Hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua tại Bangkok của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được kỳ vọng sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán trong năm nay về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực 16 quốc gia (RCEP).
Tuyên bố cuối cùng của Chủ tịch ASEAN tối 3/11 cho biết, nhóm 10 quốc gia đã nhất trí cam kết ký Hiệp định RCEP vào năm 2020.
“Điều này sẽ góp phần đáng kể vào một hệ thống thương mại quốc tế mở cửa, toàn diện và nguyên tắc, đồng thời mở rộng các chuỗi giá trị”.
Động lực mới để đạt được thỏa thuận đến từ việc mức tăng trưởng kinh tế khu vực xuống thấp nhất trong 5 năm do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường gặp gỡ các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, kết luận sớm của các cuộc đàm phán RCEP sẽ đặt nền tảng cho hội nhập kinh tế Đông Á.
Thế nhưng, phát biểu khai mạc tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thậm chí không đề cập đến các cuộc đàm phán RCEP mà thay vào đó chỉ nói về việc xem xét thỏa thuận thương mại hiện có giữa ASEAN và Ấn Độ.
Ông Modi cũng không đề cập đến khối thương mại chung mà 16 quốc gia sẽ chiếm một phần ba tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới sau khi gặp các nhà lãnh đạo Thái Lan và Indonesia.
Các nước Đông Nam Á đã hy vọng có ít nhất một thỏa thuận tạm thời sẽ được công bố vào ngày hôm nay 4/11. Nhưng Ấn Độ còn đang lo lắng về một làn sóng hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa có một kết luận nào. Nó sẽ được công bố ngay khi đạt được. Bộ trưởng Thương mại các nước vẫn đang thảo luận về các vấn đề nổi cộm. Việc ký kết dự kiến vào khoảng tháng 2 năm sau”.
Phát biểu khai mạc chính thức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 3/11, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho rằng, 16 quốc gia trong khối thương mại tiềm năng phải đi đến thỏa thuận trong năm nay để kích thích tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư.
Ông nhấn mạnh những rủi ro của các cuộc xung đột thương mại và cạnh tranh chiến lược về địa lý trong khu vực.
Nhiều khả năng các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand sẽ thành lập một khối, mà không có Ấn Độ. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit, Ấn Độ không có ý định từ bỏ khối chung này.
Các nước Đông Nam Á sẽ có lợi khi Ấn Độ ở trong khối chung và hiệp định thương mại sẽ ít bị Trung Quốc gây sức ép.
Trung Quốc và Ấn Độ vốn đối đầu nhau từ lâu bởi cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Gần đây, hai quốc gia lại tiếp tục xung đột về quyết định của Ấn Độ khi chính thức thu hồi quyền tự trị của Kashmir – nơi có đa số người Hồi giáo sinh sống.
Việc Mỹ quyết định cử một phái đoàn cấp thấp hơn tới hội nghị thượng đỉnh năm nay đã làm dấy lên mối lo ngại không còn có thể dựa vào Mỹ như một đối trọng với Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh trong khu vực.
Người phát ngôn của Thái Lan cho biết, thay vì Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien sẽ đại diện cho Mỹ tham gia cuộc họp với 3 nhà lãnh đạo đại diện khối 10 quốc gia ASEAN thay cho kế hoạch ban đầu.
Theo RT