Các nhóm đánh bom liều chết trở thành một phần của quân đội Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Shaharzad Akbar, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Afghanistan cho rằng đây là một hành động "vô nhân đạo"
Các nhóm đánh bom liều chết trở thành thành viên của quân đội Afghanistan (Ảnh: Asia Times)
Các nhóm đánh bom liều chết trở thành thành viên của quân đội Afghanistan (Ảnh: Asia Times)

Taliban mới đây đã tuyên bố sẽ thành lập một lữ đoàn tấn công liều chết. Lữ đoàn này sẽ là một phần của quân đội quốc gia Afghanistan.

Theo phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid cho biết: "Các lữ đoàn cảm tử này sẽ được chỉ đạo dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng và sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ đặc biệt".

Điều này đã bị Shaharzad Akbar, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Afghanistan lên án và cho rằng đây là một hành động "vô nhân đạo".

Từ trước đến nay, các cuộc tấn công liều chết đều gắn liền với các tổ chức khủng bố. Trước khi lên nắm quyền vào năm 2021, Taliban đã sử dụng các nhóm đánh bom liều chết trong 20 năm để tấn công quân đội Mỹ, Anh và Afghanistan.

Nguồn gốc của hành động đánh bom liều chết bắt nguồn từ ngày 13 tháng 3 năm 1881, khi Ignaty Grinevitsky, một thành viên của nhóm khủng bố The People’s Will đã gài một quả bom ngoài Cung điện Mùa đông ở St Petersburg nhằm ám sát Sa hoàng Alexander II. Vụ việc đã khiến cả kẻ đánh bom lẫn Hoàng đế Nga thời điểm đó thiệt mạng.

Vào đêm trước khi vụ tấn công xảy ra, Grinevitsky đã viết: "Tôi tin rằng cái chết có thể giúp tôi hoàn thành được nghĩa vụ của mình". Vụ việc đã biến Grinevitsky trở thành kẻ đánh bom liều chết đầu tiên được ghi nhận.

Đánh bom liều chết đã trở thành một phần trong các phong trào nổi dậy và chiến tranh hiện đại. Các phi công Nhật Bản đã sử dụng chiến thuật tự sát trong chiến tranh thế giới thứ hai, với việc các phi công Kamikaze của Nhật đã đâm máy bay của họ vào các tàu hải quân địch.

Người Nhật đã từng thiết kế các vũ khí chuyên dụng để sử dụng trong các cuộc tấn công liều chết, bao gồm ngư lôi có người lái Kaiten, máy bay Ki-115 và máy bay chạy bằng động cơ tên lửa Ohka.

Tại Đức, các đơn vị Rammjäger có một nhiệm vụ được gọi là Selbstopfer (hy sinh bản thân), nhiệm vụ này sẽ được thực hiện khi quân đội Đức cảm thấy yếu thế trong cuộc chiến.

Các em học sinh vẫy tay tạm biệt một phi công kamikaze trước khi người này thực hiện nhiệm vụ tự sát vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai (Ảnh: Asia Times)

Các em học sinh vẫy tay tạm biệt một phi công kamikaze trước khi người này thực hiện nhiệm vụ tự sát vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai (Ảnh: Asia Times)

Trong thế kỷ 21, các vụ đánh bom liều chết ở Afghanistan, Pakistan và Iraq xảy ra thường xuyên - đây là một loại hình tấn công được các tổ chức khủng bố "ưa chuộng".

Hai hình thức tấn công thường được các lực lượng nổi dậy của Taliban sử dụng là: thiết bị nổ kích hoạt (IED) và các vụ đánh bom liều chết ở các khu vực đông dân cư.

Nhiều vụ tấn công ở Afghanistan được thực hiện bởi trẻ em, một số em chỉ mới chín tuổi. Những đứa trẻ này rất dễ cực đoan hóa và bị thuyết phục rằng cái chết của chúng là một hành động "vì chính nghĩa", sẽ biến chúng trở thành "những kẻ tử đạo".

Cái chết dành cho "Jihad"

Jihad một thuật ngữ Hồi giáo, là một bổn phận tôn giáo của người Hồi giáo. Trong tiếng Ả Rập, từ jihād dịch như một danh từ có nghĩa là "thánh chiến".

Khái niệm "tử vì đạo" là một phần rất quan trọng trong các tôn giáo độc thần. Trong thời kỳ đầu của Cơ đốc giáo, các sứ đồ là những "nhân chứng" về những gì họ đã quan sát được trong cuộc đời của Đấng Christ.

Do đó, họ phải đối mặt với những nguy hiểm, bao gồm cả việc phải chịu hình phạt cuối cùng đó chính là cái chết. Những người "tử vì đạo" sẽ chấp nhận cái chết thay vì phủ nhận đức tin của họ. Điều này được cho là để đảm bảo một "vé lên thiên đàng".

"Tử vì đạo" đã trở thành điểm đặc trưng của "thánh chiến" vào thế kỷ thứ 9. Ngay từ đầu, các nhà văn viết về "thánh chiến" đã nhấn mạnh khía cạnh tâm linh của nó: một người bị vấy bẩn bởi tội lỗi có thể thực hiện "thánh chiến" để thanh lọc bản thân mình. Một mujahid - một người thực hiện thánh chiến - có thể tẩy sạch tội lỗi của mình bằng cách chiến đấu và trở thành người "tử vì đạo".

Chính những khái niệm cực đoan này đã giúp cho việc tuyển mộ các lữ đoàn "tử vì đạo" của Afghanistan trở nên dễ dàng hơn.

Một người lính bộ binh Trung Quốc đang mặc một chiếc áo gắn bom để thực hiện nhiệm vụ đánh bom liều chết nhắm vào một xe tăng Nhật Bản (Ảnh: Asia Times)

Một người lính bộ binh Trung Quốc đang mặc một chiếc áo gắn bom để thực hiện nhiệm vụ đánh bom liều chết nhắm vào một xe tăng Nhật Bản (Ảnh: Asia Times)

Loại hình chiến tranh mới

Những tiểu đoàn cảm tử này sẽ được sử dụng với mục đích gì? Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) đã thực hiện gần 100 cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở Afghanistan và Pakistan, cũng như 250 cuộc tấn công hướng đến lực lượng an ninh Mỹ, Afghanistan và Pakistan kể từ tháng 1/2017.

Với sự hỗ trợ từ các lãnh đạo chủ chốt của của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, ISIS-K đã tiến hành các cuộc tấn công vào Afghanistan với tần suất dày đặc hơn. Các cuộc tấn công này được thực hiện với mục đích chống lại Taliban, phục kích, đánh bom và ám sát các đặc nhiệm của tổ chức này. ISIS-K cũng tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào dân thường và nhắm vào nhóm thiểu số Shia Hazara.

Tailiban cũng đã áp dụng bạo lực đối với những người dân vô tội. Có thông tin cho rằng ít nhất 20 dân thường đã thiệt mạng tại Thung lũng Panjshir của Afghanistan, nơi đã chứng kiến các cuộc giao tranh giữa Taliban và lực lượng đối lập, bất chấp những lời hứa "kiềm chế" mà phía Tailiban đã đưa ra trước đó.

Theo báo cáo của Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), nguyên nhân chính gây ra thương vong cho dân thường trong nửa đầu năm 2021 đến từ các thiết bị nổ kích hoạt IED, được sử dụng bởi ISIS-K cũng như Taliban. Con số này lên tới 38% tổng số thương vong dân sự.

Trong hai thập kỷ qua, các vụ đánh bom liều chết thường chỉ gắn liền với các phiến quân nổi dậy và các nhóm khủng bố thì giờ đây, các phần tử đánh bom liều chết sẽ trở thành thành viên của quân đội quốc gia Afghanistan. Những lữ đoàn cảm tử này sẽ được quân đội quốc gia Afghanistan công nhận và cho đây là một việc làm hợp pháp.

Theo Asia Times