Câu chuyện thành công không ai ngờ đến của Indonesia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nền kinh tế Indonesia dường như đứng ngoài nỗi lo khủng hoảng bao trùm trên thế giới nhờ nguồn tài nguyên dồi dào.

Năm 2013, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley của Mỹ đã gọi Indonesia là 1 trong số “5 dễ vỡ” - ám chỉ một nhóm gồm các nền kinh tế mới nổi đặc biệt 'nhạy cảm' với việc tăng lãi suất của Mỹ.

Gần một thập kỷ sau, lãi suất của Mỹ đang tăng mạnh, góp thêm nhiều vấn đề kinh tế trong thế giới phát triển. Nhưng Indonesia dường như không bị tác động.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine và khủng hoảng năng lượng, thực phẩm và khí hậu toàn cầu, Indonesia lại trở thành một nước đứng ngoài cuộc, chính trị ổn định và nền kinh tế phát triển bùng nổ.

Nền kinh tế Indonesia phát triển ấn tượng dưới thời Tổng thống Joko Widodo (Ảnh: FT)

Nền kinh tế Indonesia phát triển ấn tượng dưới thời Tổng thống Joko Widodo (Ảnh: FT)

GDP của Indonesia đã tăng 5,4% trong quý 2, so với năm ngoái, vượt trên các con số dự báo. Tỷ lệ lạm phát ở nước này trong tháng 8 là 4,7%, một trong số những nước có chỉ số lạm phát thấp nhất thế giới. Đồng tiền của họ, rupiah, nằm trong số những đồng tiền 'ổn định' nhất châu Á trong năm nay, và thị trường cổ phiếu cũng đạt mức cao kỷ lục.

Quần đảo giàu tài nguyên, đất nước lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 276 triệu dân, đang vượt ngoài tầm ảnh hưởng của giá hàng hóa tăng cao. Trong tháng 8, xuất khẩu tăng 30,2% so với năm ngoái, lên 27,9 tỉ USD. Là nhà sản xuất Niken lớn nhất thế giới, một thành phần quan trọng trong pin xe điện, Indonesia có nhiều tham vọng để thu được lợi ích từ làn sóng bùng nổ xe điện.

Người có công lớn nhất trong đợt phát triển vượt bậc này là Tổng thống Joko Widodo, người vẫn duy trì được uy tín của mình đối với cả những người dân Indonesia và các nhà đầu tư sau 8 năm cầm quyền.

Kết quả thăm dò mà công ty nghiên cứu Indikator Politik Indonesia công bố mới đây cho thấy 62,6% người dân nước này ủng hộ ông Widodo, giảm khoảng 10% so với so với trước lúc ông cắt chương trình trợ giá nhiên liệu, nhưng vẫn đủ để giúp ông trở thành một trong số những nhà lãnh đạo có tỷ lệ ủng hộ cao nhất thế giới.

Làn sóng ủng hộ ông Widodo, còn gọi là “Jokowi”, mạnh mẽ đến nỗi có thời điểm những người ủng hộ ông kêu gọi sửa đổi Hiến pháp để cho phép ông có thêm nhiệm kỳ thứ ba.

Ông Widodo sẽ có cơ hội để thể hiện sự thịnh vượng này với toàn thế giới khi đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11. Ông có kế hoạch tận dụng sự kiện này để thu hút các nhà đầu tư trên khắp thế giới, trong đó bao gồm một kế hoạch đầy tham vọng và gây tranh cãi bậc nhất của ông – dự án 30 tỉ USD để chuyển thủ đô của Indonesia từ Jakarta sang đảo Borneo.

Đồng rupiah của Indonesia gần như không chịu tác động bởi đồng USD mạnh trong năm nay (Ảnh: FT)

Đồng rupiah của Indonesia gần như không chịu tác động bởi đồng USD mạnh trong năm nay (Ảnh: FT)

“Thứ mà chúng tôi muốn xây dựng là một thành phố thông minh của tương lai, hài hoà với thiên nhiên,” ông Widodo nói với Financial Times tại một sự kiện tổ chức tại phủ Tổng thống ở Jakarta. “Điều này sẽ thể hiện được sự chuyển mình của Indonesia.”

Nhưng kể cả khi các nhà đầu tư có đổ tới Indonesia, một số lo ngại về sự bền vững của nó.

Năm tới, chiến dịch vận động bầu cử 2024 sẽ diễn ra trong khi ông Widodo đến giờ vẫn chưa có một ứng viên kế cận, tiếp tục theo đuổi những kế hoạch mà ông đề ra.

“Các thị trường mới nổi thường phát sinh nhiều vấn đề, Indonesia chưa có những vấn đề đó ở thời điểm hiện tại. Nền kinh tế đang vận hành trơn tru,” Kevin O’Rourke, chuyên gia phân tích chính trị và kinh tế ở Jakarta, hiện đang làm việc cho hãng tư vấn Reformasi Information Services, nhận định.

“Chúng ta cách ngày bầu cử 18 tháng và sự kiện đó có thể trở thành sự tương phản trong viễn cảnh dài hạn của Indonesia. Tình hình có thể tốt sau năm 2024, nhưng cũng có thể tệ đi".

Từ “kẻ ngoại đạo” cho tới chiến lược gia sừng sỏ

Cách đây 17 năm, ông Widodo – người sắp đăng cai tổ chức thượng đỉnh G20 – còn là một vị thị trưởng khiêm nhường bắt đầu sự nghiệp ở Solo, Trung Java. Mặc dù vẫn duy trì một số thú vui trước đây, nhưng ông giờ đã trở thành một chiến lược gia chính trị đầy sắc sảo ở cấp độ quốc gia. Từ chỗ là một kẻ ngoài lề trong chính trị, ông Widodo đã định hình một liên minh được gọi là “chiếc lều lớn”, mang cả những người bạn lẫn đối thủ vào trong nội các của mình.

George Yeo, cựu Ngoại trưởng Singapore, gọi đây là “nền dân chủ với đặc tính Java.”

“Nó có nghĩa là: “Chúng tôi sẽ vận động tranh cử cực kỳ ghê gớm, chúng tôi sẽ gọi nhiều cái tên khác nhau, nhưng khi lá phiếu được kiểm và tất cả chúng tôi đều biết tỷ lệ phiếu như thế nào, chúng tôi sẽ hình thành một nội các liên minh…và các bạn cũng có phần trong đó”.”

Theo Yeo, điều này đã giúp tạo nên sự ổn định ở hiện tại cho Indonesia. Một ví dụ cụ thể là Prabowo Subianto Djojohadikusumo, một cựu tướng lĩnh gây tranh cãi từng thực hiện một chiến dịch kiên cường chống lại ông Widodo vào năm 2018, nhưng giờ lại là Bộ trưởng Quốc phòng.

Prabowo Subianto Djojohadikusumo tại một sự kiện ở Jakarta (Ảnh: Reuters)

Prabowo Subianto Djojohadikusumo tại một sự kiện ở Jakarta (Ảnh: Reuters)

Các nhà đầu tư nói rằng sự ổn định chính trị này đã hỗ trợ nền kinh tế. Với mức lạm phát khá thấp, ngân hàng trung ương Indonesia chỉ nâng lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm vào tháng 8 vừa qua, lên mức 3,75%. Các ngân hàng ở nước này vẫn cho vay, xuất khẩu bùng nổ. Bộ luật tạo việc làm (Omnibus law) của ông Widodo đã nới lỏng các quy định về thuê lao động, giúp tăng công ăn việc làm, khuyến khích thêm các khoản đầu tư từ nước ngoài, và một số nhà sản xuất đa dạng hóa dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.

“Các bạn có thể nhìn thấy những thứ mà Indonesia đang xuất khẩu. Có thể kể tên: dệt may, vải vóc, giày dép, máy móc, đồ gỗ, đồ điện tử, xe hơi…những thứ tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Đây là năm thứ hai họ có đà tăng trưởng đạt hai con số,” ông O’Rourke cho hay.

Nhiều nhà kinh tế học thận trọng cho rằng các mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia, như than đá và dầu cọ, vẫn đóng một “vai trò lớn” trong việc thúc đẩy đà tăng trưởng. Giá hàng hóa có thể bắt đầu giảm trong năm nay do các nền kinh tế phương Tây tăng trưởng chậm lại, David Sumual, trưởng kinh tế gia tại Bank Central Asia, Jakarta, nói. “Năm tới sẽ là một năm đầy thách thức,” ông nói. “Đó là lý do mà tôi hạ mức dự báo GDP xuống dưới 5%.”

Lạm phát của Indonesia vẫn ở mức thấp, theo tiêu chuẩn quốc tế (Ảnh: FT)

Lạm phát của Indonesia vẫn ở mức thấp, theo tiêu chuẩn quốc tế (Ảnh: FT)

Lạm phát, vốn được kiềm chế nhờ vào chương trình trợ giá nhiên liệu, có thể tăng trở lại nhanh chóng và đạt mức 8% trong tháng 10, theo Priyanka Kishore, trưởng kinh tế gia khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ đến từ Oxford Economics.

“Ngân hàng trung ương rất có thể sẽ phải đưa ra thêm nỗ lực, và phải thực hiện nhanh chóng, để kiềm chế lạm phát ngay bây giờ,” bà nói.

Tại một khu chợ sầm uất ở trung tâm Jakarta, giá các loại ớt được sử dụng để nấu ra những món ăn đặc sản như 'nasi goreng' đã tăng lên, sau khi chương trình trợ giá nhiên liệu bị cắt giảm tới hơn 50%, gây tác động tới doanh số bán, theo chủ cửa hiệu Arif Rachman. “Tôi thường bán được 5kg ớt, nhưng giờ chỉ còn khoảng 3kg", ông nói.

Indonesia đã đưa ra nhiều hạn chế đối với một số loại hàng hóa, trong đó đánh thuế cao với than đá và niken, khiến các thị trường chao đảo. Nhưng họ cũng hỗ trợ phát triển các lĩnh vực chế biến và tinh chế trong nước.

“Nhìn chung thì mọi thứ vẫn đang diễn ra tốt đẹp,” Eugene Gallbraith, Giám đốc công ty PT Protelindo và là chuyên gia quan sát tình hình doanh nghiệp Indonesia, nói.

Lợi thế về tài sản tự nhiên

Một trong những thành tựu quan trọng của ông Widodo chính là mở rộng cơ sở hạ tầng với quy mô chưa từng thấy ở Indonesia, một đất nước rộng lớn với 17.000 hòn đảo.

Chính phủ của ông đã xây dựng 2.042 km đường thu phí trong vòng 8 năm, trong khi con số này tính trong 40 năm qua chỉ là 780 km; ngoài ra còn có 16 sân bay, 18 cảng biển và 38 con đập mới. Sự chuyển mình này là rất rõ ràng, ngay cả với những người bên ngoài.

“Tôi thấy trước được sự thay đổi. Nhưng không ngờ rằng quy mô của nó lại lớn đến vậy. Tình trạng ách tắc giao thông vẫn còn, nhưng không tồi tệ như trước kia,” cựu Ngoại trưởng Singapore Yeo nói trong một chuyến thăm mới đây đến Indonesia. “Sân bay Jakarta giờ tốt hơn bất kỳ sân bay nào ở Mỹ.”

Nhưng tính đến hiện tại, chính sách công nghiệp đáng chú ý nhất trong nhiệm kỳ hai của ông Widodo là nỗ lực tận dụng trữ lượng niken khổng lồ của Indonesia để tạo nên ngành công nghiệp xe điện trong nước.

Năm 2020, chính phủ Indonesia ban lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel, đẩy nhiều công ty nước ngoài – nhiều trong số chúng là công ty Trung Quốc – vào thế khó khăn.

Mặc dù phần lớn sản phẩm đầu cuối đều được chuyển sang cho công nghiệp thép không rỉ, nhưng mục tiêu của lệnh cấm này là nhằm chiết xuất được thêm chất liệu cấp cao hơn để sử dụng cho chế tạo pin xe điện. Indonesia được dự kiến sẽ trở thành một nguồn cung niken mới đáng kể cho ngành công nghiệp sản xuất xe điện của toàn cầu, nhưng trữ lượng quặng laterite của họ sẽ cần thêm quy trình xử lý.

Hoạt động khai thác nickel tại Morowali Regency, Trung Sulawesi, Indonesia (Ảnh: Bloomberg)
Hoạt động khai thác nickel tại Morowali Regency, Trung Sulawesi, Indonesia (Ảnh: Bloomberg)

Bằng những biện pháp trên, ông Widodo đã giúp nâng giá trị các loại hàng hóa xuất khẩu liên quan tới quặng nickel từ 1,1 tỉ USD cách đây 5 năm lên 20,9 tỉ USD trong năm ngoái.

“Sau khi biện pháp được thực thi, chúng ta có thể xuất khẩu nhiều hơn từ 40 cho đến 60 lần,” ông nói. “Indonesia có trữ lượng nickel lớn nhất thế giới, khoảng 21 triệu tấn, tương đương 30% trữ lượng của toàn thế giới.”

Ông thêm rằng, bước đi tiếp theo có thể là chính sách nhằm tận dụng được trữ lượng bauxite và đồng của Indonesia. Nhu cầu đồng và bauxite, sử dụng để sản xuất nhôm và năng lượng tái sinh, cũng đang tăng trên phạm vi toàn cầu. Trong khi EU đã thách thức chính sách hạn chế xuất khẩu của Indonesia tại WTO, cho rằng chúng hạn chế quyền tiếp cận của các nhà sản xuất châu Âu một cách không công bằng, ông Widodo vẫn không nao núng.

“Nó có thể tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và tạo thêm giá trị thặng dư cho Indonesia,” ông nói.

Indonesia có trữ lượng nickel lớn nhất thế giới (Ảnh: US Geological Survey)

Indonesia có trữ lượng nickel lớn nhất thế giới (Ảnh: US Geological Survey)

Kế hoạch tinh chế quặng của Indonesia thành chất liệu sản xuất pin mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu, trong đó 1 nhà máy tinh chế đã đi vào hoạt động từ tháng 5 năm ngoái, và 7 nhà máy khác sẽ được xây dựng, tất cả đều trên đảo Sulawesi, theo Isabelle Huber, chuyên gia phân tích đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Gần Jakarta, hãng LG Energy Solution và Hyundai Motor Group của Hàn Quốc đang xây dựng nhà máy pin xe điện đầu tiên của Indonesia, trong khi Hyundai đang xây một nhà máy xe điện gần đó. Indonesia nói rằng hãng CATL của Trung Quốc, hãng sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, đã nhất trí đầu tư xây dựng một nhà máy pin xe điện. Ông Widodo cũng cho hay ông đang thuyết phục cả Tesla.

Ông Erick Thohir khẳng định rằng việc cải cách là cấp thiết nếu Indonesia muốn tạo công ăn việc làm cho dân số trẻ (Ảnh: Bloomberg)

Ông Erick Thohir khẳng định rằng việc cải cách là cấp thiết nếu Indonesia muốn tạo công ăn việc làm cho dân số trẻ (Ảnh: Bloomberg)

“Indonesia vẫn có thể trở thành nước đi đầu và họ rất may mắn, họ có trữ lượng nickel lớn nhất,” James Bryson, Giám đốc hãng tư vấn đầu tư PT HB Capital Partners, cho hay.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp niken vẫn có nhiều vấn đề. Quy trình phổ biến nhất trong sản xuất chất liệu sản xuất pin chính là phương pháp tách chiết sử dụng axit áp suất cao (HPAL), vốn sản sinh ra lượng lớn chất thải. Indonesia cấm xả chất thải độc hại này ra biển, trong khi xử lý khô lại rất khó trong môi trường nhiệt đới và có lượng mưa lớn.

Đây có thể là một chướng ngại trong việc cung ứng cho các thị trường phương Tây, ông Bryson nói thêm, bởi các hãng sản xuất pin xe điện của EU và Mỹ “sẽ không hứng thú với những quy trình sản sinh ra chất thải” độc hại như vậy.

Ông Widodo nói chuyện với tỉ phú Mỹ Elon Musk tại bãi phóng của SpaceX ở Boca Chica, Texas trong năm nay (Ảnh: Reuters)

Ông Widodo nói chuyện với tỉ phú Mỹ Elon Musk tại bãi phóng của SpaceX ở Boca Chica, Texas trong năm nay (Ảnh: Reuters)

Vấn vấn đề tiềm ẩn khác là việc sử dụng nhà máy điện than để vận hành các nhà máy xử lý niken. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc bán lượng niken này trên thị trường Mỹ và EU. Các tổ chức môi trường đã kêu gọi Elon Musk không đầu tư vào ngành công nghiệp nickel của Indonesia, vì cho rằng nó gây tổn hại tới môi trường.

Vấn đề về niken cũng chỉ là một phần trong số hàng loạt những lời chỉ trích nhằm vào chính phủ, liên quan tới vấn đề môi trường. Các nhà máy than địa phương đủ sức để cung cấp cho 25% số nhà máy trong vùng với giá rẻ hơn giá thị trường, nhưng điều này gây ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của các dự án năng lượng tái sinh, bao gồm điện mặt trời, của Indonesia.

Những ưu tiên khác của Tổng thống Widodo còn bao gồm cải thiện hệ thống giáo dục và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Ở cả hai lĩnh vực này, ông đều chỉ định những doanh nhân có tiếng vào vị trí điều hành.

Đà tăng trưởng mạnh mẽ của Indonesia được phục hồi sau đại dịch (Ảnh: FT)

Đà tăng trưởng mạnh mẽ của Indonesia được phục hồi sau đại dịch (Ảnh: FT)

Trong lúc mà các nước Đông Nam Á khác, đáng chú ý là Việt Nam, đang thu hút mạnh mẽ các ngành công nghiệp khỏi Trung Quốc, chính phủ của ông Widodo cần phải giúp cho lực lượng lao động của Indonesia trở nên cạnh tranh hơn, và phải hiện đại hóa các công ty nhà nước – vốn nắm giữ lượng tài sản tương đương 50% GDP của nước này.

Bộ trưởng Doanh nghiệp Quốc doanh, Erick Thohir, người từng sở hữu CLB Inter Milan của Italy, nói rằng việc cải cách là hết sức cấp thiết nếu như Indonesia muốn tạo đủ công ăn việc làm cho cộng đồng người trẻ tuổi.

“Nếu nhìn vào dân số Indonesia, 270 triệu. Phần lớn trong số đó là người trẻ tuổi. Nếu họ không có việc làm, một quốc gia lớn như Indonesia sẽ tạo ra nhiều vấn đề cho toàn khu vực,” Thohir nói.

Những điều không tưởng về một thủ đô mới

Tuy nhiên, vấn đề mang tính chất quyết định đối với di sản của ông Widodo – dù tốt dù xấu – vẫn là Nusantara, thủ đô mới. Những người ủng hộ dự án này cho rằng thủ đô thường xuyên chịu tình trạng ngập lụt Jakarta đang chìm dần, với tốc độ 25 cm/năm ở một số khu vực, và rằng Indonesia cần phải tăng cường phát triển ở những khu vực khác ngoài đảo chính Java – hiện chiếm 56% dân số và cả nền kinh tế.

Phối cảnh trên máy tính Phủ Tổng thống mới ở Đông Kalimantan, đảo Borneo (Ảnh: Getty)

Phối cảnh trên máy tính Phủ Tổng thống mới ở Đông Kalimantan, đảo Borneo (Ảnh: Getty)

Nusantara sẽ có kích thước lớn gấp 3,5 lần so với diện tích của Singapore và gấp 4 lần Jakarta. Giai đoạn đầu tiên của dự án – di dời phủ Tổng thống, phủ Phó Tổng thống, các lực lượng vũ trang, cảnh sát và các bộ ngành khác vào năm 2024 – đang được rót vốn bởi chính phủ. Quá trình phát triển được dự đoán hoàn tất vào năm 2045, thời điểm mà Indonesia hy vọng sẽ giành được vị trí nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới.

Bambang Susantono, cựu quan chức Ngân hàng Phát triển Châu Á đã được chỉ định chức Chủ tịch phụ trách Chính quyền Thành phố Thủ đô Nusantara trong năm nay, dự toán kinh phí trong giai đoạn đầu tiên là “hơn 50 nghìn tỉ rupiah (3,3 tỉ USD),” đồng thời khẳng định số tiền này không hoàn toàn lấy từ ngân sách công.

“Chúng tôi đang phát triển nhờ vào ngân sách nhà nước bởi chúng tôi cần tạo ra niềm tin thị trường,” ông nói. “Nhưng khu vực tư nhân cũng sẽ góp vốn.”

Các nhà phê bình phản bác rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Borneo hết sức khó khăn, trong khi di dời hàng chục nghìn binh sĩ và xây dựng các cơ sở quân sự mới cho họ là rất đắt đỏ. Khoảng 80% dự án được cho là lấy vốn từ tư nhân, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Một trong số những bên tư nhân rót vốn lớn nhất, hãng SoftBank của Nhật Bản, đã rút khỏi dự án này trong năm nay.

“Tôi nghi ngờ rằng nó không thể hoàn thiện trong vài năm tới,” Evan Laksmana, chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu đến từ ĐH Quốc gia Singapore, cho hay.

Nhiều người khác cho rằng ông Widodo sẽ đưa dự án này tới một điểm nào đó. “Nusantara sẽ trở nên quá lớn để có thể thất bại,” Fajar Hirawan, nhà nghiên cứu đến từ phòng Kinh tế của CSIS, nói.

Nhưng ông Widodo vẫn khẳng định rằng sự cấp thiết phải xây dựng thủ đô mới là không thể chối bỏ.

Thủ đô mới là điều cần thiết để đảm bảo rằng sự phát triển sẽ vượt ra khỏi Java “nhờ đó mà tất cả người dân mới có thể thụ hưởng sự tiến bộ”, ông nói.

Theo Financial Times