Bộ Công thương chuẩn bị đàm phán với Carlsberg về bán cổ phần Habeco

VietTimes -- Ngày 31/10/2016, Bộ Công thương bắt đầu đàm phán với Carlsberg về việc bán vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Bia – Rượu – NGK Hà Nội (Habeco).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (29/10), trả lời phóng viên về việc thoái vốn Nhà nước khỏi Habeco có ưu tiên cổ đông chiến lược là Carlsberg hay không, đại diện Bộ Công thương – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: “Việc đàm phán với đối tác Carlsberg sẽ tiến hành với thứ hai tuần tới (31/10), sau đó Bộ sẽ có thông báo chính thức về vấn đề này”.

Từ năm 2008, Carlsberg đã bày tỏ sự quan tâm đến Habeco và chỉ sau đó 1 năm đơn vị này đã chính thức thành cổ đông chiến lược của Habeco. Sau đó, Carlsberg đã nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Habeco lên 17,49%. Theo thỏa thuận được hai bên ký kết năm 2009, khi Habeco tiến hành cổ phần hóa và cổ phiếu lên sàn, Carlsberg sẽ được ưu tiên mua cổ phần của Habeco, đổi lại Carlsberg cam kết hỗ trợ Habeco phát triển, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ mở rộng thị trường và nâng cấp quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế chính những ràng buộc trong hợp đồng đó đang khiến cho việc bán vốn cho cổ đông chiến lược tại Habeco gặp khó. Dư luận có nhiều đồn đoán về mối quan hệ không được êm ấm giữa Habeco và Carlsberg. Ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Habeco từng phát biểu trước báo giới: “Sau 5 năm bắt tay, Carlsberg đã không thực hiện được những cam kết đó. Điều rủi ro và gây khó khăn cho chúng tôi hiện nay là họ tham gia HĐQT và nắm rõ hết chiến lược phát triển của Habeco, cách phát triển thị trường, kênh phân phối”.

Hiện tại, cơ cấu cổ đông của Habeco khá "cô đặc": Nhà nước (Bộ Công thương đại diện) nắm 81,79%, Carlsberg nắm 17,49% và cổ đông khác nắm 0,72%

Có thể thấy, Carlsberg rất sốt sắng trong việc tăng sở hữu cổ phần tại Habeco. Cách đây vài năm, Bộ Công thương cũng đã có kế hoạch thoái một phần vốn tại Habeco cho Carlsberg để Tập đoàn này sở hữu lên 30% nhưng sau đó sự việc này bất thành bởi hai bên không đạt được thỏa thuận.

Mặc dù đại diện Carlsberg luôn khẳng định mối quan hệ giữa hai bên vẫn luôn tốt đẹp, nhưng với những diễn biến đã xảy ra trong thời gian qua, sẽ còn rất nhiều việc cần thương lượng để các bên tìm được tiếng nói chung trong cuộc đàm phán sắp tới.