh thu phá dỡ tàu cũ dự kiến đến 2020 đạt 4.100 tỉ đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng trên 600 tỉ đồng, nhà nước thu các khoản thuế, lệ phí khoảng 450 tỉ đồng. Ngoài ra, 5 cơ sở này có thể tạo việc làm cho khoảng 900 lao động trực tiếp, hàng nghìn lao động gián tiếp.

Lượng thép phế liệu thu hồi theo quy hoạch dự kiến đạt gần 239.000 tấn thép, đáp ứng khoảng 8% lượng thép phế liệu nhập khẩu hàng năm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết mục tiêu của quy hoạch nhằm quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển đang thực hiện một cách bừa bãi, không có định hướng, không có giấy phép hoạt động, gây ô nhiễm môi trường.

Việc quy hoạch các điểm phá dỡ tàu cũ cũng tận dụng được cơ sở hạ tầng của các nhà máy đóng, sửa chữa tàu hiện có, tạo việc làm, thu nhập, lợi nhuận cho doanh nghiệp và người lao động cũng như cung cấp một phần nguyên liệu phục vụ cho ngành thép.

Hiện nay, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, nhưng để được phá dỡ, doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện như được Bộ GTVT cấp giấy phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ, có vốn pháp định tối thiểu 50 tỉ đồng Việt Nam...

Tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ phải được đưa vào cơ sở phá dỡ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan, thời gian phá dỡ tàu biển không được kéo dài quá 180 ngày kể từ ngày đưa tàu vào cơ sở phá dỡ.

Theo TBKTSG