Cải tạo đảo, đá trái luật pháp quốc tế đe dọa nghiêm trọng Biển Đông Á

Tại Đại hội Biển Đông Á lần 5 khai mạc chiều 16/11 tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: “Việc xây dựng, cải tạo đảo đá trên quy mô lớn trái luật pháp quốc tế đã đe dọa nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên, môi trường của Biển Đông Á!"
Trung Quốc đã cải tao, mở rộng Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo trái phép với diện tích rộng nhất tại Trường Sa, có đường băng dài 3.000m
Trung Quốc đã cải tao, mở rộng Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo trái phép với diện tích rộng nhất tại Trường Sa, có đường băng dài 3.000m

Với chủ đề “Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương – Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các Biển Đông Á sau năm 2015”, Đại hội Biển Đông Á lần 5 đã thu hút sự tham dự của hơn 600 đại biểu là các Bộ trưởng và đại diện 11 quốc gia thành viên, 02 quốc gia không thành viên Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) cùng các quan chức, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, doanh nghiệp… trong nước và quốc tế.

Cải tạo đảo, đá trái luật pháp quốc tế đe dọa nghiêm trọng Biển Đông Á ảnh 1
Đại hội Biển Đông Á lần 5 khai mạc trọng thể chiều 16/11 tại Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội, bà Mary Seet-Cheng, Chủ tịch Hội đồng Đối tác Biển Đông Á nêu rõ, Liên hợp quốc đã thông qua chương trình nghị sự phát triển bền vững sau năm 2015 và các vùng biển Đông Á là khu vực rất quan trọng trong chương trình nghị sự này. Chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã chỉ ra 17 mục tiêu, trong đó có đến 14 mục tiêu liên quan đến phát triển kinh tế biển, quản lý nước và môi trường.

Đại hội Biển Đông Á lần 5 có mục đích nâng cao sự hiểu biết về môi trường cho hơn 1,9 tỉ người trong khu vực. Châu Á – Thái Bình Dương có mục tiêu chung phát triển bền vững và các nước Đông Á cũng đã thông qua cam kết về đảm bảo phát triển bền vững, từ các vị lãnh đạo cao nhất của các quốc gia đến sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương, các chuyên gia, học giả và người dân.

Theo bà Pratibaha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam và Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đại dương và các khu vực ven biển là những thành tố rất quan trọng trong phát triển bền vững và nâng cao đời sống người dân. Đây là khu vực đóng vai trò hết sức to lớn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành thủy sản và du lịch. 80% lượng cá, hải sản được khai thác từ khu vực này.

“Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguồn tài nguyên biển của các nước khu vực Đông Á đang gặp phải nhiều thách thức. Đặc biệt, sự suy thoái môi trường biển đã tác động đến sự phát triển bền vững. Điều đó đòi hỏi phải có những hành động hết sức kịp thời” – bà Pratibaha Mehta nêu rõ.

Cải tạo đảo, đá trái luật pháp quốc tế đe dọa nghiêm trọng Biển Đông Á ảnh 2
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Việc xây dựng, cải tạo đảo, đá trên quy mô lớn, trái quy luật, trái luật pháp quốc tế đã đe dọa nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên, môi trường của đại dương thế giới và của biển Đông Á" (Ảnh: HC)

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, biển và hải đảo có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng, về phát triển KT-XH và giao thương của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, biển Đông Á chiếm khoảng 50% khối lượng hàng hóa đường biển thế giới lưu thông trên tuyến hàng hải nối với châu Âu.

Trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang cạn kiệt, không gian kinh tế truyền thống trở nên chật chội, nhiều quốc gia đang hướng ra biển để tìm kiếm, khai thác các nguồn tài nguyên nhằm bảo đảm các nhu cầu về nguyên, nhiên liệu, năng lượng, thực phẩm… Tuy nhiên trong những năm qua đã xảy ra tình trạng khai thác, sử dụng quá mức, thậm chí hủy diệt các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguồn tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái, đã xả thải gây ô nhiễm môi trường biển.

“Những tác động xấu do hoạt động của con người, nhất là việc xây dựng, cải tạo đảo, đá trên quy mô lớn, trái quy luật, trái luật pháp quốc tế đã đe dọa nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên, môi trường của đại dương thế giới và của biển Đông Á, ảnh hưởng tới an ninh hàng hải và chủ quyền của mỗi quốc gia, tới cuộc sống của chúng ta” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ.

Từ đó Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, việc phòng chống ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên, môi trường và các hệ sinh thái biển để phục vụ phát triển bền vững không chỉ cần nỗ lực của mỗi quốc gia mà còn cần sự chung tay của nhiều quốc gia, đặc biệt là của các quốc gia ven biển. Ông đề nghị các bên liên quan cần nỗ lực xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở các vùng biển Đông Á.

Cải tạo đảo, đá trái luật pháp quốc tế đe dọa nghiêm trọng Biển Đông Á ảnh 3
Bà Mary Seet-Cheng, Chủ tịch Hội đồng Đối tác Biển Đông Á tặng quà lưu niệm cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cám ơn những đóng góp của Việt Nam cho PEMSEA (Ảnh: HC)

Tăng cường hợp tác toàn diện, sâu rộng về biển, về bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản của biển Đông Á trên bình diện song phương, đa phương, thông qua các tổ chức quốc tế, đặc biệt là PEMSEA vì mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, vùng ven biển và hải đảo.

Đồng thời thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á và các cam kết quốc tế liên quan tới phát triển bền vững biển, vùng ven biển và hải đảo, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia giải quyết các vấn đề có tính khu vực. Xây dựng nền kinh tế xanh theo tiêu chí đại dương xanh, hành tinh xanh trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển bền vững biển Đông Á.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, tại Diễn đàn Bộ trưởng trong khuôn khổ Đại hội Biển Đông Á lần 5, các Bộ trưởng và đại diện 11 quốc gia thành viên PEMSEA và 02 quốc gia không thành viên PEMSEA sẽ thảo luận về tầm nhìn cho phát triển bền vững các vùng biển Đông Á sau năm 2015 hướng tới “Đại dương, con người, nền kinh tế khỏe mạnh” và ký kết bản Thỏa thuận Đà Nẵng về Chiến lược phát triển bền vững Biển Đông Á.

Theo Infonet