Cụ thể, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN không chỉ là giải quyết một vấn đề mà cần đạt đồng thời nhiều mục tiêu, như ổn định tỷ giá, giảm lãi suất.
Các giải pháp điều hành chính sách của NHNN đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Dù vậy, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2023 vẫn thấp. Theo lãnh đạo NHNN, nguyên nhân chủ yếu là do: Cầu tín dụng của nền kinh tế giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp đối với nhóm bất động sản.
NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Lãnh đạo NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tích cực tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, kết nối trực tiếp với từng khách hàng để cân nhắc tăng hạn mức tín dụng. “Thời gian tới, NHNN sẽ cân nhắc các điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành”, bà Hồng nói.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Tp. HCM Phan Văn Mãi cho biết, việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới có ý nghĩa rất lớn, giúp kích cầu người mua, giúp doanh nghiệp bất động sản có thanh khoản, qua đó, kéo theo sự phục hồi và phát triển của nhiều ngành nghề liên quan tới bất động sản.
Ông Phan Văn Mãi kiến nghị, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, có thêm các gói cho vay mua nhà.
Đồng thời, để tạo động lực mới, thúc đẩy phát triển kinh tế Tp. HCM, ông Mãi đề nghị NHNN theo dõi, phát triển trung tâm tài chính; giúp TP.HCM xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. TP.HCM sẵn sàng nhận thí điểm cơ chế mới, mô hình mới thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,28 triệu tỉ đồng
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay, tới hết ngày 27/4, huy động vốn của các ngân hàng đạt 12,4 triệu tỉ đồng. Thanh khoản hệ thống dồi dào, các ngân hàng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế. Tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,28 triệu tỉ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến hết quý 1/2023, khu vực Đông Nam bộ với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh tổ chức tài chính, phòng giao dịch, quỹ tín dụng nhân dân huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022.
Tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, huy động vốn vẫn thấp hơn mức tăng chung của cả nước 1,24% và tín dụng vẫn thấp hơn mức tăng chung cả nước là 2,61%./.