Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tại buổi gặp gỡ với các nhà giáo, cán bộ quản lý toàn ngành, diễn ra sáng nay, 15/8.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh rằng, nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. Đây là điểm quan trọng khi trong giai đoạn trước giáo viên phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, "coi sách giáo khoa là chỗ dựa, dạy phải theo đó, học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì phải thi thế ấy".
Tuy vậy, sự thay đổi lớn của lần này là chương trình thống nhất toàn quốc với yêu cầu sách giáo khoa là học liệu. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, có thể coi sách giáo khoa là học liệu đặc biệt và cần sử dụng một cách chủ động và sẵn sàng sử dụng các bộ sách giáo khoa khác, các học liệu khác, một cách linh hoạt, nhằm phát huy quyền chủ động của giáo viên.
Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa thì chúng ta không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng của chương trình. "Qua thực tế thăm dò giáo viên ở nhiều vùng miền khác nhau, vẫn còn nhiều người phụ thuộc vào sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc thay đổi cần diễn ra từng bước, không thể một sớm một chiều được" - người đứng đầu ngành Giáo dục nêu thực tế.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kêu gọi giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông cần điều chỉnh cả thói quen trong chuyên môn và sinh hoạt tập thể. Vai trò của giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới được nhiều quyền hơn, chủ động hơn – cần được phát huy. Giáo viên có quyền quyết định các nội dung, tuần tự bài học, tổ chức kiểm tra đánh giá.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, những điều này vốn chưa từng có, khi trước đây lịch trình dạy và học, cách thức kiểm tra mang tính đồng loạt, tuân thủ đồng nhất theo quy định thì nay, giáo viên được trao quyền chủ động. Tuy vậy, đòi hỏi giáo viên cũng phải có năng lực, kỹ năng mới sử dụng hết quyền chủ động đó được.
Đặc biệt, về năng lực chủ động của giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận: "Dường như các trường ngoài công lập đang làm tốt hơn các trường công lập" và cho rằng, với trường học mang tính mở, giáo viên cần tham gia cùng nhà trường xây dựng kế hoạch, quyết định lựa chọn sách giáo khoa…
Hiệu trưởng là người dẫn dắt, không phải một ông quan
Nhấn mạnh vai trò của hiệu trường, người đứng đầu trường phổ thông, trong công cuộc đổi mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiệu trưởng là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới ở một cơ sở giáo dục. Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ngôi trường đó đổi mới được. Nếu các hiệu trưởng không thay đổi thì sự thay đổi của các giáo viên sẽ rất khó khăn và có thể dẫn tới sụp đổ.
"Rất nhiều hiệu trưởng qua thăm dò, tiếp xúc, thấy rất nhiệt huyết, làm tốt, nhưng cũng có một phần không tham gia tập huấn, không nghiên cứu chương trình, phó thác việc đó cho hiệu phó, tổ trưởng bộ môn, giáo viên cốt cán… nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới" - ông Sơn nhận xét.
Trong sự đổi mới, muốn có một trường học hạnh phúc, vai trò của mỗi giáo viên phải được phát huy. Để làm được điều đó, hiệu trưởng rất quan trọng. Không phải là một ông quan trong cơ sở giáo dục, hiệu trưởng cần phải là người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các giáo viên.
"Cho nên, mong các hiệu trưởng bắt nhịp với các mục tiêu đổi mới của chương trình giáo dục, để trở thành những người dẫn dắt công cuộc đổi mới. Triết lý của chương trình mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động. Nếu tính nhân văn, tính chủ động đó không được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng, thì nhân văn, chủ động đó chỉ dừng ở cổng trường" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ./.