Những con đường vặn vẹo dưới cái nóng thiêu đốt. Các bệnh viện quá tải trước lượng bệnh nhân ồ ạt nhập viện để điều trị mất nước. Các biện pháp khẩn cấp được áp dụng, như kêu gọi người dân “vũ trang” toàn diện chống nóng (đội nón rộng vành, mặc quần áo màu sáng, che dù, bổ sung nước liên tục). Đó là những gì đang diễn ra tại Ấn Độ, quốc gia đang hứng một trong những đợt nắng nóng chết người nhiều nhất trong lịch sử. Và nỗ lực sống còn tại đất nước trên bờ tiểu lục địa Ấn Độ đã nêu lên một nghi vấn cho toàn cầu: làm cách nào con người có thể chống chọi trước ngưỡng nhiệt độ mà các nhà khoa học lo ngại sẽ trở thành một điều diễn ra thường xuyên hơn trong tương lai?
Trong vòng 10 ngày, số người chết vì nắng nóng vào khoảng 1.800, mức cao kỷ lục trong 20 năm, đến ngày 1.6 đã vượt ngưỡng 2.000 người và tiếp tục tăng từng ngày, theo PTI. Vùng thiệt hại nặng nhất là bang miền nam Andhra Pradesh, với hơn 1.700 mạng người, tăng mạnh so với năm ngoái là 447 người. Nhiệt độ tại thành phố Nagpur vào chủ nhật là 47,1 độ C, và đến nay vẫn chưa có thể xác định liệu cái nóng kinh người là hậu quả của tình trạng thay đổi khí hậu do con người tạo ra, nhưng điều chắc chắn là xu hướng nhiệt độ xấp xỉ ngưỡng 50 độ C sẽ còn xảy ra dài dài trong tương lai, theo dự đoán của giới khoa học. “Cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy các đợt nóng diễn ra với tần suất cao gấp 5 lần so với trường hợp không có hiệu ứng nhân tạo gây ấm lên toàn cầu, và nguy cơ xảy ra một đợt nắng nóng do khí hậu thay đổi là 80%”, theo tờ Guardian dẫn lời phát ngôn viên của Tổ chức Greenpeace. Nếu không can thiệp, các đợt nóng được dự đoán sẽ phổ biến gấp 12 lần vào năm 2040.
Xu hướng trên sẽ đẩy cơ thể con người đến mức giới hạn. “Con người có thể sống sót trong một thời gian ngắn khi bị đẩy vào các môi trường đủ nóng để làm thịt bò tái (tức từ 46 đến 49 độ C), nhưng trong điều kiện không khí khô ráo”, theo Matthew Huber của Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu Purdue ở bang Indiana. Tuy nhiên, nếu không khí ẩm ướt như ở vùng nhiệt đới, cơ chế làm nguội cơ thể bằng cách đổ mồ hôi sẽ bị vô hiệu hóa. Trong điều kiện cực khô ráo, con người có thể làm việc ngoài trời ở nhiệt độ lên đến 40 độ C, nhưng mức an toàn sẽ bị kéo xuống dưới 30 độ C trong điều kiện độ ẩm cao. Đây được gọi là nhiệt độ bầu ướt. Khi vượt qua mức 35 độ C, da người không còn đủ sức làm mát thông qua sự bay hơi. Quân đội Mỹ ngưng huấn luyện và luyện tập thể chất khi nhiệt độ vượt mức 32 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ bầu ướt đỉnh điểm ở Ấn Độ vào khoảng 30 - 31 độ C.
Trong những năm gần đây, một số tổ chức sử dụng phương pháp đo đạc này để đưa ra các dự đoán về sự ảnh hưởng của nhiệt độ tăng đối với người lao động trên thế giới. Trong báo cáo trên chuyên san Nature Climate Change ước tính áp lực từ nắng nóng đã giảm năng suất lao động trên toàn cầu đến 90% trong những tháng nóng nhất năm. Trong tương lai, những khu vực được cho là bị ảnh hưởng nặng nhất bao gồm Ấn Độ, miền bắc Úc và đông nam Mỹ. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc thế giới phải chuẩn bị những biện pháp thích ứng với tương lai nóng bức để tránh mất đi năng suất lao động và đẩy các khu vực nghèo vào tình trạng thiếu thốn lương thực, thực phẩm.
Theo Thanh niên