Treo cổ, chặt tay, cấm cắt tóc cạo râu...Taliban đang quay trở lại bản chất thật ở Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi chiếm quyền cai trị Afghanistan, Taliban đã đưa ra một số quy định hà khắc về ăn mặc, đầu tóc như thời kỳ họ nắm quyền trước đây. Điều này ngày càng chứng tỏ Taliban không hề thay đổi như họ hứa hẹn...
 Dân chúng xem thi thể bị Taliban treo lên thị chúng ở thành phố Herat (Ảnh AP).
Dân chúng xem thi thể bị Taliban treo lên thị chúng ở thành phố Herat (Ảnh AP).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 27/9, các cửa hiệu cắt tóc ở tỉnh Helmand gần đây đã bị cấm cạo râu hoặc cắt tỉa râu cho nam giới. Nếu vi phạm lệnh cấm, họ sẽ bị trừng phạt nặng. Một số hiệu cắt tóc ở thủ đô Kabul cũng đã cũng nhận được cảnh báo tương tự.

Truyền thông Anh hôm Chủ nhật (26/9) đưa tin, một hiệu cắt tóc ở tỉnh Helmand phía nam đã đăng thông báo cho biết các nhân viên chính quyền Taliban cảnh báo những người thợ cắt tóc phải tuân theo các quy định của luật Hồi giáo về kiểu tóc và râu, không ai có quyền khiếu nại.

Chủ một hiệu cắt tóc ở Kabul cũng nói rằng các thành viên Taliban liên tục tìm đến và ra lệnh cho họ ngừng cạo hay cắt tỉa râu của nam giới, đồng thời tuyên bố sẽ cử nhân viên thường xuyên đến giám sát họ. Một thợ cắt tóc khác nói rằng anh ta nhận được một cuộc gọi của một người tự xưng là một quan chức chính phủ, yêu cầu anh ta ngừng cắt tóc theo kiểu Mỹ và không được cạo râu của bất kỳ ai.

Việc cắt tóc, cạo râu của đàn ông Afghanistan hiện đã bị cấm (Ảnh: Chinatimes).

Việc cắt tóc, cạo râu của đàn ông Afghanistan hiện đã bị cấm (Ảnh: Chinatimes).

Trong khi đó, CNN ngày 26/9 đưa tin, chính quyền tỉnh Helmand đã đưa ra một tuyên bố vào cùng ngày 26 nói rằng kể từ ngày hôm đó, việc cắt tỉa hoặc cạo râu và mở nhạc trong các tiệm cắt tóc và phòng tắm công cộng bị nghiêm cấm. Nếu phát hiện, chính quyền Taliban sẽ tiến hành xử lý căn cứ theo luật Hồi giáo, bất cứ ai cũng không có quyền khiếu nại. Các tiệm tóc địa phương đều đã phải dán thông báo trên.

Khi Taliban lần đầu tiên lên nắm quyền cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, họ đã cấm người dân để những kiểu tóc cầu kỳ và nhấn mạnh rằng nam giới phải để râu. Nhưng sau khi chính quyền Taliban bị lật đổ tại Afghanistan, tục cạo râu trở nên phổ biến và nhiều người đàn ông cũng cắt tỉa những kiểu tóc thời trang.

Đối với phụ nữ, Taliban phục hồi lại quy định trước đây về bắt buộc phụ nữ khi ra ngoài phải mắc áo choàng và mang khăn trùm kín đầu màu đen.

Bà Bahar Zalali người phát động phong trào #DoNotTouchMyClothes trên mạng xã hội để phản đối việc Taliban buộc các nữ sinh Afghanistan phải đeo mạng che mặt màu đen (Ảnh: Dwnews).

Bà Bahar Zalali người phát động phong trào

#DoNotTouchMyClothes trên mạng xã hội để phản đối việc Taliban buộc các nữ sinh Afghanistan phải đeo mạng che mặt màu đen (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Dwnews ngày 27/9, Bahar Jalali, một học giả người Afghanistan, mới đây đã phát động chiến dịch #DoNotTouchMyClothes trên mạng xã hội để phản đối việc Taliban buộc các nữ sinh Afghanistan phải đeo mạng che mặt màu đen.

Hãng tin Pháp AFP ngày 26/9 đưa tin, Bahar Jalali đã bày tỏ, bà rất lo ngại thế giới cho rằng thứ trang phục mà phụ nữ Kabul bị Taliban buộc phải mặc là kiểu trang phục truyền thống của Afghanistan. Bà đã phát động phong trào phản đối từ đầu tháng này. Bà nói, phụ nữ Afghanistan không mặc loại trang phục như thế. Bà viết thêm trên Twitter: “Phụ nữ Afghanistan mặc váy áo sặc sỡ, chúng ta hãy thể hiện cho thế giới biết những trang phục chúng ta thích mặc”.

Được thúc đẩy bởi Bahar Jalali, nhiều phụ nữ Afghanistan đã đăng ảnh họ mặc quần áo nhiều màu rực rỡ như xanh lá cây, vàng, cam và đỏ lên Internet và mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh sản phẩm thêu tay và dệt nổi tiếng của đất nước Afghanistan.

Waslat Hasratt Nazimi, người phụ trách về Afghanistan tại Deutsche Welle, đã đăng bức ảnh bà mặc trang phục truyền thống của Afghanistan lên Twitter, đồng thời bình luận rằng đây là Văn hóa Afghanistan, là trang phục của phụ nữ Afghanistan. (Twitter @ WasHasNaz)

Waslat Hasratt Nazimi, người phụ trách về Afghanistan tại Deutsche Welle, đã đăng bức ảnh bà mặc trang phục truyền thống của Afghanistan lên Twitter, đồng thời bình luận rằng đây là Văn hóa Afghanistan, là trang phục của phụ nữ Afghanistan. (Twitter @ WasHasNaz)

Bahar Jalali cho rằng xã hội Afghanistan giờ đây đã khác xa so với thời kỳ Taliban cai trị đất nước lần trước. Bà nói: “Nhiều phụ nữ đã đi làm kiếm sống và là người chủ gia đình”; “Sẽ rất khó để Taliban có thể áp đặt chính sách bàn tay sắt như thế đối với người dân Afghanistan như chúng đã từng làm trước đây”.

Trong một diễn biến khác, hôm thứ Bảy (25/9), Taliban Afghanistan đã cho treo một số thi thể đã bị họ giết ở trung tâm thành phố Herat ở phía tây, tuyên bố rằng những người này đã bị bắn chết vì nghi ngờ tham gia vào vụ bắt cóc, đồng thời nhấn mạnh rằng việc treo các thi thể này tại nơi công cộng có tác dụng răn đe.

Theo BBCAl Jazeera, 4 thi thể đẫm máu bất ngờ xuất hiện trên đường phố Herat, một thành phố lớn ở miền tây Afghanistan, treo trên các cần cẩu vào ngày hôm 25/9.

Tranh quảng cáo thời trang phụ nữ trên đường phố Kabul bị Taliban bôi bẩn (Ảnh: Dwnews).

Tranh quảng cáo thời trang phụ nữ trên đường phố Kabul bị Taliban bôi bẩn (Ảnh: Dwnews).

Một người dân địa phương tên là Mohammad Nazir cho biết, ông đang đi mua đồ ăn tại Quảng trường Mostofiat vào hôm thứ Bảy thì nghe thấy tiếng loa lớn thu hút mọi người chú ý. Khi ông bước tới xem điều gì xay ra, thì thấy một chiếc xe tải chở một thi thể. Sau đó, thi thể này đã được treo lên cần trục.

Một chủ cửa hàng tên Wazir Ahmad Seddiqi nói, có tổng cộng 4 thi thể đã được chở tới, nhưng 3 thi thể còn lại sau đó được vận chuyển đến 3 nơi khác để treo công khai thị chúng.

Taliban tuyên bố rằng 4 thi thể là những kẻ bắt cóc, việc treo cổ họ lên nhằm mục đích giết gà dọa khỉ. Phó thị trưởng Herat Maulwai Shair nói rằng việc trưng bày các thi thể là để ngăn chặn các vụ bắt cóc xảy ra trong tương lai. Một chỉ huy Taliban giấu tên nói rằng việc trưng bày thi thể là để "cảnh báo bọn tội phạm rằng chúng không được an toàn."

Một đoạn video trên mạng cho thấy một khẩu hiệu găm trên ngực của một xác chết treo trên cần cẩu có nội dung: "Kẻ bắt cóc sẽ bị trừng phạt như thế này".

Điều đáng chú ý là Mullah Nooruddin Turabi, một lãnh đạo cấp cao của Taliban, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP vào ngày 23/9 rằng Taliban sẽ tiếp tục thực thi các hình phạt cực đoan như tử hình và cắt cụt chân tay, nhấn mạnh rằng những biện pháp này là cần thiết để củng cố an ninh.

Taliban treo thi thể những người bị họ giết chết lên cần cẩu ở Herat hôm 25/9 (Nguồn: HT).

Tuy nhiên, ông ta cũng chỉ ra rằng những hình phạt này có lẽ sẽ không được thực thi công khai như thời kỳ Taliban cai trị cuối những năm 1990 khi họ nắm quyền ở Afghanistan, khi đó Taliban thường hành quyết công khai phạm nhân tại các sân vận động hoặc nhà thờ Hồi giáo ở Kabul.

Turabi cũng bày tỏ sự tức giận trước sự chỉ trích của quốc tế: "Không ai có quyền cho chúng tôi biết luật của chúng tôi phải như thế nào"; "Mọi người đều chỉ trích hình phạt mà chúng tôi áp dụng trong sân vận động, nhưng chúng tôi không bao giờ bình luận về luật và quy định của họ”.

Sau khi Taliban chiếm lại Afghanistan, thế giới bên ngoài đã lo lắng rằng Taliban sẽ một lần nữa thực hiện các hình phạt hà khắc, bao gồm hành quyết công khai và chặt chân tay. Tuy nhiên, người phát ngôn Taliban nhiều lần khẳng định tại các cuộc họp báo rằng họ đã thay đổi và mong được quốc tế công nhận.