Bước leo thang nguy hiểm: Trung Quốc sắp lập khu nhận diện phòng không ở Trường Sa

Dấu hiệu cảnh báo Trung Quốc sẽ xây dựng khu nhận diện phòng không ADIZ hoặc một khu nhận diện phòng không tuy chưa tuyên bố nhưng đã thực sự tồn tại.
Trung Quốc đã ồ ạt biến đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất tại quần đảo Trường Sa
Trung Quốc đã ồ ạt biến đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất tại quần đảo Trường Sa

Sự kiện Trung Quốc thử nghiệm bay tại sân bay xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập, đánh dấu việc Bắc Kinh biến khu vực này thành cảng hàng không trên đảo quan trọng ở biển Đông.

So với hành động của hải quân Trung Quốc tại căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa  của Việt Nam trước đó, cục diện này có phần bất ngờ, nhưng đây là một bước leo thang nguy hiểm đã được tính toán kỹ lưỡng trong tiến trình lấp biển, xây đảo nhân tạo trái phép, thao túng quần đảo Trường Sa ở mức độ sâu hơn của Trung Quốc trên biển Đông.

Đường bay trên đá Chữ Thập phù hợp với loại máy bay nào?

Đường băng sân bay Trung Quốc xây dựng trái phép dài 3.000 mét. Vậy đường băng này nằm ở cấp độ nào? Những máy bay nào có thể hoạt động trên đường băng này?

Hiện tại, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế chia cấp độ sân bay theo 2 tiêu chuẩn. Dựa vào độ dài đường băng chia sân bay thành 4 cấp độ; Dựa vào độ sải cánh máy bay và khoảng cách hai bánh máy bay nằm phía ngoài, chia máy bay ra thành 6 cấp độ được ký hiệu từ A đến F. Hay nói cách khác, cấp độ ở khu vực bay dùng hai nhóm ký hiệu để biểu thị, một là ký hiệu chữ số, biểu thị độ dài của đường băng cần sử dụng, trong đó, đường băng cấp 1 độ dài nhỏ hơn 800m; đường băng cấp 2 độ dài 800-1200m; đường băng cấp 3 độ dài 1.200 - 1.800m; đường băng cấp 4 độ dài trên 1.800 m.

Nhóm ký hiệu thứ hai là chữ cái, biểu thị sải cánh lớn nhất và độ rộng khoảng cách hai bánh. Trong đó D biểu thị sải cánh 36m đến 52m, khoảng cách 2 bánh 6-14m, E biểu thị sải cánh 52- 65m, khoảng cách 2 bánh là 9 – 14m. Hiện tại, khu vực bay tại hầu hết các sân bay hiện nay của Trung Quốc đều từ 4D trở lên, một số là 4E. Hiện tại chưa biết độ rộng đường băng sân bay trên đá Chữ Thập, nhưng rất có thể là đường băng 4D.

Vậy đường băng dài 3000 phù hợp với những loại máy bay chở khách nào? Tư liệu cho thấy, máy bay Boeing 767 cấu hình thời kỳ đầu cần đường băng dài 1.710 để cất và hạ cách, và máy bay Boeing 767-400 ER có trọng lượng cất cánh lớn nhất khoảng 200 tấn cần đường băng dài 2.869m. Máy bay Boeing có trọng lượng cất cánh lớn nhất là 247 tấn khi cất cánh cần đường băng dài 2.500 m, máy bay Boeing 777 có trọng lượng cất cánh lớn nhất 300 tấn cần đường băng dài 3.563m để cất cánh và hạ cánh....

Hiện nay, các căn cứ không quân lớn ở nước ngoài, đặc biệt là đường băng dành riêng cho máy bay oanh tạc và máy bay vận tải có độ dài trên 3.000m trở lên. Ví dụ, căn cứ không quân Anderson tại đảo Guam có hai đường băng, trong đó đường băng ngắn chiều dài 3.209m, đường băng dài 3.414m, cả hai đều rộng 61m. Căn cứ không quân Anderson không những là nơi cất cánh và hạ cánh cho máy bay chiến đấu, với vai trò là căn cứ quân sự quan trọng nhất của máy bay oanh tạc chiến lược Mỹ tại châu Á – thái Bình Dương, căn cứ này còn có thể là nơi cất cánh và hạ cánh cho máy bay B-52, B-1B và máy bay oanh tạc chiến lược B-2, máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 và KC-10 cũng như các loại máy bay vận tải.

Căn cứ không quân Kadena của Nhật Bản có 2 đường băng dài 3.700m, có gần 200 máy bay quân sự đóng quân tại đây. Hiện tại, sân bay quân sự có đường băng dài nhất thuộc về Mỹ. Đường băng tại căn cứ không quân Edwards thuộc bang California của Mỹ dài nhất thế giới – 11.265m, trong đó có 4.572m được xây dựng bằng xi măng.

Tiêu chuẩn phân loại sân bay quân sự của Trung Quốc có phần khác. Hiện nay, Trung Quốc chủ yếu dựa vào loại hình máy bay cất và hạ cánh để phân thành 4 loại: Sân bay cấp 1 phù hợp với máy bay huấn luyện sơ cấp, máy bay vận tải hạng nhỏ; Cấp hai phù hợp với máy bay tiêm kích, máy bay oanh tạc hạng nhẹ, máy bay tiêm kích oanh tạc, máy bay vận tải hạng vừa; Cấp 3 là máy bay oanh tạc hạng và, máy bay vận tải hạng lớn; Cấp 4 là máy bay oanh tạc hạng nặng và máy bay vận tải hạng cực lớn; Nếu dựa vào chiều dài đường băng phân loại thì đường băng dài 3.000 trên đá Chữ Thập mà Trung Quốc xây dựng trái phép thuộc sân bay cấp 3.

Trước hành động bay thử nghiệm trên đá Chữ Thập của Trung Quốc, Hãng Reuters cho rằng, Trung Quốc đang hoàn thành công tác xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng biển tồn tại tranh chấp theo kế hoạch, trong tương lai chắc chắn sẽ có máy bay quân sự cất cánh và hạ cánh tại đây.

Lộ mặt thật của Bắc Kinh

Không chỉ Việt Nam lên tiếng phản đối về hành vi sai phạm nghiêm trọng của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ ngoại giáo Philippines Charles Jose cho biết, nước này cũng có kế hoạch đưa ra lời phản đối trên góc độ ngoại giao. “Chủ yếu là lo ngại Trung Quốc sẽ có năng lực kiểm soát biển Đông, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tự do hàng hải và tự do hàng không”. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, Trung Quốc bay thử nghiệm ở đá Chữ Thập sẽ “đẩy cục diện khu vực leo thang, đe dọa an ninh khu vực”.

Chủ tịch Ủy ban quân bị Thượng viện Mỹ John McCain lên án Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi “tham vọng chính trị”, đồng thời chỉ trích chính quyền tổng thống Obama, sau đợt đưa tàu chiến vào khu vực lân cận đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông hồi tháng 10/2015, không triển khai các đợt tuần tra trên biển ở mức độ sâu hơn.  

Hãng Reuters cho rằng, Trung Quốc đã xây dựng trái phép sân bay hơn 1 năm trên các đảo nhân tạo ở biển Đông, lần bay thử nghiệm này không có gì bất ngờ. Sân bay đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa xây dựng trái phép với đường băng dài 3.000 m, đủ điều kiện cho máy bay oanh tạc, máy bay vận tải và các máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Trung Quốc cất cánh và hạ cánh, điều này đồng nghĩa với việc chiến cơ Trung Quốc có thể thâm nhập vào biển Đông.

Trung Quốc khoe ảnh máy bay dân sự vừa hạ cánh thử nghiêm tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trung Quốc khoe ảnh máy bay dân sự vừa hạ cánh thử nghiêm tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Một số chuyên gia quân sự của Australia cảnh cáo, việc máy bay quân sự Trung Quốc cất cánh và hạ cánh trên biển Đông “là điều khó tránh”. “Sau khi hoàn thành nhiều đợt bay thử nghiệm, bước tiếp theo, sẽ có máy bay chiến đấu như Su-27 và Su -33 cất cánh và hạ cánh tại đây, sau đó chúng sẽ được bố trí  nằm vùng trường kỳ ở đây. Có thể Bắc Kinh sẽ làm như vậy”. Khi Trung Quốc đã tăng cường được lực lượng hàng không tại khu vực này, việc xây dựng khu nhận diện phòng không trái phép tại đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Trang Nikkei của Nhật Bản chỉ ra rằng, Trung Quốc lấp biển xây dựng đường bay trên đá Chữ Thập, nhưng trên thực tế, đây là lần đầu tiên máy bay cất cánh và hạ cánh tại đây. Ngày 31/12/2015, Trung Quốc vừa công bố phương án cụ thể cải cách lực lượng quân đội quân giải phóng trên quy mô lớn. Có quan điểm cho rằng, trong thời điểm này tiến hành bay thử nghiệm nhằm thông qua biển Đông – vốn được Bắc Kinh định vị là “lợi ích then chốt” khó có thể nhượng bộ để thể hiện thái độ cứng rắn.

Tuần báoToyo Keizai của Nhật Bản nhận định, Trung Quốc sẽ không lựa chọn con đường xung đột quân sự trong cuộc tranh chấp biển Đông, và Mỹ thì mong muốn duy trì hiện trạng, thực tế là cả Mỹ và Trung Quốc đều khá thận trọng, không muốn kích nộ đối phương quá độ, kể cả là mối quan hệ đối lập, cũng là sự đối lập có tiết chế.

Có phân tích chỉ ra rằng, cùng với việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động trái phép trên biển Đông, hành động bắt tay về quân sự để ngăn chặn Trung Quốc giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ gia tăng, rất có thể Mỹ sẽ cử tàu chiến xuất hiện ở khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép. Năm 2016, cục diện biển Đông có thể sẽ rơi vào vòng tuần hoàn xấu.

Mưu đồ lập khu nhận diện phòng không

Trước những lời chỉ trích gay gắt của chính phủ và các chuyên gia quân sự thế giới, Một số học giả Trung Quốc thì biện minh rằng, bấy lâu nay báo chí phương Tây lý giải quá đà vấn đề Trung Quốc xây dựng đảo trên biển Đông, cho rằng kể cả hiện tại Trung Quốc không có đủ năng lực xây dựng khu nhận diện phòng không trên biển Đông, nhưng sau này có năng lực cũng sẽ xây dựng.

Bắc Kinh nhấn mạnh, việc Trung Quốc có xây dựng khu nhận diện phòng không trên biển Đông hay không phụ thuộc vào mức độ “bị đe dọa”, không có mối liên hệ trực tiếp với việc xây dựng sân bay và bay thử nghiệm trên đá Chữ Thập. Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm tại sân bay mới xây dựng trên đá Chữ Thập là để phối hợp với công tác xây dựng đảo, phát triển hàng không dân dụng. Trái ngược với những hành động trên thực tế, Bắc Kinh luôn bao biện rằng dự đoán Trung Quốc sẽ xây dựng khu nhận diện phòng không trên biển Đông là “thổi phồng sự thật!”.

Một số quan chức khu vực của Mỹ chỉ ra rằng, các bến cảng, nhà kho và nhà ở dành cho nhân viên đang được Trung Quốc xây dựng ráo riết ở các hòn đảo nhân tạo khác. Rất có khả năng đá Chữ Thập sẽ được bố trí hệ thống radar cảnh báo sớm và thiết bị thông tin quân sự.

Ông Ian Storey – chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, chuyên gia các vấn đề biển Đông của Singapore nhận định: “Sau khi những thiết bị nói trên được đưa vào vận hành, những lời cảnh cáo của Trung Quốc đối với các máy bay quân sự và dân dụng sẽ trở thành chuyện thường ngày. Đây là dấu hiệu cảnh báo Trung Quốc sẽ xây dựng khu nhận diện phòng không ADIZ hoặc một khu nhận diện phòng không tuy chưa tuyên bố nhưng đã thực sự tồn tại”.

Ngày 4/1, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: Phía Trung Quốc có thiết lập khu nhận diện phòng không hay không phải dựa vào sự phán đoán đối với tình hình anh ninh và nhu cầu để xem xét.

Có thể khẳng định, với các kế hoạch hoàn hảo được thực hiện từng bước, đặt mọi chuyện vào “sự đã rồi”, Trung Quốc ngày càng lộ rõ âm mưu bá chiếm biển Đông, hành vi này là không thể chấp nhận và vấp phải sự lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế.

H.L