Biển Đông nóng bỏng, Trung Quốc lo bị Mỹ bao vây

Các chuyên gia Trung Quốc thường cho rằng yếu tố cốt lõi trong tranh chấp Biển Đông trong những năm gần đây chính là chiến lược “trở lại châu Á” của Washington. Dường như nhiều người Trung Quốc cho rằng mục tiêu chính của chiến lược “trở lại châu Á” là để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực ở châu Á-Thái Bình Dương
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực ở châu Á-Thái Bình Dương

Những năm gần đây là một giai đoạn đầy ắp sự kiện đối với tranh chấp Biển Đông. Vào năm 2009, việc các bên khác nhau đệ trình các yêu sách đối với thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa đã khởi đầu cho một cuộc chiến ngoại giao nảy lửa. Đặc biệt, hành động của Trung Quốc trong việc đệ trình bản đồ đường chín đoạn ở Biển Đông lên Liên Hợp Quốc đã làm bùng lên sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia tranh chấp khác.

Sự đối đầu ngoại giao ở Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào năm 2010 ở Hà  Nội, đặc biệt là giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc, đã đánh dấu sự gia tăng căng thẳng chưa từng có đối với vấn đề Biển Đông trong vòng hơn một thập kỷ. Nửa đầu năm 2011, hàng loạt các sự cố, bao gồm việc Bắc Kinh phản ứng nặng tay với các hoạt động khai thác năng lượng và hải sản của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, càng làm quan hệ giữa các bên tranh chấp ngày càng xấu đi. Kết quả là mối bang giao giữa Trung Quốc và các quốc gia tranh chấp trong ASEAN càng trở nên tồi tệ và các cường quốc bên ngoài ngày càng can thiệp sâu hơn vào vấn đề Biển Đông.

Áp lực về ngoại giao và chiến lược nặng nề đặt lên vai Bắc Kinh đã thúc đẩy giới làm chính sách và các nhà phân tích Trung Quốc chú ý hơn đến vấn đề tranh chấp, khiến họ phải nghiên cứu chính sách của các quốc gia khác và đưa ra những phản ứng thích hợp cũng như các lựa chọn chính sách trong tương lai.

Có bốn chủ đề đáng lưu ý nổi lên từ cuộc tranh luận ở Trung Quốc. Đầu tiên, đối lập với sự phê phán phổ biến từ bên ngoài về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc, đa số quan điểm của những nhà phân tích Trung Quốc cho rằng sự căng thẳng và các tranh chấp chủ yếu là do sự câu kết giữa Mỹ và những bên yêu sách khác trong khu vực. Thứ hai, họ cũng cho rằng Trung Quốc cần chủ động hơn trên Biển Đông nhằm thay đổi trạng thái bị động hiện tại. Theo đó, Trung Quốc có thể thực hiện được mục tiêu này bằng việc chủ động trong ba lĩnh vực: tăng tốc khai thác tài nguyên ở Biển Đông; hạn chế sự can dự của Mỹ trong vấn đề Biển Đông; và linh hoạt hơn trong việc áp dụng chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống khác nhau ở Biển Đông. Thứ ba, đa số những nhà nghiên cứu và quan chức Trung Quốc tin rằng các tranh chấp xung quanh Biển Đông trong những năm qua đã khiến cho môi trường an ninh khu vực của Trung Quốc bị xấu đi. Thứ tư, dường như có một sự đồng thuận đang gia tăng cho rằng Bắc Kinh nên thi hành một chính sách Biển Đông ôn hòa, phù hợp hơn trong thời gian sắp tới.

Người ta cho rằng có hai phe chính trong cuộc tranh luận ở Trung Quốc: phe cứng rắn và phe ôn hoà. Nghiên cứu này cho rằng còn có một luồng quan điểm trung dung đáng lưu ý cho rằng cần có các chính sách cứng rắn hơn nhằm bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc tốt hơn, đồng thời cần duy trì tình trạng không có đối đầu với các cường quốc bên ngoài cũng như các quốc gia tranh chấp khác trong khu vực. Dựa vào những phát hiện này, nghiên cứu kết luận rằng Bắc Kinh có thể sẽ thi hành chính sách cứng rắn nhưng tránh đối đầu trong tranh chấp Biển Đông trong thời gian sắp tới.

Nhìn chung, dường như có ba luồng quan điểm chính về nguồn gốc căng thẳng ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Nhiều học giả bên ngoài Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đã thi hành một chính sách cương quyết ở vùng Biển Đông dẫn đến căng thẳng trong khu vực. Quan điểm này được thừa nhận rộng rãi bởi truyền thông quốc tế cũng như nhiều nhà quan sát và quan chức nước ngoài. Một số ít các nhà quan sát quốc tế lập luận rằng Trung Quốc, trong nhiều trường hợp, chỉ đơn giản là đã phản ứng lại những hành động của các bên tranh chấp khác mà Bắc Kinh cho là đang thách thức quyền lợi và yêu sách của mình trong cuộc tranh chấp.

Cuộc tranh luận ở Trung Quốc đã hé lộ một quan điểm thứ ba, cho thấy sự khác biệt về nhận thức đáng kể giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài về nguồn gốc của các căng thẳng và xung đột ở Biển Đông trong những năm gần đây. Quan điểm chủ đạo ở Trung Quốc cho rằng các quốc gia tranh chấp khác và Mỹ đã câu kết để chống lại Trung Quốc. Trung Quốc dường như tin rằng sự câu kết này là nguyên nhân của căng thẳng và xung đột ở Biển Đông từ năm 2009.

Các chuyên gia Trung Quốc thường cho rằng yếu tố cốt lõi trong tranh chấp Biển Đông trong những năm gần đây chính là chiến lược “trở lại châu Á” của Washington. Dường như nhiều người Trung Quốc cho rằng mục tiêu chính của chiến lược “trở lại châu Á” là để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thiếu tướng hải quân đã nghỉ hưu Yang Yi thể hiện rõ tình cảm bài Mỹ ở Trung Quốc. Ông Yang buộc tội Mỹ về việc “đẩy mạnh chính sách ngăn chặn Trung Quốc đã có lâu nay: một mặt, Washington muốn Trung Quốc đóng vai trò nào đó trong các vấn đề an ninh khu vực, mặt khác, lại dần thắt chặt sự bao vây Trung Quốc và liên tục thách thức những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.

 Nhóm các nhà phân tích Trung Quốc này cho rằng ủng hộ những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là một phần chiến lược của Washington. Họ cáo buộc rằng sự can dự ngày càng nhiều vào tranh chấp Biển Đông của Mỹ cũng được cổ súy bởi các quốc gia trong khu vực như Việt Nam và Philippines.

 Nhiều nhà phân tích cũng tìm cách xem xét toàn diện các nguyên nhân dẫn đến căng thẳng ở Biển Đông. Theo một bài báo trên Nhân dân Nhật báo, có ba nhân tố tạo nên căng thẳng gia tăng ở Biển Đông trong những năm gần đây. Thứ nhất, các quốc gia lân cận ngày càng chú ý khai thác nguồn lợi kinh tế, đặc biệt là tài nguyên năng lượng ở Biển Đông. Một cách rất phi lý, bài báo đặc biệt đề cập đến việc doanh thu dầu và khí của Việt Nam chiếm đến 24% tổng GDP trong năm 2010.

Thứ hai, đó là sự dịch chuyển chiến lược sang Đông Á của Mỹ. Washington đã sử dụng Biển Đông như một con bài để duy trì vị thế an ninh vượt trội trong khu vực và điều này trùng khớp với mong muốn của nhiều quốc gia lân cận trong việc quốc tế hoá vấn đề Biển Đông. Thứ ba, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến cho các quốc gia láng giềng tìm cách lôi kéo Mỹ vào nhằm cân bằng lại sự trỗi dậy này. Luận điểm cuối cùng, có phần nào nhìn vào bản thân Trung Quốc để mổ xẻ vấn đề, dù không được nhiều nhà phân tích ở Trung Quốc chia sẻ nhưng lại được chấp nhận bởi một số chuyên gia Đông Nam Á ở Trung Quốc. Theo ông Ma Yanbing, một chuyên gia Đông Nam Á tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc, đặc biệt là sức mạnh hải quân, đã “khiến Việt Nam lo sợ”. Điều này khiến cho lãnh đạo Việt Nam nghĩ rằng họ nên chớp lấy cơ hội cuối cùng để xử lý ván bài Biển Đông trước khi Trung Quốc trở nên quá mạnh.

Những năm gần đây, một đề tài thường xuyên được chú ý về tranh chấp Biển Đông là các quan ngại về tự do hàng hải. Một luận điểm phổ biến được các chuyên gia phân tích Trung Quốc thường xuyên đưa ra là Washington đã dựng nên câu chuyện “tự do hàng hải” và sử dụng nó như một công cụ để gây áp lực cho Trung Quốc. Họ cho rằng Mỹ đã đưa ra một giả thuyết sai trái về mối đe doạ tự do hàng hải ở Biển Đông. Bắc Kinh tin rằng Mỹ chỉ đơn giản đang niệm câu thần chú “tự do hàng hải” như một cái cớ để xen vào ở tranh chấp Biển Đông nhằm duy trì ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ trong khu vực. Nhiều chuyên gia Trung Quốc tin rằng luận điệu của Mỹ về tự do hàng hải ở Biển Đông là nhằm nhấn mạnh lập trường của Mỹ về việc tự do tiến hành các hoạt động trinh thám quân sự ở vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, như sự cố tàu Impeccable đã chứng minh.

Khu trục hạm Mỹ thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông
Khu trục hạm Mỹ thực hiện tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông

Một bài báo trong Thời báo Quốc phòng chỉ ra rằng Mỹ đã tung ra hàng loạt những tàu giám sát quân sự để thu thập thông tin tình báo từ các quốc gia ven Biển Đông, đe doạ nghiêm trọng cho an ninh của các quốc gia này. Tác giả tuyên bố rằng “sự tự do hàng hải thật sự mà Mỹ muốn đảm bảo chính là sự tự do của Mỹ trong việc đe doạ quân sự các quốc gia khác”. Quan điểm này dường như cũng phản ánh lập trường chính thức của Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dương Khiết Trì tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7/2010 đã phản pháo lại tuyên bố của bà Hillary Clinton về Biển Đông bằng việc phủ nhận tự do hàng hải là một vấn đề. Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng Washington chỉ sử dụng luận điệu về tự do hàng hải nhằm trục lợi về mặt chiến lược và ngoại giao mà thôi.

Các căng thẳng và tranh chấp trong những năm gần đây đã làm gia tăng tinh thần dân tộc ở Trung Quốc. Những cư dân mạng Trung Quốc thường thể hiện cái nhìn hết sức cứng rắn với những quốc gia tranh chấp khác, đặc biệt là Việt Nam, Philippines cũng như Mỹ. Họ chỉ trích chính phủ Trung Quốc đã quá nhu nhược trong vấn đề Biển Đông. Một lá thư của độc giả gửi đến tờ National Defence Times với tựa đề “Nếu hiện tại không mạnh tay ở Biển Đông, sẽ không có bất cứ cơ hội nào trong tương lai” đã phản ánh cái nhìn diều hâu của một bộ phận đáng kể công luận Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, vốn có tiếng trong việc thu lợi từ việc kinh doanh chủ nghĩa dân tộc, đã xuất bản nhiều bài báo và xã luận có quan điểm gay gắt về việc gia tăng căng thẳng ở Biển Đông trong hai năm trở lại đây. Một bài xã luận thu hút được nhiều sự chú ý đã hô hào như sau:

“Một vài quốc gia láng giềng của Trung Quốc đã lợi dụng những chính sách đối ngoại mềm dẻo của Trung Quốc, biến nó thành cơ hội vàng để mở rộng lợi ích khu vực của họ… Hiện tại, theo như quan điểm chính thống, trước hết Trung Quốc nên thông qua những kênh đàm phán chính để giải quyết tranh chấp biển với các quốc gia khác. Nhưng nếu tình huống chuyển biến xấu đi, thì cần phải có những hành động quân sự… Nếu những quốc gia này không muốn thay đổi cách đối xử của họ với Trung Quốc, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh. Chúng ta cần sẵn sàng cho điều này, bởi vì nó có thể là cách duy nhất để giải quyết vấn đề tranh chấp biển.

Có vẻ như giới quân sự Trung Quốc đã lựa chọn một lập trường cứng rắn đối với tranh chấp Biển Đông. Không lâu sau những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ ở Diễn đàn ARF vào tháng 7/2010 tại Hà Nội, hải quân Trung Quốc  đã tổ chức một cuộc diễn tập quy mô lớn ở Biển Đông. Tổng tham mưu trưởng PLA Chen Bingde đã nói rằng: “chúng ta phải đặc biệt chú ý sự thay đổi tình hình ở khu vực và sự gia tăng nhiệm vụ của chúng ta; tự thân chuẩn bị cho đấu tranh quân sự”.  Ba hạm đội của PLA đã tiến hành một cuộc diễn tập chung thay vì tiến hành các cuộc tập trận riêng rẽ như thường lệ trong suốt lễ kỷ niệm thành lập PLA vào ngày 1/8. Xu Guangyu, chuyên gia cấp cao tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ Quân bị Trung Quốc, cho rằng đây là phản ứng của PLA đối với “một đòi hỏi chiến lược”. Thiếu tướng Lưu Nguyên thì cho rằng: “Trung Quốc là một nạn nhân của tranh chấp Biển Đông, tuy nhiên Trung Quốc đã nhẫn nhịn. Các quốc gia tranh chấp lân cận không nên tiếp tục lấn tới… Nếu không thì hậu quả có thể trầm trọng hơn là sự đe doạ suông”.

(còn tiếp)