Nếu như câu lạc bộ Real Madrid có bộ ba tấn công B-B-C hay Barcelona có M-S-N đang khuấy đảo bóng đá châu Âu thì người Thái Lan cũng có bộ ba C-S-C đang không ngừng bánh trướng trong nền kinh tế Việt Nam. Đó chính là ba gia đình giàu nhất Thái Lan Chearavanont (C.P Group), Sirivadhanabhakdi (TCC Holdings) và Chirathivat (Central Group).
Những cái tên không hề dễ nhớ nhưng tầm ảnh hướng của họ tại Việt nam ngày càng lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, 2 trong 3 tỷ phú giàu nhất Thái Lan đã chi ra hơn 1,7 tỷ USD để mua lại hai doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam là Big C và Metro.
Vị tỷ phú còn lại, Dhanin Chearavanont đã lựa chọn con đường đầu tư trực tiếp từ hơn 20 năm trước, hiện sở hữu công ty nông nghiệp lớn nhất Việt Nam – C.P Vietnam.
Sau khi đã thiết lập vị thế vững chắc trên thị trường thức ăn chăn nuôi, hiện C.P Vietnam đang ra sức đẩy mạnh lĩnh vực chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ thịt, cá, gia cầm. Doanh thu năm 2015 của C.P Vietnam lên đến 2,1 tỷ USD, gần gấp đôi so với Big C và Metro cộng lại.
Một số doanh nghiệp lớn mà người Thái đã đầu tư trực tiếp hoặc mua lại tại Việt Nam
Trải qua một thời gian dài đầu tư, bộ ba C-S-C hiện có trong tay một danh mục cực kỳ giá trị Việt Nam, gồm có Metro, Big C, C.P Việt Nam, Nguyễn Kim, Phú Thái Group… với tổng doanh thu hàng năm không dưới 4 tỷ USD - tương đương gần 2% GDP của Việt Nam.
Chắc chắn danh sách mua lại sẽ không dừng lại ở đó. Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi thông qua công ty con F&N tại Singapore hiện còn nắm trong tay 11% cổ phần của Vinamilk, trị giá hơn 800 triệu USD. Một khi SCIC tiến hành thoái vốn khỏi Vinamilk thì F&N sẽ là một trong những ứng viên mua lại sáng giá nhất. Vài năm trước, vị tỷ phú này được cho là đã ngỏ lời mua lại Sabeco.
Những động thái quyết liệt và những thành công của bộ ba “C-S-C” tại thị trường Việt Nam đã khiến cho việc đầu tư của doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam trở thành một làn sóng mạnh mẽ chứ không còn là những thương vụ đơn lẻ như trước.
Cách đây không lâu, tỷ phú giàu thứ 7 Thái Lan Santi Bhirombhakdi cũng đã rót 650 triệu USD trên tổng vốn cam kết là 1,1 tỷ USD vào Masan Consumer Holdings nhằm gia tăng mối liên kết trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng tại các nước lục địa ASEAN.
Không nắm quyền chi phối nhưng người Thái đã đầu tư đáng kể vào 2 doanh nghiệp hàng tiêu dùng hàng đầu Việt nam là Masan Consumer và Vinamilk
Tỷ phú giàu thứ 4 Thái Lan, Chalerm Yoovidhya dù không bành trướng mạnh như ba người dẫn đầu nhưng cũng có sản phẩm “len lỏi” khắp Việt Nam: Red Bull, thường được biết gọi với tên dân dã là “bò húc”. Red Bull mới chỉ thành lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam trong vài năm gần đây sau một thời gian dài nhập khẩu sản phẩm trực tiếp từ Thái Lan.
Một tập đoàn công nghiệp lớn của Thái là SCG (Siam Cement Group) cũng đã gây dựng được danh mục hàng chục công ty lớn nhỏ trong lĩnh vực VLXD, giấy, nhựa gồm Prime Group, Nhựa Tín Thành, TPC Vina… với tổng doanh thu đạt hơn 600 triệu USD trong năm ngoái.
Dù quy mô chưa lớn nhưng các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán có trụ sở ở Thái Lan cũng đang dành sự quan tâm nhiều hơn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Quỹ đầu tư PYN Elite đã đi toàn bộ 200 USD cổ phiếu Thái Lan để mua cổ phiếu Việt. Đón đầu làn sóng nhập khẩu ô tô Thái Lan, ngay từ năm ngoái các doanh nghiệp Thái đã đầu tư đáng kể vào một số doanh nghiệp phân phối ô tô như Savico, Trường Long…
Những thương vụ từ hàng chục triệu đến hàng tỷ USD diễn ra liên tục cho thấy người Thái đang tận dụng mọi cơ hội có thể để thâm nhập vào tạo chỗ đứng vững chắc trên mọi lĩnh vực tại thị trường Việt Nam.
Theo Trí thức trẻ