Bộ NNPTNT cắt giảm đối tượng phải kiểm dịch

VietTimes -- Đây là hoạt động…sắp được thực hiện, tập trung vào danh mục hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm dịch động vật, kiểm dịch thủy sản thuộc thẩm quyền của Bộ NNPTNT.
Hình minh họa. Nguồn: VGP
Hình minh họa. Nguồn: VGP

Theo đó, qua rà soát quy trình, thủ tục, danh mục, Bộ NNPTNT xác định các nội dung vướng mắc trong kiểm dịch, đặc biệt với sản phẩm động vật, kiểm dịch động vật, thủy sản.

Các vướng mắc tập trung tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT. Dự kiến, trong tháng 10/2018, Bộ NNPTNT sẽ hoàn thành sửa đổi hai thông tư này.

Theo đó, khái niệm “sản phẩm động vật” theo định nghĩa của Chính phủ và quy định tại các thông tư này (bảng mã số HS đi kèm) là quá rộng, quá mức cần thiết. Bộ NNPTNT cho rằng chỉ nên kiểm dịch đối với các sản phẩm tươi sống hoặc sơ chế.

Cụ thể, Tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 và Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT quy định Danh mục hàng hóa phải kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản còn rộng, nhiều mặt hàng đã qua chế biến sâu cũng thuộc diện phải kiểm dịch như các loại thủy sản hun khói, đồ hộp...

Đồng thời, tại danh mục chưa định danh rõ các mặt hàng thuộc mã hàng “loại khác” của “loại khác”. Và, giống thủy sản nhập khẩu vừa phải kiểm tra chất lượng và kiểm dịch tại tới hai cơ quan (Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản), đều thuộc Bộ NNPTNT.

Mặt khác, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm, với nhiều quy định mới đã thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP. Do vậy, một số nội dung quy định tại hai thông tư là không còn phù hợp.

Về thực hiện, vào tháng 5/2018, Bộ NNPTNT đã rà soát, xác định một số nhóm hàng nhập khẩu đang chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều đơn vị khác nhau thuộc Bộ. Tới tháng 8/2018, Bộ đã điều chỉnh phân công nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu trước thông quan.

Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thực hiện đồng thời kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu trước thông quan. Còn Cục Thú y sẽ thực hiện đồng thời kiểm dịch và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật nhập khẩu trước thông quan theo quy định pháp luật.

Như vậy, doanh nghiệp nhập khẩu chỉ phải đăng ký và khai báo một lần để thực hiện một thủ tục hành chính tại một đơn vị thuộc Bộ NNPTNT.