Nguyễn Huy Viện
Nguyễn Huy Viện

Chuyên gia

Cần sớm loại bỏ giấy phép con và sự chồng chéo, xung đột của các văn bản pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Muốn cải cách tư pháp mang lại hiệu quả để loại bỏ cả “rừng” giấy phép con, khắc phục được sự chồng chéo của hệ thống văn bản pháp luật, mở đường cho doanh nghiệp phát triển, tạo nền tảng cho đất nước phát triển đột phá, trước hết phả xử lý các “lô cốt” ở các bộ, ngành và các địa phương.

Sau 3 năm đảm nhiệm cương vị đứng đầu Chính phủ, với quyết tâm “xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính” bằng sự xông xáo quyết liệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo được chuyển biến bước đầu đối với nền quản trị quốc gia và mang lại những kết quả tích cực đối với sự phát triển của đất nước. Điều này được đông đảo nhân dân ghi nhận. Tuy nhiên đến nay, sự vận hành của bộ máy công quyền vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Thủ tướng, của người dân và của cộng đồng doanh nghiệp.

Một trong những tồn tại lớn nhất của bộ máy công quyền là chưa gỡ được hết các nút thắt đang ngày ngày cản trở quá trình ra đời, kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Đồng nghĩa đó cũng là những nút thắt cản trở sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế Quốc gia.

Trong số các nút thắt đó, có hai nút thắt có thể nói là cản trở lớn nhất đối với doanh nghiệp, đó là vấn nạn giấy phép con và sự chồng chéo, xung đột của các văn bản pháp luật. Mặc dù Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ hai nút thắt này, nhưng đến nay đây vẫn là hai lực cản lớn nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Không chỉ cấp bộ ngành mà cấp vụ, cục cũng lạm dụng ban hành giấy phép con. Tình trạng này đã được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ ra: “…ở Bộ Y tế, 1 văn bản của Cục An toàn thực phẩm ban hành nhưng cả nước phải theo. Vậy thẩm quyền ai ban hành cái này? Ta phải xác định rõ thẩm quyền, không phải một lãnh đạo của cục, vụ ban hành văn bản mà cả nước phải thực hiện, rào cản vô cùng nhiều, 'rế cao hơn nồi'". Từ sự tréo ngoe đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ yêu cầu “Những trường hợp này phải xem xét, "bắt tận tay day tận trán" và đưa lên báo chí chứ không để tự tung tự tác”. [1].

Ảnh minh họa: eChip
Ảnh minh họa: eChip

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đến năm 2019 vẫn có tới 55% doanh nghiệp vẫn phải chi phí không chính thức cho bộ máy công chức; một bộ phận lớn doanh nghiệp phải bôi trơn, với chi phí chiếm tới 10% tổng doanh thu. Có tới 20 điểm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu.

Với quyết tâm gỡ bỏ 2 điểm nghẽn trên đây, đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng, Chính phủ; ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

Với việc thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, hy vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ bao quát và trực tiếp chỉ đạo rà soát để loại bỏ cả “rừng” giấy phép con đang hàng ngày, hàng giờ hành người dân và doanh nghiệp. Đồng thời đề xuất Quốc hội sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật, chứ không giao về các bộ tự sửa đổi các văn bản pháp luật như từ trước tới nay. 

Nếu cứ để mỗi bộ tự chủ trì sửa luật của ngành mình thì vẫn là tình trạng mỗi bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”, và tất yếu sẽ bị chi phối bởi lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, từ đó tìm mọi cách giữ lại cơ chế xin cho. Mặt khác, nếu để từng bộ soạn thảo, sửa luật thì văn bản pháp luật cũng chỉ bó hẹp dưới nhãn quan của bộ mỗi ngành. Với tình trạng như vậy thì khó mà xóa được vấn nạn giấy phép con và sự chồng chéo, xung đột của các văn bản pháp luật.

Những khó khăn, cản trở và chậm chạp trong cuộc chiến loại bỏ giấy phép con của các bộ ngành và sửa đổi các văn bản pháp luật trong những năm vừa qua đã khẳng định lo ngại trên đây là có cơ sở. Bởi vậy, việc triển khai thực hiện chủ trương Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ vừa cần thiết vừa cấp bách.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng tình trạng các bộ ngành ào ạt ban hành giấy phép con, lúc cao điểm có gần 7.000 giấy phép con tồn tại, nhưng khi Thủ tướng yêu cầu loại bỏ giấy phép con thì lại thực hiện nhỏ giọt, chậm chạp và rất khó khăn. 

Ảnh minh họa: QĐND
Ảnh minh họa: QĐND

Nguyên nhân của tình trạng này là do thể chế kinh tế còn nhiều bất cập và chưa gắn liền đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII đã chỉ ra: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ". Trên cơ sở đánh giá đó, nhiệm vụ tổng quát giai đoạn 2016 - 2021, Đại hội XII nhấn mạnh: “đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, có bước đi phù hợp trên các lĩnh vực, nhất là giữa kinh tế và chính trị”. [2] 

Về luật pháp, Điều 33 Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: "Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm."

Như vậy không chỉ Thủ tướng quyết liệt trong xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính để mở đường cho doanh nghiệp phát triển mà quan điểm Đại hội Đảng XII cũng rất thẳng thắn, rõ ràng. Không những vậy, quyền tự do kinh doanh của người dân cũng đã được hiến định. 

Nhưng xem ra nhiều bộ ngành và địa phương vẫn chưa quán triệt thấu đáo và chưa quyết tâm triển khai thực quan điểm của Đại hội Đảng, nội dung của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh của người dân và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cải cách bộ máy hành chính. Phải chăng sức ì này là do sự níu kéo của cơ chế xin - cho, của  quyền - tiền từ trong tư duy của một bộ phận quan chức ở các bộ ngành và các địa phương?

Có thể khẳng định, nguyên nhân của tình trạng trì trệ, của các rào cản đối với doanh nghiệp là do lãnh đạo của không ít bộ ngành, địa phương nặng về co kéo quyền lợi. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chưa hề có một vị lãnh đạo bộ ngành, địa phương nào bị xử lý trách nhiệm (ngoại trừ lãnh đạo các bộ, địa phương tham nhũng hoặc liên quan đến các vụ án kinh tế).

Vì vậy muốn cải cách tư pháp mang lại hiệu quả để loại bỏ cả “rừng” giấy phép con, khắc phục được sự chồng chéo của hệ thống văn bản pháp luật, mở đường cho doanh nghiệp phát triển, tạo nền tảng cho đất nước phát triển đột phá, trước hết phả xử lý các “lô cốt” ở các bộ ngành và các địa phương.

[1]. Hạn chế để cục, vụ ban hành văn bản rồi bắt cả nước thực hiện

[2]. Tiếp tục đổi mới đồng bộ thể chế chính trị và thể chế kinh tế