Hồ nhân tạo Dishui ở đặc khu Lingang (Ảnh: Bloomberg) |
Lingang, một dải đất rộng 120 km vuông nằm ở Đông Nam thành phố Thượng Hải có kích thước tương đương 1/6 diện tích của Singapore, được kỳ vọng là khu thương mại tự do hàng đầu của đất nước tỉ dân với nguồn 'cảm hứng' từ mô hình thành công của Singapore và Dubai.
Nó cũng được tin rằng sẽ trở thành trung tâm mới của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy sự đổi mới và giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc và ngành công nghệ nước ngoài. Niềm tin ấy phần nào được củng cố bởi dòng vốn đầu tư hàng tỉ USD đổ về Lingang sau 3 năm mở cửa.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi về sự thành công của Lingang - với tư cách là 'Thung lũng Silicon' mới của Trung Quốc - trong tương lai, bất chấp kinh nghiệm phong phú của quốc gia này trong việc xây dựng các đặc khu thương mại và công viên công nghệ để thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại và căng thẳng địa chính trị gây ảnh hưởng tới lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, Lingang khả năng sẽ gặp khó trong việc thu hút nguồn vốn tư nhân và các nhân tài.
“Chúng ta có thể nhận thấy làn sóng phản đối toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ,” Aoping Zhang, Hiệu trường Viện Nghiên cứu Zengliang ở Bắc Kinh, nói về thách thức của Lingang.
Lingang, cách trung tâm Thượng Hải khoảng 90 phút đi xe, đến nay đã thu hút được tổng cộng 62 tỉ USD vốn đầu tư đổ vào khoảng 300 dự án công nghiệp chủ chốt như xe điện và chế tạo chip, theo báo cáo của truyền thông nhà nước, chủ yếu nhờ thuế ưu đãi, thương mại xuyên biên giới được gỡ bỏ nhiều hạn chế, dòng tiền đổ về và vị trí địa lý gần với cảng hàng hóa lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, nếu loại trừ Tesla – công ty đã khởi động nhà máy mới ở Lingang vào năm 2019 – thì những nhà đầu tư lớn nhất tại trung tâm này chủ yếu là những tên tuổi trong nước, như Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC), công ty trí tuệ nhân tạo (AI) SenseTimes và công ty công nghệ Contemporary Amperex Technology. Các công ty đa quốc gia cỡ bự không nằm trong danh sách đầu tư, do Mỹ ngày càng tăng những nỗ lực hạn chế nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc.
Bên trong một xưởng sản xuất tại Lingang (Ảnh: Bloomberg) |
Hiện tại, Lingang được cho là vẫn thiếu những nhà khoa học và kỹ sư mà họ đang cố gắng thu hút, do thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản và tiện nghi khác như căn hộ, trường học và giao thông công cộng. Nhiều người đang làm việc ở Lingang – bao gồm nhân công tại nhà máy và nhân viên quản lý – đều sống sát nhà máy nơi họ làm việc hoặc ở các quận gần đó.
Đại công trường
Trong một chuyến thăm do chính quyền tổ chức mới đây, Lingang vẫn là một khu công nghiệp ngổn ngang với những công trường xây dựng dang dở và rất ít khách bộ hành.
Gần trung tâm thành phố - một hồ nước nhân tạo lớn có kích thước bằng 780 sân bóng đá tiêu chuẩn – một con đường lớn với những hàng cây, bãi cỏ mới được trồng, các khu tổ hợp thương mại gần như không bóng người qua lại.
Công trường xây dựng một khu dân cư ở Lingang (Ảnh: Bloomberg) |
“Lợi thế lớn nhất của Lingang chính là, nó tạo ra những cơ hội công nghiệp khá lớn. Nó là mảnh đất đang “hot”,”Li Jian, chuyên gia nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói. Nhưng “những nhân tài chất lượng cao lại đòi hỏi chất lượng sống và làm việc cao hơn. Về khía cạnh này, vẫn còn nhiều khoảng trống ở Lingang cần được lấp đầy.”
Thượng Hải vốn dạn dày kinh nghiệm trong việc chuyển đổi những vùng đất hẻo lánh thành những trung tâm thương mại sôi động. Phố Đông, khu vực nằm ở phía Đông Thượng Hải, từ chỗ là một vựa lúa giờ phát triển thành một quận tài chính vượt trội chỉ sau 3 thập kỷ. Nó cũng bao gồm cả Zhangjiang, công viên công nghệ hiện có nhiều công ty đa quốc gia.
Thượng Hải đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng cho Lingang: Nó sẽ trở thành nhà của khoảng 1.000 công ty công nghệ cao, 100 tổ chức nghiên cứu và phát triển được các công ty bảo trợ, và 8 phòng thí nghiệm có sức cạnh tranh tầm cỡ quốc tế vào năm 2025. Giá trị của ngành công nghiệp chế tạo chip của thành phố này sẽ vượt mốc 100 tỉ NDT (14 tỉ USD), tức gấp 10 lần so với năm 2021.
Nhưng thách thức mà Lingang phải đối mặt rõ ràng lớn hơn nhiều so với trước đây, khi đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại và vị thế của quốc gia này cũng đã có ít nhiều thay đổi.
“Các công ty công nghệ lớn không xuất hiện là do chỉ có ít bất động sản trở nên sẵn có. Môi trường tổng quan quan trọng hơn nhiều,” Andy Xie, nhà kinh tế học độc lập tại Thượng Hải nói. “Thượng Hải đang đặt cược vào nó. Sẽ phải mất thời gian dài để đạt hiệu quả.”
Tính đến nay, những thách thức đang tăng cũng không khiến chính quyền lùi bước.
Lingang nhìn từ trên cao (Ảnh: Bloomberg) |
Ưu tiên hàng đầu của họ là xây thêm nhiều căn hộ và tiện ích để phục vụ khoảng 800.000 cư dân vào năm 2025, theo các tuyên bố mà chính quyền và truyền thông nhà nước đưa ra. Gần 2 triệu mét vuông đất đã được quy hoạch để phát triển khu dân cư chỉ tính riêng trong năm nay, chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích đất mới để xây dựng nhà ở tại Thượng Hải trong năm 2022.
Để thu hút thêm nhân tài, trong tháng trước chính quyền thành phố cũng hạ thấp ngưỡng mua bất động sản. Quan trọng hơn, chính quyền cho hay họ sẽ trao hộ khẩu cho những người tốt nghiệp bằng cao đến từ các trường đại học hàng đầu.
Nỗ lực giải quyết những mối quan ngại về khả năng kết nối, chính quyền thành phố cũng cam kết mở rộng mạng lưới giao thông nối đến các vùng ngoại ô, bao gồm cả Lingang, hiện chỉ có duy nhất một tuyến đường kết nối bằng tàu điện ngầm. Một tuyến đường sắt dài 26 km kết nối Lingang với sân bay quốc tế Phố Đông hiện đang được lên kế hoạch xây dựng.
“Lingang có thể có đủ tiềm năng để phát triển thành một trung tâm công nghệ trong dài hạn. Nhưng đó là một nhiệm vụ khó khăn”, Pan Jiang, nhà quản lý quỹ Kandao Asset Management có trụ sở tại Thượng Hải, nói./.
Thâm Quyến mở đường cho tham vọng siêu cường AI của Trung Quốc
Cơ hội lớn cho Việt Nam khi các công ty công nghệ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc
Để có một Thung lũng Silicon tiếp theo…
Loạt 'thung lũng silicon' trong kỳ vọng ở Việt Nam
Theo Bloomberg