Cách Golden Gate, FRT, MWG “bành trướng” thời đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, FRT, MWG hay Golden Gate đều tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng từ năm 2020 tới nay. Mô hình hồi phục chữ K đang chờ đợi họ khi dịch qua đi.
Một cửa hàng Điện Máy Xanh Supermini (Ảnh: MWG)
Một cửa hàng Điện Máy Xanh Supermini (Ảnh: MWG)

Có nhiều mô hình để mô tả về sự hồi phục của nền kinh tế sau cuộc khủng khoảng do Covid-19 dựa vào một số chữ cái như: V (suy giảm nhanh, phục hồi nhanh), U (suy thoái kéo dài, phục hồi chậm), W (phục hồi rồi lại sụt giảm theo sự bùng phát của dịch bệnh), L (suy thoái mạnh và đi ngang ở đáy).

Sau hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh, các nhà kinh tế đã đưa ra một mô hình mới được cho là phù hợp hơn, đó là "phục hồi theo kiểu chữ K".

Nét sổ thẳng của chữ K ám chỉ tình trạng kinh tế suy thoái đột ngột. Hai nét xiên chéo cho thấy tình trạng phục hồi trái ngược nhau, tùy thuộc vào từng lĩnh vực và từng doanh nghiệp.

Sự hồi phục ở các doanh nghiệp sẽ rất khác nhau trong cùng một ngành, khi các doanh nghiệp lớn sẽ tranh thủ chiếm lĩnh thêm thị phần nhờ lợi thế về quản trị và dòng tiền, còn các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Một sự hồi phục như thế đang dần được hình thành trong các lĩnh vực bán lẻ và nhà hàng tại Việt Nam.

Năm ngoái, Golden Gate đã thâu tóm nhiều mặt bằng trống, có vị trí đẹp do các công ty khác bỏ lại để mở mới thêm 29 cửa hàng. ‘Ông trùm’ chuỗi cửa hàng ăn uống này cũng đặt mục tiêu mở thêm 69 cửa hàng trong năm 2021.

Lưu ý rằng, lĩnh vực ăn uống là một trong những ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do các biện pháp giãn cách nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với các đại gia bán lẻ như CTCP Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG) và FPT Retail (Mã CK: FRT), sự linh hoạt đến từ việc họ một mặt thúc đẩy mở rộng các chuỗi bán lẻ trong các lĩnh vực thiết yếu như lương thực, thực phẩm và thuốc, đồng thời cải thiện hiệu suất kinh doanh của các chuỗi bán hàng điện tử khi doanh thu sụt giảm. Việc sở hữu các chuỗi cửa hàng rộng khắp cũng là một lợi thế để đẩy mạnh hoạt động bán hàng online.

Khi nhiều cửa hàng Điện Máy Xanh buộc phải đóng cửa, MWG đã đẩy mạnh phát triển chuỗi Điện Máy Xanh Supermini (ĐMS) có quy mô nhỏ và dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn. Trong 7 tháng đầu năm 2021, MWG đã mở mới hơn 250 cửa hàng ĐMS.

Trong báo cáo mới đây, BVSC cho biết, biên gộp 2 chuỗi Thế giới di động và Điện Máy Xanh của MWG được cải thiện nhờ vào (1) cơ cấu sản phẩm bán hàng thuận lợi hơn, cụ thể nhóm sản phẩm gia dụng có biên lợi nhuận tốt và (2) vị thế của công ty tiếp tục được cải thiện nhờ mạng lưới mở rộng, đặc biệt với mô hình DMS giúp tiếp cận gần hơn với nhóm khách hàng mới cho các nhãn hàng.

Trong khi đó, doanh thu chuỗi Bách Hoá Xanh tiếp tục tăng trưởng 41% so với cùng kỳ nhờ duy trì chiến lược mở mới với tốc độ phù hợp hơn. MWG tập trung mở rộng các cửa hàng hiện hữu, cụ thể là ưu tiên phát triển mô hình 500m2, từ đó nâng cao chất lượng doanh thu cửa hàng, tối ưu chi phí vận hành cố định.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu đẩy mạnh nâng cấp, doanh thu bình quân của chuỗi phần nào bị ảnh hưởng khi các cửa hàng được nâng cấp phải ngưng hoạt động khoảng 3-4 tuần.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail (Mã CK: FRT) cũng bắt đầu có lãi trong nửa đầu năm 2021. Năm ngoái, PRT đã mở mới 130 cửa hàng Long Châu. Công ty này dự kiến mở mới thêm 150 - 200 cửa hàng trong năm nay.

Cùng với chuỗi Long Châu, lĩnh vực bán buôn laptop của FRT cũng được hưởng lợi do nhu cầu học tập và làm việc online. Song, lưu ý rằng, doanh thu từ 2 lĩnh vực này mới chỉ chiếm 30% doanh thu của FRT./.