Trước đó, một số địa phương đã có tình trạng ngân sách hết tiền chi tiêu. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Thành ủy Bạc Liêu, dự toán kinh phí được duyệt năm 2015 của đơn vị là hơn 7,5 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 7 đã sử dụng 7,67 tỷ.
Biên bản bàn giao công nợ đến ngày 31/7 được tổ chức vào ngày 21/9, cơ quan này còn tồn đọng rất nhiều khoản nợ. Trong đó nhiều nhất là tiền khám sức khỏe năm 2015 với hơn 619 triệu đồng. Kế đến là tiền nợ bảo hiểm xã hội 366 triệu đồng, soạn thảo văn bản 200 triệu, tiếp khách 192 triệu, mua máy photocopy 268 triệu đồng, hỗ trợ bằng thạc sĩ 180 triệu, tiền sách báo, tài liệu, quà tặng hơn 198 triệu đồng... Tổng số công nợ là 2,8 tỷ đồng
Giữa tháng 10/2015, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu có văn bản gửi Văn phòng Thành ủy Bạc Liêu “nhắc” tới thời điểm cuối tháng 9 đơn vị còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp 36 lao động với số tiền hơn 477 triệu đồng và đề nghị “chuyển trả dứt điểm”.
Trong khi đó, tại TP Cà Mau, một báo cáo ngày 30/11 của thành phố này về tình hình nợ ngân sách cho thấy nhiều năm liền thành phố thu ngân sách không đạt nhưng chi ngân sách luôn cao hơn mức được giao.
Năm 2012, tổng chi trên 555 tỷ đồng, trong khi nguồn ngân sách chỉ trên 500 tỷ. Năm 2013, trong khi nguồn ngân sách của thành phố Cà Mau trên 536 tỷ, thì chi đến hơn 627 tỷ, mất cân đối trên 90 tỷ đồng...
Một lãnh đạo thành phố Cà Mau thừa nhận, việc dẫn đến tình trạng mất cân đối là do nhiều năm liền thu ngân sách không đạt, dẫn đến phải tạm ứng trước để chi tiêu trong nhiều năm và hệ quả là thành phố Cà Mau đã trở thành “con nợ” lớn.
Tính từ đầu năm đến ngày 22/11, số nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn cân đối ngân sách thành phố và nguồn tỉnh hỗ trợ là trên 60 tỷ đồng (ước tính khi các công trình hoàn thành khối lượng, số nợ này gần 90 tỷ đồng).
Theo ông Võ Thành Hưng, qua trao đổi với địa phương, tỉnh Bạc Liêu khẳng định sẽ tự xử lý được bằng những nguồn cân đối và đảm bảo không ảnh hưởng đến dự toán chung. "Thành ủy TP Bạc Liêu là đơn vị sử dụng ngân sách của thành phố nên trước hết thành phố phải xem lại triển khai dự toán của đơn vị mình. Nếu khó khăn thì lên tỉnh xử lý theo tinh thần đảm bảo dự toán và Chỉ thị 06 của Thủ tướng", ông Hưng cho biết.
Vụ trưởng Vụ Ngân sách cũng cho hay Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành báo cáo về tình trạng thu chi hiện nay sau hai trường hợp Bạc Liêu và Cà Mau đổ nợ. Tuy nhiên, đến nay, chưa phát sinh trường hợp địa phương nào gặp khó khăn khác và khẳng định đây chỉ là hai trường hợp cá biệt. “Chắc chắn sắp tới sẽ có động thái mới siết chặt lại việc chi tiêu của các địa phương để tránh xảy ra tình trạng này”, ông Hưng nói.
Theo chỉ thị 06 của Thủ tướng, các địa phương phải tự cân đối được chi tiêu, nếu bị thâm hụt sẽ phải có phương án cắt giảm chi và nguồn dự phòng, nguồn tiết kiệm 10% để tự bù đắp.
Nếu sử dụng hết các nguồn này vẫn không thể cân đối được phải báo cáo trung ương xem xét cung ứng nhằm đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng của địa phương, đặc biệt như chi cho con người và an sinh xã hội.
Theo VnExpress