Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông, quân đội Ấn Độ hôm nay (thứ Ba 16/6) xác nhận một sĩ quan cao cấp và hai binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc (PLA) ở Ladakh; trong khi các nguồn tin nước ngoài cho biết phía PLA đã có 5 người chết và 11 người bị thương.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng phía Ấn Độ đã vượt qua biên giới tranh chấp vào thứ Hai (15/6) và tấn công nhân viên Trung Quốc, gây ra xung đột giữa hai bên. Được biết đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc Chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962, lần đầu tiên có binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ bị chết do xung đột quân sự ở biên giới.
Bản tuyên bố do quân đội Ấn Độ đưa ra nói, tối 15/6 đã diễn ra trận chiến khốc liệt giữa binh sĩ hai bên Trung Quốc và Ấn Độ, dẫn đến thương vong, trong số người chết có một sĩ quan cấp cao. Theo báo cáo, đây là lần đầu tiên có thương vong về người xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ kể từ khi nổ ra cuộc đối đầu tại biên giới. Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ nói, các sĩ quan cấp cao của quân đội hai nước đang gặp nhau để làm dịu tình hình, nhưng không đưa ra lời giải thích nào thêm.
Đài Truyền hình Ấn Độ đưa tin về vụ việc, nói có binh sĩ Ấn Độ bị chết trong vụ xung đột (Ảnh: Đông Phương)
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng quân đội Ấn Độ hôm 15/6 đã vượt qua biên giới hai lần và tiến hành khiêu khích. Họ cũng tấn công nhân viên Trung Quốc, dẫn đến xung đột nghiêm trọng về thể xác giữa các nhân viên biên phòng ở cả hai bên. Trung Quốc đốc thúc phía Ấn Độ kiềm chế các binh sĩ ở biên giới và tránh các hành động đơn phương gây phức tạp tình hình biên giới.
Trang BBC tiếng Trung đưa tin cụ thể thêm, cho biết 3 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc ở vùng Ladakh thuộc Kashmir. Trước đó, lực lượng quân đội hai nước đã ở trong tình trạng đối đầu trong thời gian dài ở khu vực biên giới.
Quân đội Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố rằng "các quan chức quân sự cấp cao của cả hai bên hiện đang gặp nhau để làm dịu bớt tình hình", nhưng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào.
Khu vực biên giới Ladakh, nơi xảy ra đối đầu giữa hai bên (Ảnh: Đông Phương)
|
Kể từ tháng 5, Trung Quốc và Ấn Độ đã ở trong tình trạng căng thẳng gần đường kiểm soát thực tế (LAC) ở đoạn phía tây biên giới giữa hai nước. Các địa điểm cụ thể bao gồm thung lũng Galwan đến hồ Pangong, đó chính là nơi đã xảy ra chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962. Hàng ngàn binh sĩ đã được hai bên tập kết ra đây.
Trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao chiều 16/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã trả lời về việc này, kêu gọi Ấn Độ không có hành động đơn phương để gây nên vụ việc.
Theo AFP, ông Triệu Lập Kiên cáo buộc Ấn Độ vi phạm sự đồng thuận mà hai nước đạt được, hai lần vượt qua biên giới, "khiêu khích và tấn công nhân viên Trung Quốc, gây ra xung đột thể xác nghiêm trọng giữa hai lực lượng quân đội".
Một sĩ quan Ấn Độ trong khu vực nói với AFP rằng không có nổ súng ở cả hai bên và trong số người chết có một Đại tá Ấn Độ. "Không có nổ súng, súng không được sử dụng, nhưng xung đột thể xác dữ dội", sĩ quan yêu cầu không nêu tên này nói.
Binh sĩ Ấn Độ ném đá vào xe bọc thép Trung Quốc được cho là xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ hồi đầu tháng 5 (Ảnh: Đông Phương).
|
Giữa Ấn Độ và Trung Quốc có hơn 3.440 km đường biên giới, nhưng hai nước có quan điểm khác nhau trên hầu hết các đoạn biên giới. Các cuộc tuần tra biên giới giữa hai nước thường đụng độ và thỉnh thoảng có xô xát, nhưng cả hai bên đều khẳng định rằng không có viên đạn nào được bắn trong 40 năm qua.
Là hai đội quân đông nhất thế giới, quân đội hai bên đối đầu nhau tại nhiều điểm dọc theo tuyến kiểm soát thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng đường phân chia ở khu vực Ladakh rất mơ hồ. Địa hình hiểm trở phức tạp bao gồm sông, hồ và núi tuyết có nghĩa là đường phân tuyến giữa những người lính thường xuyên thay đổi và họ luôn có thể đối đầu nhau.
Đây được cho là lần đầu tiên có thương vong kể từ khi có cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Trước đó giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra chiến tranh vào năm 1962, khi đó Ấn Độ bị coi là bên chịu thất bại.
Ấn Độ hiện cáo buộc Trung Quốc chiếm giữ 38.000 km2 lãnh thổ của mình. Trong nhiều vòng đàm phán suốt 30 năm qua, hai bên đều không thể giải quyết được tranh chấp biên giới. Vào tháng 5 năm nay, hàng chục binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ tại khu vực biên giới Sikkim ở phía đông bắc Ấn Độ. Năm 2017, hai nước cũng đã đụng độ gần khu vực này, nguyên nhân là Trung Quốc đã cố gắng xây dựng một con đường biên giới xuyên qua cao nguyên đang tranh chấp.
Khu vực tranh chấp là vùng địa hình hiểm trở,phức tạp trên dãy Hymalaya (Ảnh: BBC).
|
BBC cho biết, quân đội Ấn Độ dự kiến sẽ sớm tiếp xúc với các phóng viên để cung cấp thêm thông tin về vụ việc.
Vào ngày 6 tháng 6, các sĩ quan cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã gặp nhau ở Ladakh để thương thảo việc giải quyết cuộc đối đầu đang diễn ra giữa hai bên ở biên giới trên dãy Hymalaya. Hai nước khi đó đều nói họ đồng ý giải quyết đúng đắn cuộc khủng hoảng trên vùng nóc nhà thế giới này thông qua các cuộc đàm phán.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố vào ngày 8/6, các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức "các cuộc đàm phán cấp quân đoàn" ở Moldo vào ngày 6/6 để giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới gần đây. Bà nói rằng hai bên đều bày tỏ muốn giải quyết ổn thỏa các vấn đề liên quan thông qua đàm phán và tham vấn ý kiến. Hôm trước đó, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đưa ra tuyên bố, nói rằng cuộc đàm phán diễn ra trong một "bầu không khí hòa mục và tích cực".
Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra ở dãy Hymalaya ở độ cao hơn 4.300 mét. Cách đây không lâu, Ấn Độ đã làm đường và xây dựng cơ sở hạ tầng bên phía Ấn Độ dọc biên giới, nhưng điều này dường như khiến Trung Quốc tức giận và Bắc Kinh sau đó đã tăng cường các hoạt động trong khu vực. Có tin nói rằng quân đội Trung Quốc đã vượt qua đường kiểm soát thực tế sang đất Ấn Độ vài km.
Truyền thông Ấn Độ cho biết người tham gia hội đàm là Trung tướng Harinder Singh, Tư lệnh Quân đoàn 14 đóng quân ở Leh; phía Trung Quốc là Thiếu tướng Lưu Lâm, Tư lệnh Quân khu Nam Cương. Cuộc hội đàm kéo dài gần 7 giờ.
Quân đội Trung Quốc gần đây tổ chức các cuộc diễn tập quân sự lớn ở gần biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).
|
Hindustan Times đưa tin cả hai bên dự kiến quá trình giải quyết sẽ rất dài, nhưng hai nước đã đồng ý rằng quân đội không cho phép tình hình trên tuyến kiểm soát thực tế leo thang.
Các tin trước đó nói rằng các cuộc xung đột lẻ tẻ nhưng khá dữ dội đã xảy ra giữa hai lực lượng vũ trang. Binh sĩ hai bên đã kịch chiến bằng đá và gậy gỗ, khiến hàng chục binh sĩ ở cả hai phía bị thương. Hiện giờ, binh lính hai phía đang cắm trại trong khu vực và họ cáo buộc đối phương xâm nhập lãnh thổ của mình.
Vào hôm đàm phán, đài truyền hình Trung Quốc (CCTV) đã phát đi hình ảnh về cuộc tập trận "cơ động nguyên biên chế xuyên khu vực" quy mô lớn do quân đội Trung Quốc tổ chức. Tin nói, sử dụng nhiều kênh như hàng không dân dụng, đường sắt và logistic, Trung Quốc đã chuyển hàng ngàn sĩ quan, binh sĩ cùng một số lượng lớn vũ khí và trang thiết bị từ tỉnh Hồ Bắc ở khu vực miền Trung đến Cao nguyên Tây Bắc chỉ trong vài giờ.