Cận cảnh CASA của các ngân hàng trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo khảo sát của VietTimes, có tới 21/27 ngân hàng niêm yết ghi nhận đà sụt giảm tỷ lệ CASA trong năm 2022. MBBank cũng soán ngôi Techcombank để trở thành quán quân về tỷ lệ CASA tại thời điểm cuối năm 2022.

Trong báo cáo Nhìn lại 2022 & Triển vọng thị trường vốn 2023, FiinGroup cho biết, từ tháng 9/2022, dưới áp lực tỷ giá và lạm phát, các ngân hàng không còn tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, buộc phải nâng lãi suất huy động và chịu lãi suất liên ngân hàng cao để đảm bảo thanh khoản. Lãi suất huy động có lúc lên đến hơn 10% cho kỳ hạn 12 tháng ở một số ngân hàng.

Khảo sát tại 27 ngân hàng đang niêm yết của VietTimes cho thấy, số dư tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng ở phần lớn các nhà băng có chiều hướng suy giảm trong năm 2022. Thay vào đó, lượng tiền gửi có kỳ hạn của khách hàng ở các nhà băng lại ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng cao, thị trường bất động sản và trái phiếu có nhiều biến động.

Các chuyển dịch vừa nêu phần nào đã tác động tới tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở các ngân hàng trong năm 2022.

Theo thống kê của VietTimes, tính tới cuối năm 2022, có tới 21/27 ngân hàng niêm yết trên hệ thống ghi nhận đà sụt giảm tỷ lệ CASA (tạm tính theo lượng tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi), với mức giảm từ 0,3 – 13,6% so với năm 2021.

Trong đó, Techcombank, MBBank, VietcombankMSB vẫn là 4 ‘ông lớn’ dẫn đầu về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, tuy nhiên thứ tự trong bảng xếp hạng thì có sự thay đổi so với năm 2021.

Nhà băng dẫn đầu về tỷ lệ CASA 2 năm liên tiếp là Techcombank đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng tiền gửi không kỳ hạn trong năm 2022, qua đó để tuột mất vị trí quán quân vào tay của MBBank.

Tính đến cuối năm 2022, số dư tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank đạt 132.461,8 tỉ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, tỷ lệ CASA giảm mạnh từ mức kỷ lục 50,5% đầu năm 2022 xuống mức 36,9%. Techcombank cũng là ngân hàng có mức giảm tỷ lệ CASA mạnh nhất trong năm qua.

Tương tự, tỷ lệ CASA ở MBBank cũng sụt giảm từ 44,5% cuối năm 2021 xuống mức 37,6%, tương ứng với số dư tiền gửi không kỳ hạn đạt 167.267,5 tỉ đồng. Song, mức giảm của MBBank nhỏ hơn nhiều so với mức giảm của Techcombank đã giúp MBBank lấy lại vị thế dẫn đầu sau nhiều năm bị vượt mặt.

Trong số các nhà băng quốc doanh đang niêm yết, Vietcombank ghi nhận tăng trưởng số dư tiền gửi không kỳ hạn nổi bật trong năm 2022, với mức tăng 9,4%. Tại thời điểm 31/12/2022, số dư tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank đạt mức 402.530 tỉ đồng, tương ứng với tỷ lệ CASA đạt 32,3%.

MSBACB ghi nhận tỷ lệ CASA lần lượt giảm 4,4% và 3,1% so với năm trước. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tại cuối năm 2022 của hai ngân hàng này lần lượt đạt 34.736,9 tỉ đồng và 90.292 tỉ đồng.

Trong khi đa số ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm thì vẫn có tới 5 nhà băng ghi nhận tỷ lệ này tăng trong năm 2022, bao gồm VietinBank (19,5%), PG Bank (17,4%), SeABank (9,2%), Bac A Bank (7,1%), VietBank (6,7%)./.