Theo thông tin từ Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản ngày 29/4, trong thời gian từ ngày 27 - 28/4/2018, tàu khu trục DD114 và tàu tiếp tế AOE423 của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã tiến hành diễn tập liên hợp với tàu hộ vệ F81 Sutherland hải quân Anh ở Thái Bình Dương.
Trước đó, ngày 13/2, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết vào tháng 3/2018 tàu chiến Anh sẽ khởi hành từ Australia, đi qua Biển Đông, sau đó quay trở về Anh nhằm bảo vệ quyền lợi “tự do đi lại”.
Nhưng đến nay, tàu hộ vệ HMS Sutherland trước tiên đến Australia, sau đó đến Papua New Guinea rồi tới Guam, hiện lại cập cảng Nhật Bản, chạy một vòng lớn ở ngoại vi Biển Đông. Hiện nay, chiến hạm Anh vẫn còn chưa quay lại, vì vậy hiện còn chưa xác định chiếc tàu hộ vệ này có đi qua Biển Đông hay không.
Nhưng rõ ràng, một chiếc tàu hộ vệ tuần tra Biển Đông sẽ không thể gây ra bất cứ sự thay đổi nào đối với tình hình Biển Đông, chỉ có thể làm cho “địa vị của Anh giảm một bậc trong mắt người Trung Quốc” – tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 29/4 lo ngại, chỉ trích.
Những năm gần đây, cùng với sự trỗi dậy quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc, các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ đang có dấu hiệu tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông.
Đáng chú ý, Mỹ luôn là nước dẫn đầu trong sự hiện diện này, ngọn cờ là khẳng định quyền đi lại tự do, bảo đảm an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Các tàu chiến của Mỹ thường xuyên đi vào phạm vi vùng biển 12 hải lý của các đá ngầm trên Biển Đông, nhất là những đá ngầm do Trung Quốc kiểm soát và đã xây dựng thành đảo nhân tạo một cách phi pháp.
Sự hiện diện này đang gia tăng, thể hiện qua cả các tuyên bố cũng như hành động cụ thể. Chẳng hạn, Tân Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Philip Davidson gần đây cho rằng Trung Quốc đã có thể kiểm soát hiệu quả Biển Đông, tạo ra thách thức lớn hơn cho Mỹ ở toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, ông kêu gọi các quân chủng lớn của quân đội Mỹ tăng cường triển khai trên tuyến đầu châu Á - Thái Bình Dương để ứng phó.
Đáng chú ý, nửa đầu tháng 3/2018, biên đội tàu sân bay USS Carl Vinson hải quân Mỹ đã đến thăm một số nước Đông Nam Á, đồng thời phô trương sức mạnh trên Biển Đông, thậm chí còn tiến hành huấn luyện liên hợp với Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản.
Đến ngày 23/4, không quân Mỹ điều hai máy bay ném bom chiến lược B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Anderson, được tiếp dầu bởi hai máy bay tiếp dầu KC-135. Hai máy bay ném bom này đã bay qua eo biển Bashi, bay đến vùng biển quần đảo Đông Sa trên Biển Đông, khu vực lân cận tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, sau đó bay quay trở lại.
Ngày 27/4, không quân Mỹ xác nhận thông tin trên, cho biết hai máy bay ném bom B-52 đã tiến hành huấn luyện ở khu vực Biển Đông, sau đó chuyển sang tiến hành huấn luyện chung với máy bay chiến đấu F-15C của quân đội Mỹ ở khu vực Okinawa, rồi quay trở lại Guam. Điều này giúp cho quân đội Mỹ duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Máy bay ném bom B-52 có các đặc điểm như lượng tải đạn lớn, hành trình xa, có thể mang theo rất nhiều tên lửa hành trình tầm bắn xa, lắp đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, là công cụ quan trọng để Mỹ tiến hành răn đe chiến lược.
Theo các chuyên gia, Biển Đông là tuyến đường hàng hải rất quan trọng của thế giới, được cộng đồng quốc tế rất quan tâm, vì vậy việc Mỹ và đồng minh quan tâm đến vùng biển này là chuyện rất bình thường, nhất là khi họ đang cảm nhận thấy các mối đe dọa đang gia tăng.
Vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Mỹ đã đưa ra 3 báo cáo chiến lược quan trọng đó là báo cáo chiến lược an ninh quốc gia, báo cáo chiến lược quốc phòng và báo cáo chiến lược hạt nhân. Qua đây, Mỹ định vị Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, tính đối đầu với Trung Quốc tăng mạnh.
Gần đây, quan hệ Trung - Mỹ đã trở nên căng thẳng hơn, thể hiện trên nhiều phương diện, không chỉ về kinh tế thương mại, mà còn trong các vấn đề mà Trung Quốc coi là lợi ích cốt lõi như vấn đề Đài Loan hay trong các vấn đề khu vực khác như Triều Tiên, Biển Đông. Những điều này dường như cho thấy Mỹ đang thúc đẩy cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ với Trung Quốc.
Trong triển khai cuộc “cạnh tranh” này, Mỹ đang thúc đẩy các đồng minh mạnh phương Tây tham gia. Đáng chú ý, từ ngày 22 - 23/4/2018, Hội nghị Ngoại trưởng G7 (gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Italia) đã tổ chức ở thành phố Toronto, Canada. Hội nghị ra tuyên bố chung đề cập đến nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan đến Trung Quốc như vấn đề Biển Đông.
Tuyên bố chung nhấn mạnh sự quan ngại của G7 đối với tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, tái khẳng định lập trường phản đối mạnh mẽ của G7 đối với bất cứ hành động đơn phương nào làm leo thang tình hình căng thẳng, phá hoại ổn định khu vực và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế như đe dọa vũ lực, bồi đắp quy mô lớn, xây dựng và sử dụng các tiền đồn cho mục đích quân sự.
Các Ngoại trưởng G7 kêu gọi tất cả các bên tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ngoài ra, G7 coi phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan là cơ sở hữu ích cho các nỗ lực tiếp theo để giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông.
Tuyên bố trên của G7 hầu như ngầm chỉ trích các động thái của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông trong những năm gần đây, nhất là việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, triển khai quân sự một cách phi pháp và có quy mô lớn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đối với tuyên bố này của G7, Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ, lên án G7 “vô cớ sinh sự”, “không làm việc đàng hoàng”, thực hiện “tiêu chuẩn kép”, chỉ trích vô lý Trung Quốc, yêu cầu G7 không nên có những “phát biểu vô trách nhiệm”.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, cùng với sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc tăng lên, phương Tây ngày càng lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, luôn tìm cách “bôi đen” Trung Quốc.
Những năm gần đây, G7 luôn đánh “con bài” Trung Quốc. Từ năm 2015 đến nay, G7 đã thường xuyên “nói ra nói vào” về các vấn đề như Biển Đông, biển Hoa Đông. Mỗi lần G7 lên tiếng thì Trung Quốc đều có phản ứng và ngày càng gay gắt hơn, chứng tỏ những hành động của Trung Quốc luôn được theo dõi chặt chẽ từ cộng đồng quốc tế.