Theo CNN, dữ liệu thuế được OECD thu thập tại các nước từ năm 2014, bao gồm các loại thuế liên bang, tiểu bang và địa phương, trong đó có thuế thu nhập và thuế nhà đất, cùng các loại thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Theo trung bình, các nước phát triển là thành viên của OECD có tổng tiền thu từ thuế chiếm 34,4% GDP.
Đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia phát triển đóng thuế cao là Đan Mạch, với tổng số tiền thu từ thuế chiếm 50,9% GDP. Pháp, Bỉ, Phần Lan và Ý là 4 nước tiếp theo nằm trong top năm, với tỷ lệ tiền thu từ thuế lần lượt là 45,2%, 44,7%, 43,9% và 43,6% so với GDP.
Các nước đứng liền sau top 5 lần lượt là: Áo, Thụy Điển, Na Uy, Iceland, Hungary, Luxembourg, Hà Lan, Slovenia, Đức, Hy Lạp. Tất cả 20 vị trí đầu danh sách đóng thuế cao, trên mức trung bình của OECD, đều là các nước châu Âu.
Những cái tên châu Âu đóng thuế cao khác trong danh sách này bao gồm: Bồ Đào Nha, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Estonia, Anh, New Zealand, Ba Lan, Israel, Slovakia có mức tiền thuế chiếm khoảng từ 31% đến 34% trong GDP. Cụ thể, nước Anh đứng thứ 20 và Thụy Sĩ đứng thứ 30, với tỷ lệ tổng tiền thu từ thuế so với GDP lần lượt là 32,6% và 26,6%.
Mỹ có mức thuế thấp đáng ngạc nhiên so với các nước phát triển khác, vì nước này không đánh thuế giá trị gia tăng đối với người dân mà thay vào đó, thuế doanh thu bán lẻ được áp ở các cấp độ khác nhau ở cấp tiểu bang và địa phương. Nền kinh tế lớn nhất thế giới có tổng tiền thu từ thuế chiếm 26% GDP, đứng thứ 31.
Một quốc gia Bắc Mỹ khác là Canada có tỷ lệ tổng tiền thu từ thuế trên GDP là 30,8%. Chile và Mexico ở Nam Mỹ đều có khoảng 19% GDP là tiền thu được từ các loại thuế. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đại diện châu Á thành viên OECD, đứng vị trí 26 và 32 trong bảng xếp hạng. Số tiền thu từ thuế ở Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 28,7% GDP nước này.
Theo Thanh Niên