Bước đột phá ở Nghi Sơn, Thanh Hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Vùng đất nghèo khó huyện Tĩnh Gia ngàn đời nay quanh quẩn với cây lúa, con cá, đã trở thành thị xã công nghiệp với những dự án mang tầm cỡ quốc gia...
 Nhà máy xi măng Nghi Sơn công suất 4 triệu tấn/năm xây dựng năm 1997- Dự án đầu tiên tại Khu kinh tế Nghi Sơn
Nhà máy xi măng Nghi Sơn công suất 4 triệu tấn/năm xây dựng năm 1997- Dự án đầu tiên tại Khu kinh tế Nghi Sơn

Từ rất lâu khi nói về nghèo đói ở Thanh Hóa, ai cũng nghe câu ca: "nhất Xương, nhì Gia, thứ ba Hậu Lộc", điểm danh 3 huyện nghèo đói nhất của xứ Thanh: huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hậu Lộc và huyện Tĩnh Gia xếp thứ hai trong 3 huyện nói trên. Và cũng không biết từ bao giờ, một vùng đất cát trắng, biển xanh, mặc dù rất đẹp, nên thơ cũng chỉ tồn tại những làng chài, những cánh đồng sản xuất muối và trồng lúa trong đất pha cát! Cái nghèo khó như mặc định ở vùng này trước sự cam chịu của con người chỉ biết ra khơi vào lộng, mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản...

Ngày nay nghe cụm từ "khu công nghiệp", "khu kinh tế" không còn thấy lạ nữa, nhưng khi chưa có các "khu" như vậy thì ở huyện Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn bây giờ), tỉnh Thanh Hóa đã chọn để quy hoạch "đi tắt đón đầu" manh nha hình thành "khu công nghiệp Nghi Sơn" (1996). Đồng thời, Thanh Hóa tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và huyện Tĩnh Gia chuẩn bị mọi điều kiện cho một dự án có tầm cỡ: Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn công suất 4 tiệu tấn/năm. Đây là công trình đầu tiên có vốn và công nghệ Nhật Bản – nhà đầu tư nước ngoài tiên phong đặt chân đến vùng cát trắng nóng bỏng với gió Lào khô rát!

Không hiểu "anh Nhật Bản" tìm hiểu những gì ở đây mà "to gan" đổ tiền, của, công nghệ vào vùng ven biển cuối cùng, tận phía Nam xứ Thanh? Lần giở trí nhớ cũng như đọc lại một số tài liệu mới ngả mũ chào "anh Nhật Bản", bởi không biết họ khảo sát, đánh giá từ khi nào mà năm 1996 tổ chức JICA (Nhật Bản) đã đưa ra nhận định: "...Nằm ở cuối phía Nam bờ biển tỉnh Thanh Hóa, Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng một cảng nước sâu 15 - 18 mét, sau khi xây dựng một nhà máy xi măng lớn, một cảng chuyên dụng và tuyến kỹ thuật hạ tầng vào khu công nghiệp, đồng thời với sự đầu tư tổng hợp cho phép vùng Nghi Sơn trở thành một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, sẽ là cửa ngõ chính của tam giác kinh tế phía Bắc..."

Chính nhận thức được vị trí địa lý, lao động dồi dào và giao thông thủy, bộ vô cùng thuận lợi mà bước vào năm 1997, tỉnh Thanh Hóa tiến hành khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn (Công ty xi măng Nghi Sơn ngày nay) công suất 4 triệu tấn/năm. Có mặt trong ngày trọng đại xây dựng nhà máy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Minh trực tiếp phát lệnh khởi công.

Được hầu chuyện Chủ tịch Mai Xuân Minh ngay trên khu vực lễ khởi công dự án, với tính tình sôi nổi, thoải mái và rất mê bóng đá, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Minh dí dỏm nói với cánh báo chí: bóng đến chân tiền đạo thì phải bằng mọi cách ghi bàn...! Hôm nay là ngày vui, ngày đáng nhớ của tỉnh nhà, ngày đánh dấu sự mở đầu đi đến ấm no, hạnh phúc hơn đối với nhân dân Thanh Hóa, đặc biệt đối với vùng Tĩnh Gia. Vì thế, chúng ta phải chớp thời cơ, tạo mọi điều kiện để khu vực Nghi Sơn trong tương lai phải trở thành điểm sáng về thu hút đầu thư của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài...

Đột phá:

Dự án Nhà máy xi măng Nghi Sơn được xây dựng và đi vào hoạt động đánh dấu sự khởi đầu và phát triển cho vùng đất Nghi Sơn nói riêng, huyện Tĩnh Gia nói chung. Nhà máy xi măng Nghi Sơn hiện đại, bề thế chính thức sản xuất những bao xi măng đầu tiên ở khu vực nghi Sơn đã có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước lần lượt đến với Nghi Sơn.
Sau 10 năm thấy được tiềm năng và lợi thế của Khu công nghiệp Nghi Sơn, ngày 15.5.2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 102/QĐ-TTg thành lập Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng diện tích lên đến 106.000 ha, gồm 66.497,57 ha đất liền, đảo, 39.502,43 ha mặt nước.

Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (9,3 tỉ USD)

Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (9,3 tỉ USD)

Như được tiếp thêm sức mạnh, Khu kinh tế Nghi Sơn tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư đến làm ăn: Dự án xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (nay là Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn) với số vốn đầu tư "khổng lồ" trên 9,3 tỉ USD. Không chỉ tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư đến xây dựng các công trình trên đất liền, Thanh Hóa hết sức quan tâm tạo đột phá để các dự án đầu tư, xây dựng kho tàng, cảng biển. Từ năm 2002-2010, các nhà đầu tư xây dựng được 5 bến tại cảng Nghi Sơn có thể tiếp nhận được tàu 70.000 DWT giảm tải.

Hiện tại, cảng Nghi Sơn có một khu bến tổng hợp và container, luồng vào bến dài 2 km, sâu 8,5 m. Khu bến này hiện có khả năng tiếp nhận tàu đến 20.000 DWT. Có 2 cầu tàu, một cầu dài 165 m và có độ sâu 8,5 m, cầu còn lại dài 225 m và độ sâu 11 m. Kho bến rộng 2.880 m2 và bãi chứa container rộng 12.350 m2. Mặc dù ra đời muộn hơn nhiều so với một số cảng biển khác của nước ta, nhưng vài năm trở lại đây tăng trưởng của cảng Nghi Sơn rất ấn tượng.

Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch cho phát triển kinh tế -xã hội liên vùng và kết nối quốc tế

Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch cho phát triển kinh tế -xã hội liên vùng và kết nối quốc tế

Có lẽ do lợi thế và tăng trưởng ấn tượng mà mới đây trong Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng Nghi Sơn nói riêng, cảng biển Thanh Hóa nói chung được phân nhóm loại 1. Trong 15 cảng biển loại 1 của cả nước, cảng biển Thanh Hóa lại là 1 trong 3 cảng biển được quy hoạch thành cảng "đặc biệt"...

Điều này cho thấy việc chọn một trong các mũi đột phá tại Khu kinh tế Nghi Sơn về phát triển cảng biển là mũi đột phá đúng đắn và có hiệu quả. Đến nay Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút trên 260 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 145.817 tỉ đồng và 19 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn gần 13 tỉ USD. Một số dự án mang tầm quốc gia mà điển hình là Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Trong giai đoạn 2016-2020 giá trị sản xuất kinh doanh của các dự án đạt 412.838 tỉ đồng; xuất khẩu đạt 4.024 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước gần 51.000 tỉ đồng và tạo việc làm cho khoảng 32.000 lao động. Những con số biết nói trên vô cùng có ý nghĩa đối với vùng đất vốn nghèo khó ở huyện Tĩnh Gia nói riêng, Thanh Hóa nói chung.

Khởi công xây dựng Khu du lịch sinh thái Tân Dân, thị xã Nghi Sơn (3.662 tỷ) tháng 6.2021

Khởi công xây dựng Khu du lịch sinh thái Tân Dân, thị xã Nghi Sơn (3.662 tỷ) tháng 6.2021

Mặc dù tình hình dịch Covid -19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng 10 tháng qua hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Nghi Sơn vẫn phát triển khá tốt. Giá trị ước đạt 137.390 tỉ đồng; nộp ngân sách ước đạt khoảng 13.000 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu khoảng 2.100 triệu USD; giải quyết việc làm cho khoảng 97.500 lao động, góp phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa đứng vào nhóm cao của cả nước. Một số dự án lớn vẫn duy trì sản suất kinh doanh ổn định và triển khai đảm bảo tiến độ như Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy gang thép Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Cảng tổng hợp Long Sơn, Nhà máy xi măng Long Sơn, Nhà máy xi măng Đại Dương; có 4 dự án khởi công mới và sẽ có thêm 5 dự án sẽ được khởi công xây dựng trong những tháng cuối năm

Khánh thành Tổng kho và bến cảng xăng dầu Anh Phát giai đoạn 1 (3.800 tỉ) tại Khu kinh tế Nghi Sơn - tháng 7.2021

Khánh thành Tổng kho và bến cảng xăng dầu Anh Phát giai đoạn 1 (3.800 tỉ) tại Khu kinh tế Nghi Sơn - tháng 7.2021

Từ huyện nghèo khó, kể từ khi có khu công nghiệp rồi trở thành khu kinh tế Nghi Sơn, diện mạo huyện Tĩnh Gia thay đổi đáng kể, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nông thôn tiến lên thành thị ngày một nhanh. Chính từ hoạt động có hiệu quả của Khu kinh tế Nghi Sơn cũng như sự phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng đất này mà ngày 22.4.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH về việc thành lập thị xã Nghi Sơn.
Từ đây sau 14 năm kể từ khi có Khu kinh tế Nghi Sơn, chính thức huyện nghèo Tĩnh Gia "bước lên" thị xã với tên gọi thị xã Nghi Sơn "khoe" diện mạo mới và rất có thể sẽ trở thành thành phố công nghiệp trong tương lai...

Hệ thống ống dẫn xăng dầu từ Tổng kho xăng dầu Anh Phát đấu nối với Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn

Hệ thống ống dẫn xăng dầu từ Tổng kho xăng dầu Anh Phát đấu nối với Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn

Kết thúc cho bài viết này lại nhớ lời tiên đoán của cố Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Xuân Minh lúc đương chức Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khi phát lệnh khởi công (1997) dự án đầu tiên tại khu vực Nghi Sơn. Và, cũng một lần nữa ngả mũ chào Tổ chức JICA (Nhật Bản) khi khảo sát rồi đưa ra nhận định (1996) về vùng đất Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.