Thế nhưng, suốt thời gian đó các ngân hàng trên đã không được Nhà nước, mà ở đây là Bộ Tài chính, chấp thuận dù chỉ một lần chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Agribank - ngân hàng 100% vốn nhà nước - đang có vốn điều lệ thấp nhất không chỉ trong tốp 4, mà còn thấp hơn cả Techcombank.
Đã nhiều năm nay Nhà nước không tăng vốn cho Agribank. Nếu năm nay Agribank không thực hiện xong cổ phần hóa và vốn điều lệ giữ nguyên thì một số ngân hàng cổ phần sẽ qua mặt Agribank về vốn điều lệ.
BIDV và Vietcombank đã và sẽ tăng được vốn điều lệ chủ yếu nhờ bán cổ phần cho nước ngoài. Vào phút chót của năm 2019 BIDV mới áp dụng chuẩn Basel II, trong khi VietinBank đành chịu thua khi không mở nổi cánh cửa này trong năm ngoái.
Không những thế, VietinBank còn chịu áp lực rất lớn khi chỉ số an toàn vốn có khả năng thấp hơn mức quy định là 8% theo Thông tư 41. Năm 2019 tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 15,88%, của BIDV 12,4% nhưng của VietinBank chỉ nhỉnh hơn 7%.
Điều gì đang chờ đợi các ngân hàng trong việc tăng vốn trong năm 2020? Trước hết đó là việc Chính phủ đã đồng ý về chủ trương tăng vốn cho các ngân hàng. Nguồn lực để tăng vốn ngoài việc bán cổ phần cho nước ngoài, sẽ trông cậy chủ yếu vào lợi nhuận sau thuế được giữ lại.
Trao đổi với người viết bài này, lãnh đạo Agribank cho biết năm nay ngân hàng này có thể có 4.000 tỉ đồng để tăng vốn từ nguồn lợi nhuận của năm 2019 nếu được phép giữ lại (sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định).
BIDV đã đề xuất và khả năng lớn là sẽ được giữ lại toàn bộ thặng dư từ đợt bán cổ phần cho đối tác HanaBank (Hàn Quốc) để tăng vốn.
Riêng VietinBank thì đề nghị được chia cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2017-2018, tổng cộng khoảng 15%. Trong trường hợp VietinBank được chia cả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu, thì vốn điều lệ của ngân hàng có thể tăng thêm hơn 20%, tương đương 7.000-8.000 tỉ đồng. Đây thực sự là con số có ý nghĩa và là phương thức hợp lý nhất với VietinBank hiện nay.
Với Agribank, việc tăng vốn phải trình Quốc hội cho ý kiến vì Nhà nước vẫn đang là cổ đông duy nhất. Ngân sách không thể cấp vốn cho Agribank - chuyện đó đã rõ ràng. Cũng giống như xử lý nợ xấu và tái cơ cấu một số ngân hàng, ngân sách không chi một đồng nào.
Tuy vậy, ngân sách có thể “tạm ứng” vốn cho Agribank thông qua việc cho giữ lại một tỷ lệ lợi nhuận thích hợp. Trên thế giới có lẽ ít có ngân hàng quy mô cung ứng tín dụng lớn như Agribank, hệ thống mạng lưới trải rộng như Agribank và cho vay nông nghiệp nông thôn nhiều như Agribank mà vốn điều lệ chưa đầy 1,3 tỉ đô la Mỹ.
Ở đây cần thiết phải nhắc lại hai câu chuyện. Thứ nhất, theo đề án phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, Nhà nước sẽ hạ tỷ lệ sở hữu tại bốn ngân hàng gốc quốc doanh xuống 51%. Trong năm nay và năm sau, tỷ trọng nắm giữ của Nhà nước sẽ giữ nguyên 65%.
Vietcombank, BIDV, Agribank còn nhiều dư địa cho Nhà nước thoái vốn. Muốn thoái được vốn giá cao, thu về những khoản thặng dư lớn, trước hết các ngân hàng cần phát triển. Sự tăng trưởng của các ngân hàng không chỉ phụ thuộc vào cơ chế, chính sách, mà còn phải cả vào nguồn vốn nội lực.
Quy mô vốn chủ sở hữu của các ngân hàng Việt Nam còn quá nhỏ so với các ngân hàng khu vực, chưa nói đến phạm vi châu Á và toàn cầu. Chúng ta cứ nói rằng vào năm này năm kia sẽ có ngân hàng Việt vào tốp 1.000 hay 500 doanh nghiệp khu vực, châu Á... nhưng một trong những điểm cơ bản nhất là vốn tự có lại chưa thể sánh cùng các đồng nghiệp quốc tế.
Thứ hai hệ thống ngân hàng, trong đó bốn ngân hàng kể trên, đang chiếm 50% thị phần, trong nhiều năm nữa tiếp tục là xương sống của nền kinh tế. Với một thị trường vốn phát triển chậm chạp và còn nhiều hạn chế như hiện nay, các ngân hàng sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế nếu có điều kiện thoát khỏi tư duy tận thu của Bộ Tài chính.
Vietcombank nếu được chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ có thể tăng thêm đều đặn 5.000-6.000 tỉ đồng/năm. Vietcombank sẽ nhanh chóng cán đích lợi nhuận trước thuế 2 tỉ đô la Mỹ. Lúc đó số thuế mà Vietcombank nộp ngân sách sẽ cao hơn nhiều. Đừng nghĩ rằng cơ quan quản lý ngân khố quốc gia không nhìn ra điều đó. Tuy nhiên nhìn ra thôi là chưa đủ. Quan trọng là thực hiện để sự nhìn nhận biến thành hiện thực./.
Theo TBKTSG