Mua trái phiếu ngân hàng - kênh đầu tư mới

Trong bối cảnh tăng vốn điều lệ của các ngân hàng còn nhiều khó khăn, có vẻ như hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn tự có đã và sẽ trở thành một xu hướng mà các ngân hàng thương mại ưu tiên lựa chọn.
Hôm nay 30-6, ACB chính thức phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Ảnh: KINH LUÂN
Hôm nay 30-6, ACB chính thức phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Ảnh: KINH LUÂN

Nhiều ngân hàng lựa chọn phương án phát hành trái phiếu

Nghị quyết kỳ họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2016 của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) thông qua phương án phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu kèm chứng quyền để tăng vốn điều lệ với kỳ hạn ba năm, lãi suất tối đa 9,5%. Gần đây hơn có ACB thông báo phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn năm năm với lãi suất thả nổi bằng bình quân lãi suất tiết kiệm bằng tiền đồng kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank (VCB) và Agribank cộng thêm 2%, cụ thể là 8,5% nếu tính ở thời điểm hiện tại.

Trong kế hoạch tăng vốn năm 2016, VCB cũng xây dựng phương án phát hành trái phiếu để tăng vốn đồng thời với việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ 10% cho nhà đầu tư nước ngoài. Những năm gần đây song song với việc tăng vốn điều lệ, nhiều ngân hàng đã chọn cách phát hành trái phiếu dài hạn như là một hình thức để thu hút nhà đầu tư.

Trong bối cảnh hoạt động ngành ngân hàng còn nhiều rủi ro, các ngân hàng đang phải vật lộn với nợ xấu nên thu hút thêm cổ đông mới bỏ vốn đầu tư hoặc các cổ đông hiện hữu góp thêm vốn là rất khó, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua cũng đã giám sát và hạn chế tình trạng sở hữu chéo của các ông chủ ngân hàng.

Ngoài ra, tại các ngân hàng có cổ đông chiến lược thì giới hạn room cho các cổ đông nước ngoài đã không còn, thậm chí một số ngân hàng có cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì còn đang chịu áp lực thoái vốn từ các tổ chức này.

Lợi ích phát hành trái phiếu

Lợi ích đầu tiên là các cổ đông ngân hàng sẽ tránh được tình trạng pha loãng cổ phiếu và gây áp lực lên các chỉ số sinh lời như ROA và ROE. Đã qua rồi thời vốn điều lệ tăng vài ngàn tỉ mà ROA và ROE vẫn duy trì ở mức cao cho cổ đông. Tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng giờ đây đối diện với muôn vàn khó khăn, để duy trì được kết quả tích cực đã khó chứ chưa nói đến việc tăng trưởng mạnh lợi nhuận trong bối cảnh phải xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro cao. Các trái phiếu đặc biệt của VAMC như dây thòng lọng nhắc nhở các ngân hàng về nhiệm vụ trích lập dự phòng mỗi năm.

Lợi ích thứ hai là phát hành trái phiếu như đã nói sẽ giúp các ngân hàng tăng vốn tự có cấp 2, hoặc sẽ là tiền đề để các ngân hàng tăng vốn điều lệ trong tương lai nếu là trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền.

Việc tăng vốn tự có là điều kiện để các ngân hàng mở rộng các hoạt động kinh doanh mà vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như những giới hạn quy định. Hiện tại có khá nhiều giới hạn quy định gắn với vốn tự có của ngân hàng như: giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng/nhóm khách hàng, tỷ lệ đầu tư góp vốn mua cổ phần, hệ số CAR, số lượng chi nhánh ngân hàng được phép mở thêm, đầu tư tài sản cố định...

Tuy nhiên, theo quy định về các chỉ tiêu an toàn thì tổng giá trị vốn cấp 2 tối đa bằng 100% tổng giá trị vốn cấp 1 và tổng giá trị trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi và các công cụ nợ khác cũng chỉ tối đa bằng 50% vốn cấp 1. Do đó, các ngân hàng đã đụng trần quy định, nếu muốn phát hành thêm trái phiếu thì phải tăng thêm vốn điều lệ. Trường hợp của BIDV là một ví dụ cụ thể do vốn cấp 2 đã đến ngưỡng giới hạn, thì lựa chọn khả dĩ nhất là phải sớm tìm kiếm đối tác chiến lược để tăng vốn điều lệ.

Ngoài ra các ngân hàng sẽ có được nguồn vốn hoạt động dài hạn với lãi suất thấp thay vì phải đi huy động từ khách hàng. Với mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện tại là 6,5-7,5% thì việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm ở mức lãi suất từ 8,5-9,5% là không cao, nhất là khi rất khó để huy động tiền gửi dài hạn từ khách hàng dân cư.

Với lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn năm năm hiện tại ở khoảng 6,2% thì phần bù rủi ro cũng chỉ ở mức 2-3%. Trong khi đó, với mặt bằng lãi suất hiện tại ở mức thấp trong thời gian gần đây và dự báo xu hướng sắp tới có thể đi lên trở lại thì việc phát hành trái phiếu những năm gần đây có vẻ là một phương án phù hợp.

Người mua nên chú ý điều gì?

Nếu như trước đây đối tượng mua các trái phiếu phát hành bởi ngân hàng thường là các ngân hàng bạn, dẫn đến việc một số ngân hàng mua trái phiếu lẫn nhau giúp tổng tài sản và vốn tự có tăng ảo, thì giờ đây với chính sách giám sát chặt chẽ và hạn chế đầu tư sở hữu chéo lẫn nhau, đối tượng mua trái phiếu phát hành bởi ngân hàng cũng có sự thay đổi.

Theo phương án của NCB thì người mua sẽ là các cổ đông sở hữu phần vốn điều lệ 3.010 tỉ đồng hiện có và các tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước. Với trường hợp của ACB, theo quyết định của NHNN, là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, tuy nhiên đối tượng mua trái phiếu do ACB phát hành lần đầu trên thị trường sơ cấp không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con của tổ chức tín dụng.

Như vậy có thể thấy các cá nhân vẫn có thể tham gia mua trái phiếu của các ngân hàng với mục đích đa dạng hóa kênh đầu tư. Thay vì gửi tiền kỳ hạn dài với lo ngại rút trước hạn sẽ bị tính lãi suất không kỳ hạn, hoặc có thể gặp rủi ro lãi suất khi lãi suất thị trường đi lên do lãi suất tiền gửi là cố định, thì khi đầu tư trái phiếu nhà đầu tư có thể bán trên thị trường thứ cấp nếu cần tiền và cũng không phải lo ngại rủi ro lãi suất do lãi suất của trái phiếu có thả nổi theo lãi suất thị trường như trái phiếu của ACB.

Tuy nhiên, điều các nhà đầu tư cần chú ý là đối với các ngân hàng để trái phiếu đủ điều kiện để được tính là vốn tự có cấp 2 thì trái phiếu này phải có kỳ hạn ban đầu tối thiểu năm năm, không được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức tín dụng, không được mua lại, trả nợ trước thời gian đáo hạn, được ngừng trả lãi và chuyển lãi lũy kế sang năm tiếp theo nếu việc trả lãi dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ.

Theo thông tư quy định tỷ lệ an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) thì vốn tự có của TCTD bao gồm vốn tự có cấp 1 và vốn tự có cấp 2, trong đó:

Vốn cấp 1 bao gồm:

- Vốn điều lệ (chiếm tỷ trọng chủ yếu trong vốn tự có)

- Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ

- Quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ

- Lợi nhuận không chia lũy kế

- Thặng dư vốn cổ phần

Vốn cấp 2 bao gồm:

- 50% chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của pháp luật

- 40% chênh lệch tăng do đánh giá lại các khoản góp vốn đầu tư dài hạn theo quy định của pháp luật

- Quỹ dự phòng tài chính

- Dự phòng chung

- Trái phiếu chuyển đổi, công cụ nợ khác do TCTD phát hành thỏa mãn một số điều kiện theo quy định.

Theo TBKTSG