Bộ công thương lên tiếng về chỉ đạo "phi thị trường" của Tổng cục Năng lượng

Trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5/2016, khi được hỏi về vấn đề liên quan đến chỉ đạo của Bộ Công Thương mà trực tiếp là Tổng cục Năng lượng đối với chủ đầu tư là Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 mua than do TKV sản xuất hay không và liệu giá mua như vậy có cao so với doanh nghiệp chào hàng hay không, liệu có thất thoát ngân sách Nhà nước hay không, thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã lên tiếng về vấn đề này.
Bộ công thương lên tiếng về chỉ đạo "phi thị trường" của Tổng cục Năng lượng

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, vấn đề năng lượng, đặc biệt là an ninh năng lượng là vấn đề hết sức quan trọng. Để việc bảo đảm an ninh năng lượng mà hiện nay đang có, chúng tôi khẳng định đây không phải thành tích của Bộ Công Thương, càng không phải là thành tích của EVN hay các cơ quan, đơn vị khác của Bộ Công Thương.

Đây là thành tích của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, kể cả vấn đề chúng ta bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh, đủ điện cho tất cả người dân, và gần như đến nay khoảng 99% là bảo đảm lưới điện đến người dân, kể cả vùng sâu vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Chúng ta cũng đã thực hiện được mong ước của Bác Hồ là đưa điện ra đảo Cô Tô.

Vấn đề cung cấp điện không đơn giản như là một hợp đồng mua bán bình thường. Nói đến an ninh năng lượng, các nhà máy nhiệt điện, ví dụ nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, thì phải đưa vào tổng sơ đồ điện 7 đã được Chính phủ phê duyệt, phải bảo đảm hằng năm cung cấp đủ lượng điện đó.

Đây là nhà máy nhiệt điện, muốn cung cấp đủ điện thì cần phải có một lượng than bảo đảm tính ổn định, lâu dài cho việc sản xuất điện.

Chính vì vậy, ngày 26/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phải phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do TKV và Tổng Công ty Than Đông Bắc sản xuất và Bộ Công Thương phải chỉ đạo TKV, PVN mua than trong nước cho sản xuất điện từ hai đơn vị này.

Có nghĩa rằng không phải bất cứ một đơn vị nào có thể cung cấp than để sản xuất điện mà chủ yếu tập trung vào 2 đơn vị lớn có nguồn than ổn định, đủ để bảo đảm cho sản xuất điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có công văn 758 gửi TKV cũng như Tổng Công ty Than Đông Bắc yêu cầu cũng như đề nghị cung cấp đủ than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng. Ngày 6/4, TKV đã ký hợp đồng với tổng số 2,6 triệu tấn than.

Tuy nhiên, Công ty Điện Vũng Áng báo cáo là có sự cố ở tổ máy số 1, dự kiến mất 10 tháng để sửa chữa, và vì vậy lượng than để sản xuất điện đã ký với TKV đủ để cho sản xuất điện theo quy định.

Chính vì vậy, Tổng cục Năng lượng đã yêu cầu TKV thực hiện hợp đồng của mình đã ký với Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, bảo đảm lượng điện sản xuất theo như nội dung đã ký kết, chứ không có việc chỉ có 1 mình TKV là được phép cung cấp.