Triều Tiên trên “bàn cờ” các siêu cường:

Bình Nhưỡng rất giỏi trong việc dùng lực lượng này để cân bằng lực lượng kia

VietTimes -- Triều Tiên đóng một vị trí rất quan trọng trong chiến lược của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Ngoài vị trí địa chiến lược, Triều Tiên đang nắm nhiều con bài giá trị để mặc cả với các nước lớn và người Triều Tiên rất giỏi trong việc dùng lực lượng này để cân bằng lực lượng kia.
TS. Trần Việt Thái: "Triều Tiên luôn ở trong thế phải xử lý những mối quan hệ chằng chịt, rất phức tạp".
TS. Trần Việt Thái: "Triều Tiên luôn ở trong thế phải xử lý những mối quan hệ chằng chịt, rất phức tạp".

TS. Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao) đánh giá, Triều Tiên luôn phải cân bằng 5 nước lớn cùng lúc: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, chưa kể Liên hợp quốc. Theo đó, lúc nào Triều Tiên cũng ở trong thế phải xử lý những mối quan hệ chằng chịt, rất phức tạp.

Triều Tiên vốn là một quốc gia kỳ lạ và chưa có đời Tổng thống Mỹ nào không trăn trở về vấn đề Triều Tiên. Theo ông đánh giá, Triều Tiên đóng vai trò gì trên bàn cờ chính trị của các nước lớn, và vai trò của Triều Tiên trong bàn cờ chiến lược của Mỹ- Trung Quốc và thấp hơn là của Nga và Nhật Bản?

- Trước tiên, do vị trí địa lý, nên Triều Tiên đóng một vị trí rất quan trọng trong chiến lược của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Triều Tiên rất khác với các nước khác, ngay như Việt Nam, trong thời kì cao điểm nhất của lịch sử, Việt Nam cũng chỉ phải cân bằng với 4 nước. Đó là giai đoạn những năm 1945 - 1946, khi quân Nhật vẫn còn đồng minh trên đất Việt Nam, quân Tưởng vào giải giáp ở phía Bắc, quân Anh vào giải giáp từ vĩ tuyến 17 và sau lưng quân Anh là quân Pháp. Như vậy, thời ấy trên lãnh thổ Việt Nam có đồng thời 4 nước lớn, nhưng chỉ trong 2 năm thôi. Còn từ đó đến nay, Việt Nam chỉ cân bằng giữa 2 nước Xô - Mỹ hoặc 3 nước Mỹ - Xô - Trung là cùng thôi. 

Còn Triều Tiên, họ luôn phải cân bằng 5 nước lớn cùng lúc: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, chưa kể Liên hợp quốc. Theo đó, lúc nào Triều Tiên cũng ở trong thế phải xử lý những mối quan hệ chằng chịt, rất phức tạp.

Vị trí của Triều Tiên là vị trí địa chiến lược, có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước xung quanh. Đối với Trung Quốc, đây là khu đệm, khu đệm về mặt an ninh trong khu vực để gia tăng ảnh hưởng. Với Mỹ, nó là cái cớ để Mỹ duy trì một lực lượng hiện diện ở đây. Với Nga, Nga đưa lực lượng sang những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, họ có ảnh hưởng nhất định ở khu vực. Mãi về sau này, khi Liên Xô sụp đổ thì họ mới mất dần ảnh hưởng. Nhật Bản cũng thế. Thực tế, Triều Tiên luôn phải cân bằng mối quan hệ giữa các nước này cùng lúc.

Ngoài ra, bản thân Triều Tiên cũng có chiến lược với các nước lớn. Họ dùng nước này để đối chọi với nước kia. Nhưng trong đó, Triều Tiên dựa chủ yếu vào Trung Quốc và một phần là Liên Xô cũ để tạo thế cân bằng.

Hơn thế nữa, Triều Tiên có rất nhiều kinh nghiệm trong xử lý quan hệ với các nước lớn. Từ thực tế các vấn đề ở Triều Tiên, có thể thấy họ xử lý rất bình tĩnh. Điều đó tôi đánh giá là nhờ có nền tảng, chứ không phải yếu tố tự nhiên.

Ông đánh giá Triều Tiên có những yếu tố nào để giữ được vị thế chiến lược, để “mặc cả” với các nước lớn? Liệu giờ Triều Tiên có nhượng bộ vấn đề hạt nhân để đổi lấy sự mở cửa, quan hệ với các nước không, hay chỉ là nhượng bộ tạm thời, chỉ là chiến thật chứ chưa mang tính chiến lược?

- Phân tích về Triều Tiên, có thể thấy, Triều Tiên có nhiều Át chủ bài, nhiều con bài giá trị.

Thứ nhất, đó là vị trí địa lí có tính chất địa chiến lược. Chính thế chiến lược và vị trí địa chiến lược của Triều Tiên mới là Át chủ bài vĩnh viễn.

Con bài có giá trị thứ hai chính là hạt nhân, gồm 3 yếu tố: Đầu đạn, tên lửa, và công nghệ làm giàu Uranium và Plutonium. Tên lửa có 3 loại: Tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Công cụ của nó khác nhau. Tầm xa để đe dọa Mỹ, tầm ngắn để đe Nhật Bản và Hàn Quốc và tầm trung là để đe nẹt các nước khác. Mỗi thứ đều có những giá trị riêng của nó về mặt chiến lược để "mặc cả".

Công nghệ làm giàu Uranium và Plutonium cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng. Làm giàu có nhiều mức độ, loại trên 85% thì mới làm được bomb, loại 5% trở xuống thì dùng vào mục đích dân sự. Tuy nhiên, mức độ làm giàu, số lượng Uranium được làm giàu và số lượng máy gia tốc làm giàu mà hiện Triều Tiên đều đang nắm giữ đều là bí mật và đó là những con bài rất giá trị để đem ra "mặc cả". Có thể nói, Triều Tiên đang nắm giữ một gói vấn đề có giá trị để "mặc cả" với các nước lớn.

Còn bài có giá trị thứ 3 là sự hiện diện của quân đội Mỹ, bởi ngoài vũ khí hạt nhân, còn những lực lượng pháo binh cực mạnh kèm theo đó là lực lượng quân đội rất mạnh đóng ở biên giới, mà chỉ cần 30 phút là có thể hủy diệt Seoul. Đây có thể nói là con bài "mặc cả" rất mạnh.

Vì nó phức tạp như vậy, nên một cuộc gặp thượng đỉnh không thể giải quyết được hết. Thực tế vấn đề Triều Tiên đã tồn tại 70 năm rồi chưa giải quyết được, thì một cuộc thượng đỉnh tới đây không bao giờ giải quyết được.

Về câu hỏi liệu Triều Tiên có nhượng bộ không, tôi cho rằng phải theo dõi quá trình đàm phán. Cho đến nay, quá trình đàm phán đang diễn ra và về cơ bản, đã đến giai đoạn cuối rồi.

Ông đánh giá thực hư về quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc như thế nào, liệu Triều Tiên có bị sức ép nào của Trung Quốc không? Nhiều ý kiến cho rằng thái độ của Triều Tiên với Mỹ chính là thái độ của Trung Quốc với Mỹ. Ông bình luận thế nào về việc này?

- Chính sách của Triều Tiên không bao giờ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Thực tế, khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền vào tháng 12/2011, sau đó 6 năm trời, ông Kim không xuất ngoại; trong khi đó, 7 - 8 tuần gần đây, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đi thăm Trung Quốc đến 2 lần. 

Thực tế, sau khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền, để củng cổ quyền lực, ông ấy dẹp nội bộ, loại một số nhân vật thân Trung Quốc. Từ đó, quan hệ Trung - Triều bắt đầu căng thẳng.

Khi ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (cuối năm 2012) rồi Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (đầu năm 2013), ông Tập Cận Bình không đi thăm Triều Tiên mà đi thăm Hàn Quốc trước tiên. Quan hệ hai nước giai đoạn này rất căn thẳng, vì nhiều lí do.

Thứ nhất, do nội bộ Triều Tiên muốn dẹp phe Trung Quốc nên những nguồn tin trong hệ thống trước đây đã bị dẹp hết. Thứ hai, Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân, phát triển công nghệ tên lửa vượt ngoài ý muốn của Trung Quốc. Thứ ba, Hàn Quốc thời bà Park Geun-he xử lý quá khéo. Từ những lí do đó, nên ông Tập Cận Bình đi thăm Hàn Quốc, chứ không thăm Triều Tiên. Tôi đánh giá đó là chuyện chưa từng có.

Trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên đối thoại với Mỹ nhưng muốn thành công, không thể bỏ qua vai trò của Trung Quốc.
Trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên đối thoại với Mỹ nhưng muốn thành công, không thể bỏ qua vai trò của Trung Quốc.

Trái ngược hẳn với giai đoạn đó, gần đây, ông Kim Jong-un vừa đi thăm Trung Quốc 2 lần. Lý giải cho chuyện này, có thể thấy, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Triều Tiên thừa hiểu nếu không có trao đổi trước với Trung Quốc thì không thể xử lý được vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Chuyện này chắc chắn không thể được giải quyết nếu không có bàn tay đóng góp của Trung Quốc. Do vậy, họ đã chủ động thiết kế một chuyến đi sang làm việc với Trung Quốc, nhưng họ chỉ đi sau khi Tổng thống Mỹ nhận lời và sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Mỹ đến Bình Nhưỡng đầu tháng 4/2018, thì Nhà lãnh đạo Triều Tiên đi Trung Quốc nửa cuối tháng 4/2018, sau khi họ đã định hình một khuôn khổ, có tiếp cận chính thức với chính quyền Mỹ thì họ mới đi Trung Quốc. Điều đó rất quan trọng, thời điểm đó rất quan trọng!

Những tiếp xúc của chính quyền Triều Tiên với Mỹ chắc chắn đã được tình báo Trung Quốc nắm được và theo đó, Trung Quốc buộc phải điều chỉnh để đón Nhà lãnh đạo Triều Tiên. Sau khi ông Kim Jong-un trở về, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại đến Triều Tiên lần thứ hai.

Trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, không thể bỏ qua vai trò của Trung Quốc.

Nhưng cũng có cách hiểu thứ hai: Trung Quốc bắt buộc Triều Tiên phải sang Đại Liên (Trung Quốc) để trao đổi, vì Trung Quốc lo sợ nếu Triều Tiên bình thường hóa quan hệ với Mỹ, quân đội Mỹ tăng cường hiện diện tại Triều Tiên hoặc Triều Tiên ở cửa đa phương hóa, đa dạng hóa thì lợi ích và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Triều Tiên sẽ giảm xuống. Chính vì thế, Trung Quốc buộc phải xây dựng một khuôn khổ vững chắc với Triều Tiên trước khi tình hình thay đổi.

Gần đây có thể thấy sự cải thiện đáng kể trong mối quan hệ giữa 2 miền Nam - Bắc Triều Tiên. Liệu tương lai, Triều Tiên và Hàn Quốc có thể thống nhất được không, thưa ông?

- Theo quan điểm của tôi, hai bên sẽ có hòa bình, ổn định nhưng chưa thể thống nhất ngay.

Hiện nay cái cần nhất của Triều Tiên là hòa bình ổn định và sẽ từng bước giải giáp. Nhưng họ dùng giải giáp đó để "mặc cả" đổi lấy dỡ bỏ lệnh cấm vận, cải cách mở cửa và hội nhập quốc tế giống như Việt Nam đã từng làm: Cải cách, mở cửa, hội nhập. Khi cải cách mở cửa, buộc lòng Triều Tiên phải giảm quân số, bớt chi phí đầu tư cho an ninh, quân đội để dành đầu tư cho phát triển kinh tế.

Còn cái cần nhất của Hàn Quốc là hòa bình ổn định.

Khi hai bên đi theo hai thể chế chính trị khác nhau, hai hệ thống khác nhau, hai con đường phát triển khác nhau, thì sẽ đi theo hai hướng khác nhau, chứ khó có thể gặp nhau được. Nhưng sẽ có hòa bình ổn định và mỗi bên sẽ tự quyết định lấy vận mệnh của mình.

Tôi cho rằng Hàn Quốc cũng không vội vàng mong muốn thống nhất ngay, bởi bài học của nước Đức vẫn còn rất rõ. Cho nên, họ muốn Triều Tiên cải cách mở cửa đến một mức nào đó rồi thống nhất thì cái giá của sự thống nhất hai miền sẽ là thấp nhất.

Ở thời điểm này, điều họ cần chính là hòa bình, ổn định, cần Triều Tiên phi hạt nhân hóa, cần Triều Tiên cải cách mở cửa, cần một cam kết của Mỹ về hòa bình lâu dài, chấm dứt chiến tranh.

Còn chuyện quân đội Mỹ ở hay đi là câu chuyện khác. Việc quân đội Mỹ rút hẳn khỏi bán đảo Triều Tiên chưa chắc đã là tốt cho chính Triều Tiên, chứ chưa nói Hàn Quốc, vì người Triều Tiên rất giỏi trong việc dùng lực lượng này để cân bằng lực lượng kia, dùng yếu tố này để trấn áp yếu tố khác.

- Xin cảm ơn ông!