Các ngân hàng kiến nghị điều chỉnh Thông tư 36

Nhiều ngân hàng đang kiến nghị điều chỉnh lại một số quy định trong Thông tư 36, sau vài tháng thông tư này có hiệu lực

Các thành viên trên thị trường trái phiếu - hầu hết là các ngân hàng và hiện đang nắm giữ trên 80% tổng lượng trái phiếu chính phủ tại Việt Nam thông qua Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) - vừa gửi kiến nghị tới cơ quan quản lý đề nghị điều chỉnh lại một số quy định trong Thông tư 36 vì nếu không thị trường trái phiếu sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2015.

Trong kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Văn phòng Chính phủ mới đây, các thành viên VBMA đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn hiệu lực thi hành của Thông tư 36 để tạo điều kiện cho các ngân hàng có thời gian nghiên cứu, triển khai hệ thống công nghệ thông tin để lập báo cáo tự động và hàng ngày, tạo điều kiện theo dõi thường xuyên, liên tục duy trì các tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Đề nghị điều chỉnh căn cứ và tỷ lệ trái phiếu nắm giữ

Hiệp hội cũng đề nghị áp dụng chung một "tỷ lệ tối đa được mua, đầu tư trái phiếu chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn" cho các ngân hàng thương mại trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 35% thay vì như quy định hiện hành của Thông tư 36.

Tại Điều 17, Khoản 6 của Thông tư 36, tỷ lệ tối đa được mua, đầu tư trái phiếu chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng thương mại nhà nước là 15%; Ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15%; và tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 5%.

Cần “áp dụng một tỷ lệ thống nhất cho các ngân hàng thương mại trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại điều 17 khoản 6 của Thông tư 36 để bảo đảm sự công bằng giữa các ngân hàng trong việc quản lý thanh khoản của ngân hàng theo các giới hạn, tỷ lệ an toàn cho phép,” theo đề xuất trên.

Ngoài ra, các ngân hàng đề nghị NHNN điều chỉnh lại tỷ lệ trái phiếu chính phủ các ngân hàng được nắm giữ theo các chỉ số có tính ổn định cao hơn như vốn điều lệ, vốn tự có hoặc tổng nguồn vốn (bao gồm cả nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn trung dài hạn). Bởi theo Thông tư 36, việc quy định tỷ lệ trái phiếu chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn sẽ khiến việc kiểm soát danh mục của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngắn hạn của các ngân hàng thương mại là cấu phần có tính biến động cao, thường xuyên phát sinh các biến động tăng/giảm ngoài dự kiến.

Một khảo sát của VBMA với các thành viên cho thấy 100% thành viên cho rằng Thông tư 36 sẽ ảnh hưởng xấu đến thanh khoản của thị trường trái phiếu; 93,3% ngân hàng cho rằng Thông tư 36 là chưa phù hợp với sự phát triển của thị trường ngân hàng thương mại hiện nay và 100% thành viên dự báo lãi suất ngân hàng thương mại sẽ tăng.

Kỳ hạn trái phiếu: dài hạn hay ngắn hạn?

Một đề xuất đáng chú ý khác được VBMA kiến nghị đến Bộ Tài chính là đề nghị Bộ này báo cáo Chính phủ để có kiến nghị lên Quốc hội xem xét điều chỉnh về chủ trương phát hành ngân hàng thương mại kỳ hạn từ 5 năm trở lên tại Nghị quyết 78, "theo hướng đặt ra mục tiêu có lộ trình phù hợp về việc cơ cấu lại kỳ hạn nợ, ưu tiên huy động kỳ hạn dài trên 5 năm nhưng cho phép Chính phủ xem xét điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện thực tế thị trường về cấu trúc kỳ hạn phát hành trái phiếu đảm bảo hài hòa mục tiêu vừa huy động được vốn hiệu quả cho ngân sách đồng thời hỗ trợ sự phát triển."

Các ngân hàng cho rằng quy định chỉ phát hành trái phiếu chính phủ các kỳ hạn từ 5 năm trở lên tại Nghị quyết 78 sẽ khiến hàng hóa giao dịch trên thị trường trở nên kém đa dạng, thiếu hụt phân khúc kỳ hạn ngắn để hình thành một đường cong lãi suất tham chiếu đầy đủ, theo đó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng, phát triển một thị trường tài chính hiệu quả, lành mạnh.

Vì sao có phản ứng trên? Bởi sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36, các ngân hàng và các thành viên tham gia thị trường trái phiếu đã gửi kiến nghị đến Hiệp hội và bày tỏ sự lo ngại của họ về sự phát triển của thị trường trái phiếu thời gian tới. Nghị quyết 78 và Thông tư 36 triển khai có thể sẽ tạo ra thử thách không nhỏ cho hoạt động của thị trường trái phiếu trong thời gian tới, đặc biệt là khả năng huy động vốn cho ngân sách xét về cả khối lượng và chi phí huy động.

Các khảo sát sau đó được tổ chức cho thấy ý kiến của các ngân hàng cho rằng Nghị quyết 78 và Thông tư 36 sẽ hạn chế khả năng tham gia đầu tư trái phiếu chính phủ của các thành viên, cụ thể là các ngân hàng thương mại do mức trần mà NHNN đặt ra tại Thông tư 36.

Hơn nữa, việc áp dụng các tỷ lệ hạn chế khác nhau cho các loại hình ngân hàng thương mại khác nhau mà chưa đưa ra những cơ sở cụ thể về lý do và mục tiêu của việc phân biệt này cũng tạo ra tâm lý về sự chưa công bằng trong chính sách quản lý. Đặc biệt là đối với các ngân hàng thương mại nước ngoài, là đối tượng có vai trò cầu nối chủ yếu giúp quảng bá cũng như thu hút, phục vụ các loại hình nhà đầu tư nước ngoài khác nhau tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam.

Các ngân hàng còn lo ngại chính sách mới có thể làm gia tăng rủi ro thanh khoản của nhóm nhà đầu tư là các ngân hàng thương mại do sự mất cân đối về kỳ hạn giữa nguồn vốn đầu tư (thường là kỳ hạn ngắn) và tài sản đầu tư (kỳ hạn từ 5 năm trở lên). Điều này cũng tạo ra khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc kiểm soát danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ do giới hạn đầu tư trái phiếu chính phủ được tính dựa trên nguồn vốn ngắn hạn – là cấu phần có độ biến động rất cao trong tổng tài sản của các ngân hàng thương mại.

Đến nay Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chưa có phản hồi gì về kiến nghị trên.

Ngân hàng thương mại duy trì vị trí nhà đầu tư chủ lực trên thị trường trái phiếu Việt Nam khi nắm giữ khoảng trên 80% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành. Khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, dưới 5 năm. Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), kỳ hạn bình quân của danh mục trái phiéu chính phủ lưu hành khá thấp, xoay quanh 2,9 năm và tỷ trọng giao dịch các kỳ hạn dưới 5 năm chiếm tới 85-90% tổng khối lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn